Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Buôn bán bào thai sang Trung Quốc: Khó xử lý vì luật chưa chặt chẽ!

(DS&PL) -

Qua điều tra, Công an Nghệ An xác định đối tượng mà những kẻ buôn bán hướng đến là người dân tộc Khơ Mú, đang có thai từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8.

Qua điều tra, Công an Nghệ An xác định đối tượng mà những kẻ buôn bán hướng đến là người dân tộc Khơ Mú, đang có thai từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8. Sau khi các đối tượng dẫn thai phụ sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, chờ sinh con xong sẽ bán với giá 40 - 80 triệu đồng.

Vì quá... nghèo?

Nằm lưng chừng trên đỉnh núi, hai bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2 của xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có gần 200 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ-Mú. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về nơi đây là cái nghèo. Mùa đông nhiều đứa trẻ đứng giữa trời rét cắt da cắt thịt nhưng không có quần mặc. Đây cũng chính là nguyên nhân đầu tiên khiến cho người dân ở đây bán con.

Chị Lo Thị M. (SN 1984), ở bản Đỉnh Sơn 1, là một trong những trường hợp như vậy. Vợ chồng có với nhau 3 người con, cuộc sống nương rẫy không đủ ăn, anh Moong Văn Thái (SN 1985, chồng chị M.) theo bạn bè vào tỉnh Quảng Nam đào vàng thuê. Do người chủ nhất quyết không chịu trả tiền mà chỉ hứa hẹn cuối năm thanh toán một đợt nên dù đi đã lâu anh Thái vẫn không gửi đồng nào về nuôi gia đình.

“Chờ mãi, chờ mãi cũng không thấy chồng gửi tiền về. Trong nhà hết gạo, con đói khóc nên tôi mới đành đưa con đi bán”, chị M. giải thích. Cuối năm 2016, chị M. có bầu người con thứ 4. Khi chị mang thai tới tháng thứ 8 thì có một người họ hàng lấy chồng ở Trung Quốc gọi điện về. Biết hoàn cảnh của chị nên người này tỉ tê bảo sang bên đó sinh, rồi để lại con, người này sẽ nuôi giúp cho. Không những vậy, người đó còn “hào phóng” cho chị M. số tiền 80 triệu để về tiêu xài.

Bản Đỉnh Sơn, nơi có 12 trường hợp bán bào thai

Lần đầu tiên trong đời, chị M. nhìn thấy một số tiền lớn như vậy. Do vậy, chị đã không hỏi ý kiến chồng mà âm thầm quyết định vượt biên để có tiền trang trải nợ nần. “Lúc đó chồng đang đi làm xa nên tôi không hỏi. Họ chỉ cách cho tôi ra bắt xe đi Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Sau đó ở đây có người đón đưa sang Trung Quốc. Tôi được cho ăn, cho ngủ, nhưng người ta bảo không được đi lung tung”, chị M. kể.

Đến ngày vượt cạn, chị M. sinh được một cô con gái, tuy nhiên chưa kịp nhìn mặt con thì có người đã đến đưa cháu bé đi. Sau khi ở lại khoảng 2 tuần để phục hồi sức khỏe, chị M. trở về nhà cũng bằng con đường đã đi với một bọc tiền trong tay. Chị M. cũng thành thật trả lời không biết là bao nhiêu tiền cả vì chị không biết đếm, khi trở về nhờ người nhà kiểm tra mới biết đúng 80 triệu đồng như người họ hàng đã hứa.

Cho đến thời điểm hiện nay, chị M. vẫn tin rằng mình không bán con mà là do nghèo quá nên nhờ người họ hàng kia nuôi giúp. Ở bên Trung Quốc, chị chắc chắn con mình lớn lên sẽ có cái ăn, cái mặc và học hành đầy đủ chứ không phải như các anh chị ở quê nhà. Vì vậy, chị M. chưa bao giờ hối hận việc mình đã làm, thậm chí khi được hỏi nếu cho tiền để sang lần nữa thì chị khẳng định vẫn sẽ đi.

Sau khi trở về, chị dùng toàn bộ số tiền trả nợ, mua một chiếc tivi để xem và sửa sang ngôi nhà dột nát lâu nay. Anh Moong Văn Thái thở dài cho hay: “Cũng tại tôi đi làm xa nên không biết, khi về thì chuyện đã xảy ra rồi. Con tôi sinh ra để nuôi chứ bán làm gì. Giờ tôi cũng không đi đào vàng nữa, ở nhà làm mộc để nuôi gia đình thôi”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được trả tiền đầy đủ như chị Lo Thị M.. Như trường hợp của chị Lương Thị T. (SN 1968), trú tại bản Chà Lằn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn hứa bán đứa trẻ sẽ được 60 triệu đồng, thế nhưng khi trở về chị chỉ được nhận có... 19 triệu!

