Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bức tranh kinh tế năm 2016 và kỳ vọng đột phá năm 2017

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam trải qua nhiều thách thức. Tác động mạnh từ biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản…

(ĐSPL) - Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam trải qua nhiều thách thức. Tác động mạnh từ biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản… Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được sự ổn định vĩ mô. PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế, các ĐBQH để nhìn lại nền kinh tế năm 2016 và nhận định về cơ hội, thách thức kinh tế Việt Nam năm 2017.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Vượt qua khó khăn thách thức, kinh tế có nhiều điểm sáng

Năm 2016 là một năm đất nước đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Một trong những sự kiện có tác động đến mọi mặt đời sống xã hội là Chính phủ chuyển giao từ khóa cũ sang khóa mới thành công.

Chính phủ ngay khi vừa ra mắt đã xác định được những công việc cần thiết trước mắt cũng như trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.


Một trong những điều đáng chú ý là vượt qua khó khăn, chỉ số kinh tế vĩ mô của năm 2016 vẫn có những điểm sáng như: Lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng ổn định, thời hạn trả nợ của trái phiếu Chính phủ kéo dài ra, giữ được lượng ngoại tệ lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp, sau 6 tháng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai khốc liệt, 6 tháng cuối năm, nông nghiệp đã tăng trưởng dương được 0,68% (tính chung 9 tháng đầu năm). Tuy thấp hơn so với tăng trưởng cùng kỳ năm 2015 nhưng so với đầu năm thì rõ ràng đã tạo được bước đột phá rất tốt để ổn định kinh tế, xã hội.

Trong năm 2017, Chính phủ đã đặt ra trọng tâm phải xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Song song đó là đẩy nhanh xử lý các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ kéo dài. Vừa qua, tín hiệu mới nhất là chúng ta đã bán 5,4% số lượng cổ phiếu của Vinamilk với giá 144.000đồng/cổ phiếu. Những việc này sang năm 2017 cần tiếp tục được đẩy mạnh. Một vấn đề nữa mà Chính phủ đang đặt ra với hy vọng toàn xã hội ủng hộ là nâng cao hiệu quả của đầu tư công. Theo tôi, đây chính là những mục tiêu quan trọng nhất của nền kinh tế trong năm 2017.

Cũng cần nói thêm, mặc dù tăng trưởng GDP không đạt như Quốc hội giao, nhưng so với muôn vàn khó khăn từ đầu năm với nhiều sự cố bất lợi từ thiên tai, cần quan tâm đến chất lượng tăng trưởng. Chúng ta không nên chạy theo thành tích hay chỉ nhìn vào những con số tăng trưởng để bắt mạch nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng, nếu như không có lũ lụt, thiên tai thì GDP thậm chí có thể vượt mức 6,7%. Chúng ta không thể quên những khó khăn và đưa ra những yêu cầu khó khả thi.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu: Kinh tế 2016 ổn định là bàn đạp tốt cho 2017

Một điểm sáng của nền kinh tế năm 2016 là các thị trường đều ổn định. Cụ thể, lạm phát được kiểm soát không vượt quá 5% như mục tiêu Quốc hội đã đề ra cho năm 2016. Thị trường chứng khoán nói chung ổn định dù có lúc đi lên, lúc đi xuống nhưng nhìn chung là có tăng trưởng. Thị trường vàng, tỷ giá VNĐ được giữ ổn định. Sự ổn định của VNĐ là kết quả của chính sách tiền tệ hiệu quả nói chung của NHNN khi lạm phát được kiềm chế để không vượt quá 5%. Chính vì thế, các ngân hàng thu hút, tạo được niềm tin với người gửi tiền. Lãi suất cho vay của các ngân hàng có giảm, điều này giúp cho các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn hơn.

Tăng trưởng kinh tế có thể không đạt mục tiêu như Quốc hội đề ra là 6,7% nhưng có thể đạt mức từ 6%-6,3%. Đó cũng thực sự là một nỗ lực rất lớn của cả nền kinh tế. Năm 2016 cũng là năm mà chúng ta ghi nhận sự tôn vinh, chú ý đặc biệt tới các doanh nghiệp khởi nghiệp. Năm vừa qua, chúng ta cũng chứng kiến những bước đi mạnh mẽ trong việc rút vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp, tập đoàn. Nhà nước không nắm giữ vốn ở các lĩnh vực không phải đặc biệt quan trọng sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân, cơ hội hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự cạnh tranh, vươn lên của các doanh nghiệp.

Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp mới thành lập và đi vào hoạt động năm 2016 vượt qua con số 100.000 doanh nghiệp. Tăng 17% về số lượng, tăng 48% về số vốn, 24.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, đó là những tín hiệu tốt cho nền kinh tế trong năm tới.

Chính sự ổn định của nền kinh tế sẽ là tiền đề, bàn đạp tốt cho kinh tế Việt Nam năm 2017. Người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ mới có nhiều hành động, tuyên bố khá quyết liệt về một Chính phủ kiến tạo và hành động, tuyên chiến với nạn nhũng nhiễu doanh nghiệp. Đó là những tuyên bố đem lại nhiều niềm tin cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tin tưởng Chính phủ hành động với nhiều đột phá năm 2017

Từ khi Chính phủ khóa mới đi vào hoạt động, tập thể Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ nhiều khó khăn.

