(ĐSPL) - Việc gần trăm cây xanh khoảng 10 năm tuổi ở trường Mầm non Thụ Lộc, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) bị chặt phá, chuyển về nhà lãnh đạo xã khiến nhiều người bức xúc.
Trường Mầm non Thụ Lộc, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) được xây dựng từ năm 2005, trên diện tích khoảng 6.000m2. Năm 2011, trường này đạt chuẩn Quốc gia.
Phải mất hơn 10 năm để trường có được hệ thống cây xanh tươi tốt cho các trẻ vui chơi. Đã 10 năm nay, số cây này không ngừng phát triển; tạo cảnh quan đẹp cho ngôi trường chuẩn. Thế nhưng, trong phút chốc, vì sự tham lam và vô trách nhiệm của một số người, gần 100 cây xanh đã bị chặt phá, đốn hạ.
Trường Mầm non Thụ Lộc, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). |
Có mặt tại nhà trường, PV ghi nhận có tất cả có 93 cây xanh bị chặt phá; trong đó có 58 cây chặt sát gốc, 35 cây chặt ngang thân cách mặt đất chừng 3 - 4m. Trong số những cây bị chặt tận gốc, nhiều cây có đường kính hơn 30cm.
Nhiều cây bị chặt có đường kính hơn 30cm. |
Theo tường trình của bà Hoàng Thị Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụ Lộc: Ngày 9/10/2016, nhà trường họp đề ra chủ trương, phối hợp với Hội phụ huynh, Đoàn Thanh niên để tỉa cành cây xung quanh trường, nhằm tạo cảnh quan thoáng mát.
Lợi dụng việc tỉa cành, phát quang để phòng tránh cơn bão số 7 vừa qua, ngày 16/10/2016, bà Trần Thị Thắm, Hội phó Hội phụ huynh cùng với cô Phạm Thị Nga và cô Lê Thị Hiền, giáo viên của trường đã thuê người đến chặt phá một cách tàn bạo 93 cây xanh nêu trên.
Cây xanh khoảng 10 năm tuổi bị chặt phá. |
Được biết, toàn bộ số gỗ từ các cây bị đốn hạ, đã được bà Thắm, cô Nga và cô Hiền mang về nhà mình để sử dụng.
Khi PV liên lạc làm việc, bà Trần Thị Thắm, Hội phó Hội phụ huynh bất hợp tác: “Tôi đã trình bày tại cuộc họp rồi, có gì anh nắm thông tin qua cán bộ địa phương. Giờ mà nói lại thì cũng thế thôi”.
Gặp cô Phạm Thị Nga, người có liên quan đến việc chặt phá cây của trường, người này cho hay: “Trước đó, nhà trường có họp và triển khai với phụ huynh việc chặt đốn một số cây xung quanh trường để phát quang nhằm chống bão. Do nghe nhầm nên tôi đã tổ chức chặt cây sai quy định, vì thế tôi xin nhận toàn bộ trách nhiệm và chịu mọi sự đền bù theo định giá”.
Ông Đặng Quang Hiền, bảo vệ trường không giấu được bức xúc: “Hôm đó, thấy các cô đưa người ngoài mang máy cưa đến cắt cây, tôi có can ngăn. Nhưng họ nói tôi không có quyền gì ở đây cả”.
Nói về trách nhiệm việc chặt phá cây xanh trong trường học, cô Thành - Hiệu phó nhà trường phân trần: “Cái sai của tôi là do tin người, không quản lý một cách chặt chẽ, sâu sát; không báo cáo bằng văn bản với chính quyền địa phương. Là người quản lý, tôi xin nhận lỗi trước nhân dân, nhận lỗi trước lãnh đạo địa phương và giáo viên của trường”.
Bản tường trình của cô phó hiệu trưởng về việc tự ý đốn hạ cây xanh ở trường. |
Qua điều tra, chúng tôi được biết, một trong số cây bị đốn hạ, đã được vận chuyển về tư gia ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch HĐND xã.
Ông Phan Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết: “Hôm đó gia đình tôi có việc đột xuất nên không có nhà, đến ngày hôm sau mới biết. Ngày 18/10, chúng tôi sang nhà trường để làm việc, đồng thời yêu cầu cô Thành viết bản tường trình”.
“Việc ông Thạch có chỉ đạo chặt hay không thì chúng tôi đang xác minh. Còn việc ông Thạch đi thuê xe và chở cây về nhà mình là có thật”, vị Chủ tịch xã khẳng định thêm.
Được biết, sau khi sự cố xảy ra, UBND xã Phù Lưu đã tự ý thành lập Hội đồng định giá thiệt hại để yêu cầu những người liên quan đền bù. Điều đáng nói, mức giá mà "hội đồng" này đưa ra cho những cây xanh trên chục năm tuổi từ 70.000 - 200.000 đồng.
Điểm a) Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: "2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;" Trường hợp tài sản mà người này xâm hại có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc thuộc một trong những trường hợp sau thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009: "1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; b) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Để che giấu tội phạm khác; đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả nghiêm trọng 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả nghiêm trọng 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm." Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
Phi Long - Quốc Hoàn
Xem thêm video:
[mecloud]ypnvN52mnU[/mecloud]