Mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng nhiều năm qua, ngân sách nhà nước vẫn luôn ưu tiên dành nguồn lực thỏa đáng cho phát triển lĩnh vực y tế.
Trên cơ sở thực tế công tác đấu thầu, một bộ khung pháp lý thống nhất, minh bạch đã được tạo lập cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn đi kèm, nhằm đảm bảo nguồn ngân sách chi cho y tế được sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Bệnh viện huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh mua sắm nhiều thiết bị giá cao hơn nhập khẩu. Ảnh: Ngọc Bảo.
Trong lĩnh vực đấu thầu trang thiết bị y tế, Thanh tra Chính phủ từng chỉ ra, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các doanh nghiệp gửi báo giá đến để làm cơ sở tham khảo xây dựng giá kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế hầu hết không phải là doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp, nên khi trúng thầu đều mua qua đơn vị trung gian hoặc mua lại của công ty đã được bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu, sau đó cung cấp cho cơ sở y tế. Việc này dẫn đến giá trang thiết bị mà các cơ sở y tế mua thường cao hơn nhiều lần so với giá nhập khẩu sau thuế.
Trước thực trạng này, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã tổ chức triển khai chuyên đề nghiên cứu về trách nhiệm tiết giảm ngân sách từ những gói thầu do các sở, ban, ngành tổ chức nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công. Đơn cử như tại bệnh viện huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.
Tìm hiểu của phóng viên được biết, ngày 28/02/2023, ông Võ Ngọc Cường – Phó Giám đốc bệnh viện huyện Bình Chánh đã ký thay Giám đốc ở Quyết định số 117/QĐ-BVBC phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm hóa chất - sinh phẩm năm 2022-2023.
Ông Võ Ngọc Cường đã ký Quyết định số 117/QĐ-BVBC.
Gói thầu có giá dự toán 12.059.025.436 đồng (Mười hai tỷ, không trăm năm mươi chín triệu, không trăm hai mươi lăm nghìn, bốn trăm ba mươi sáu đồng). Liên danh 10 thành viên trúng thầu với giá 10.633.545.032 đồng (Mười tỷ, sáu trăm ba mươi ba triệu, năm trăm bốn mươi lăm ngàn, không trăm ba mươi hai đồng).
Qua tìm hiểu ngẫu nhiên 26/202 sản phẩm có trong gói thầu, PV nhận thấy đều chênh lệch cao hơn so với giá nhập khẩu từ vài chục triệu cho đến vài trăm triệu đồng.
Có thể ví dụ như hóa chất dùng cho máy sinh hóa HC-HbA1c Direct (Ký mã hiệu: 4-595; xuất xứ: Ba Lan) có giá 37.676.100 đồng trong gói thầu. Còn giá nhập khẩu sản phẩm này khi cộng thêm thuế (gồm 15% thuế VAT và nhập khẩu) là gần 10 triệu đồng. Với 14 hộp, tổng số tiền chênh lệch khoảng 387 triệu đồng.
Tương tự, sản phẩm Fluorocell Wdf (Ký mã hiệu: CV377552; Xuất xứ: Nhật Bản) được nhập khẩu về Việt Nam hồi tháng 04/2023 có giá 14.379.482 đồng. Khi cộng thêm 15% thuế VAT và nhập khẩu thì thiết bị này khoảng 16.536.404 đồng. Còn bệnh viện Bình Chánh phê duyệt mức giá 41 triệu đồng (cao gấp gần 3 lần).
Hay mã hàng hóa Cuvette wash solution 7 (Ký mã hiệu:780656644; xuất xứ: Nhật Bản) được bệnh viện huyện Bình Chánh mua với giá 3.080.000 đồng/hộp. Nhưng theo tìm hiểu, giá nhập khẩu của sản phẩm này đã bao gồm thuế phí ở mức 1.094.240 đồng/hộp.
Bảng so sánh giá do phóng viên nghiên cứu thực hiện, nhiều sản phẩm trong gói thầu cao hơn giá nhập khẩu.
Qua tham khảo giá trúng thầu của gói thầu so với giá nhập khẩu (giá đã tính thuế nhập khẩu; chưa tính chi phí vận chuyển, lắp đặt, đào tạo, vận hành, chuyển giao, bảo trì, bảo dưỡng, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp...), về giá trị mua sắm chênh lệch tăng 29%, với số tiền chênh lệch tăng là hơn 3 tỷ đồng.
Tất nhiên, đây chỉ là một kênh tham khảo giá và không đủ điều kiện để xác minh, kết luận có hay không việc thông đồng nâng giá hay sai phạm làm thất thoát tiền ngân sách nhà nước. Thế nhưng, làm rõ nội dung có biểu hiện không bình thường đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị có chênh lệch giá cao tại bệnh viện huyện Bình Chánh là việc nên làm. Bởi thế, phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật đã nhiều lần liên hệ và cũng đặt giấy giới thiệu mong muốn có buổi trao đổi thông tin, nhưng phía Bệnh viện không có sự phản hồi.
Cần xem lại hiệu quả quản lý ngân sách
Liên quan đến những gói thầu có dấu hiệu sản phẩm giá cao hơn giá nhập khẩu và giá thị trường, từng trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Xuyền, nguyên Ủy viên Thường trực ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII và XIV, cho rằng: “Quy trình đấu thầu mua sắm công đã có các quy định của luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn. Nhưng gói thầu có giá sản phẩm cao bất thường thì rõ ràng chủ đầu tư cần phải xem xét lại các quy trình từ xây dựng giá dự toán đến phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, việc tham khảo giá sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế không khó”.
Cũng theo ông Xuyền, để đấu thầu thực chất, đạt mục tiêu thì cần làm đầy đủ quy trình đấu thầu một cách khách quan và trung thực. Mục đích của đấu thầu là lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa tốt, luôn phải đáp ứng đúng và đủ về tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm và giá cả phù hợp, càng thấp càng tốt, đỡ thiệt hại cho ngân sách, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất của đấu thầu mua sắm.
“Chủ đầu tư và cơ quan quản lý cần đánh giá lại quá trình tổ chức đấu thầu mua sắm ở gói thầu có đạt hai tiêu chí như tôi nói hay không. Nếu không đạt mục đích đấu thầu thì rõ ràng là đấu thầu không đạt yêu cầu về quản lý ngân sách Nhà nước, quản lý tài sản công”, ông Xuyền nhấn mạnh.
“Nếu quá trình làm mà cắt bớt quy trình, cắt bớt thủ tục để có dấu hiệu thông đồng thì cần xử lý về mặt pháp luật”, ông Xuyền nói thêm.
Nhật Hạ - Ngọc Bảo