Trong hoàn cảnh hiện nay, khi đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là nợ công tăng cao, các khoản đầu tư trước đây không hiệu quả thì sự nỗ lực của Chính phủ là hết sức đáng ghi nhận. Có thể thấy trong năm qua, thiệt hại nặng nề do hạn hán và sau đó là 2 đợt lũ lụt lớn liên tiếp ở miền Trung, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề an sinh xã hội, ổn định và phát triển kinh tế, phát triển hoạt động doanh nghiệp, tạo việc làm, nhà ở... đều được quan tâm giải quyết có kết quả là do sự nỗ lực to lớn của một Chính phủ hành động. Tập thể Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt xử lý các vấn đề kinh tế – xã hội tồn đọng và những vấn đề mới phát sinh. Nhân dân cả nước cũng như cử tri và Quốc hội đã có sự ghi nhận về kết quả mà Chính phủ khóa mới đạt được.

Thủ tướng Chính phủ là người cực kỳ sâu sát trong mọi công việc. Ngoài việc Chính phủ ban hành các nghị quyết quan trọng để triển khai thực hiện, bản thân người đứng đầu Chính phủ cũng rất lăn lộn đối với những vấn đề thiết thực, gai góc nhất như sự cố môi trường, phát triển doanh nghiệp, mở rộng quan hệ quốc tế.

Trong quá trình hoạt động, Thủ tướng đã đôn đốc chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, cùng Chính phủ xây dựng, ban hành nhiều chính sách quan trọng, đặc biệt là tiếp tục triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình mục tiêu cho giai đoạn 2016-2020; kiên trì trong xây dựng pháp luật, nhất là đã khẩn trương xây dựng trình Quốc hội cho ý kiến luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng về tầm nhìn và các bước chỉ đạo thực tiễn có tính toán khoa học của Chính phủ thời gian qua.

Một trong những vấn đề mà nhân dân, cử tri và Quốc hội ấn tượng là Chính phủ đã đề ra triết lý hành động về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ chứ không phải Chính phủ hành chính. Tôi cho rằng, đây là một trong những điều ấn tượng nhất của Chính phủ – cơ quan hành pháp nhiệm kỳ mới. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, Chính phủ đã bắt nhịp và triển khai triết lý hành động của mình, đã được nhân dân và cử tri cả nước ủng hộ, đánh giá cao.

Bản thân tôi tin rằng, nhân dân có niềm tin đối với Chính phủ và Thủ tướng. Ngay cả các Bộ trưởng cũng đã mạnh dạn hành động quyết liệt trong thời gian qua. Có thể kể đến như bộ Công Thương quyết liệt chỉ đạo tinh giản biên chế, xử lý các vụ việc liên quan đến bổ nhiệm cán bộ, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường xốc vác, xử lý linh hoạt, hiệu quả sự cố môi trường biển miền Trung, Bộ trưởng Nông nghiệp nắm chắc tình hình phát triển kinh tế – xã hội, đi sát hoạt động cơ sở... Các Phó Thủ tướng lăn lộn với công việc trong lĩnh vực mình phụ trách... Đó đều là những tín hiệu mừng, tạo niềm tin trong nhân dân và cũng là những tín hiệu khởi sắc trong năm 2017. Chúng ta hy vọng với sự quyết tâm cao của Chính phủ thì nhiều khó khăn sẽ tiếp tục được tháo gỡ để khẳng định bước phát triển mới trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, ĐBQH Khóa XIII: Tư duy và hành động phải song hành tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế

Về tổng thể, tôi thấy kinh tế năm 2016 đã có bước tiến rõ rệt của quản lý về mặt Nhà nước. Thủ tướng cũng là người quyết liệt nhất trong các chủ trương, diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư tại các tỉnh để thay đổi tư duy từ hành chính sang phục vụ một cách ráo riết, triệt để. Tuy nhiên, tư duy phục vụ này chưa được rõ nét ở các bộ, ngành, địa phương và đó là điều tôi hy vọng sẽ thay đổi tích cực hơn trong năm 2017.

Tôi cũng thấy khá ấn tượng với phát triển kinh tế tư nhân và việc Chính phủ đã quyết tâm cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước một cách ráo riết, triệt để hơn thời gian trước. Điều này là đáng ghi nhận về một Chính phủ “hành động”. Cần cổ phần hóa làm sao để Nhà nước không bị thất thoát và điều này đã được thể hiện trên thực tế. Tôi hy vọng trong năm mới 2017, những nỗ lực sẽ tiếp tục được hiện thực hóa một cách mạnh mẽ và thành công.

Bên cạnh những điều được cho là “điểm sáng” trong năm qua, tôi thấy kinh tế năm 2016 chưa có được thành công vượt bậc. Năm 2017, muốn có được kết quả tốt hơn, ấn tượng hơn chắc chắn phải thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô tốt hơn, triệt để hơn. Tài nguyên và doanh nghiệp không có nhiều biến động nhưng điều quan trọng nhất là yếu tố con người. Tư duy, cách nhìn nhận của con người phải có sự thay đổi, khắc phục những hạn chế như thời gian qua bởi đây là yếu tố có sự quyết định lớn đến thay đổi tích cực của nền kinh tế.

Ở đâu đó, đôi khi người quản lý nghĩ đến quyền lực mà bỏ qua trách nhiệm và nghĩa vụ hoặc họ thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ “chưa tới” nên tự cho mình quyền hành, quen với tư duy “xin – cho”. Điều này sẽ khiến kinh tế khó phát triển. Do vậy, bên cạnh việc nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, cần thay đổi tư duy và suy nghĩ, việc làm, hành động phải song hành để tạo ra đòn bẩy cho sự phát triển nền kinh tế.

Dương Thu – Đỗ Thơm 

Tin nổi bật