Vợ chồng chị vốn đã có 5 người con. Đầu năm 2017, chị mang bầu người con thứ 6. Khi chị mang thai đến tháng thứ 7, một người phụ nữ cùng bản vốn qua Trung Quốc lấy chồng đã lâu bất ngờ trở về sang nhà chơi. Khi ấy, người này đặt vấn đề mua đứa trẻ. Nghĩ gia đình có nhiều con rồi nên chị T. đồng ý.

Lên chuyến xe khách đêm từ Nghệ An ra Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, chị được 2 người phụ nữ đưa sang Trung Quốc. Đến khi sinh xong, người con của chị cũng bị mang đi. Thế nhưng ít ngày sau, có người đến nói với chị cháu bé đã tử vong, sau đó những người này đưa chị trở về Việt Nam cùng 1/3 số tiền được hứa xem như trả công. Sau khi quay về nhà, chị T. đã gửi đơn kiện lên chính quyền xã để đòi tiền nhưng không có kết quả.

Công an huyện Kỳ Sơn phối hợp với Hội phụ nữ thường tổ chức các buổi tuyên truyền về nạn buôn bán người, buôn bán bào thai.

Vướng mắc do thiếu chế tài xử lý

Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, đơn vị cũng đã nắm được tình trạng này và đã báo cáo với các ban ngành cấp trên, tuy nhiên đang gặp khó trong hướng xử lý. Trên địa bàn có 25 trường hợp phụ nữ mang thai bị dụ dỗ ra nước ngoài sinh nở rồi bán con. Phần lớn các chị em đã trở về quê cũ và khai nhận việc làm trên, còn 1-2 người vẫn ở Trung Quốc nên chưa thể xác minh.

Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do đời sống vật chất của người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế. Bà con nơi đây phần lớn chưa có kiến thức kế hoạch hóa gia đình, đẻ nhiều con mà không chăm sóc, nuôi dưỡng được, nên khi nghe người khác đi bán con trót lọt trở về, không ít chị em phụ nữ mang thai đã sang Trung Quốc để bán “khúc ruột” của mình mà không biết rằng, làm như vậy là vi phạm pháp luật.

Liên quan đến vụ việc, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng đây là một thủ đoạn mới của những kẻ buôn người. Nạn nhân chủ yếu là người phụ nữ dân tộc thiểu số. Thống kê cho thấy chỉ mới xảy ra ở đồng bào dân tộc Khơ Mú ở huyện biên giới Kỳ Sơn, một trong những “tâm điểm dư luận” của tệ nạn mua bán người ở Nghệ An trong những năm gần đây.

“Thủ đoạn của loại tội phạm này là chúng thường tìm đến những người phụ nữ dân tộc, chủ yếu là người Khơ Mú, đang có thai từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8. Sau đó, các đối tượng dẫn thai phụ sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Sau khi những người này sinh con xong, đứa trẻ sẽ bị bán. Bé trai được bán với giá 40 - 50 triệu đồng, bé gái thì bán với giá cao hơn, từ 70 - 80 triệu đồng trở lên”, Đại tá Cầu nói.

Mặc dù Công an Nghệ An đã nắm được tình hình nhưng khó xử lý vì vướng phải những kẽ hở trong các quy định của pháp luật. Cụ thể, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 có 5 tội liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai. Vì vậy, vừa qua Công an tỉnh cũng vừa có văn bản gửi bộ Công an, bộ Tư pháp, VKSND Tối cao và TAND Tối cao để xin ý kiến hướng dẫn xử lý tình trạng buôn bán bào thai.

Bộ Công an yêu cầu khẩn trương điều tra các vụ mua bán bào thai

Bộ Công an vừa có điện chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh với các vi phạm liên quan đến mua bán bào thai. Tổ chức rà soát tình hình mua bán bào thai, các đường dây, đối tượng môi giới mua bán người, mua bán bào thai ra nước ngoài để triệt xóa; Khẩn trương điều tra làm rõ các vụ việc đã xảy ra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ việc mua bán bào thai tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Nghệ An cảnh báo tệ nạn mua bán bào thai sang Trung Quốc

Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa ra văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai trên địa bàn gửi đến các sở ban ngành, địa phương. Theo đó, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các huyện miền núi tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành huy động sức mạnh hệ thống chính trị trong việc tham gia phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai.

Anh Ngọc

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 9

Tin nổi bật