(ĐSPL) - "Vào thời khắc thiêng liêng ấy, con như lặng người đi và như thấy cha hiện ra trước mắt mình từ phía Gạc Ma…", bức thư có đoạn viết.
Thiếu úy Phương hy sinh mà không biết mình đã có giọt máu được hơn 2 tháng tuổi trong bụng người vợ trẻ nơi quê nhà. Con gái của liệt sĩ Phương sau này đã có một ước mơ rất đẹp đó là được khoác trên mình bộ quân phục Hải quân Việt Nam anh hùng. Và ước mơ đó nay đã trở thành hiện thực, Thủy vừa chính thức được chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp với cấp hàm Thiếu úy. Vì thế, năm nay Thủy rất vui và đã viết cả trang giấy để đọc trước bàn thờ ngày giỗ cha.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bức thư vô cùng xúc động này, bài viết cũng được Thủy đưa lên Facebook – Thuy Tran.
26 năm ngày giỗ cha hy sinh tại Trường Sa
“Vậy là đã tròn 26 năm con được sinh ra và lớn lên mà không một lần được nhìn thấy mặt cha, ngày cha hy sinh con mới chỉ là giọt máu trong bụng mẹ chưa đầy 2 tháng tuổi. Mẹ đã phải vượt lên bao khổ cực để nuôi dạy con khôn lớn, trưởng thành. Ước mơ nhỏ nhoi khi con ý thức mong được gặp và nhìn thấy cha, được cha bồng bế, âu yếm, vỗ về… như bao đứa trẻ có cha bên cạnh khác. Bởi ký ức về người cha chỉ nghe qua những lời kể trong câu chuyện của mẹ, của người thân…
Mẹ kể: "Sau khi cha mẹ cưới nhau xong, cha vào ngay đơn vị, trong một lần về nghỉ Tết được 10 ngày đầu năm 1988, lại vội nhận lệnh trở vào đơn vị gấp và chuyến đi ấy là chuyến đi cuối cùng, cha đã mãi mãi không về nữa. Khi hay tin cha hi sinh, thì cũng là lúc mẹ biết mình mang thai, vậy là cha cũng không hề biết được mình đã có con... nhưng trước khi đi cha kịp dặn, khi nào có con thì đặt tên con là Thủy - Trần Thị Thủy nhé”.
Trần Thị Thủy tham dự gặp mặt Bộ đội Trường Sa... |
... và thắp hương tưởng niệm 64 liệt sĩ vào ngày 24/2 tại Nha Trang. |
Lớn dần lên, dù biết cha đã anh dũng hy sinh, nhưng con vẫn cứ thấy mình thiệt thòi so với chúng bạn, cảm giác tủi thân, ghen tị với bạn bè vì họ có cha, có mẹ đủ đầy, còn con... Nhưng lớn khôn hơn, con biết cha đã hy sinh vì Tổ quốc và đó chính là niềm tự hào của con. Dù cực khổ, mẹ vẫn lo cho con ăn học và nhờ đó con càng hiểu biết, càng ấp ủ mơ ước sẽ vào bộ đội cho dù mình là con gái. Nhất định phải bước tiếp trên con đường mà cha đã đi, tiếp bước truyền thống yêu Biển - Đảo quê hương của cha và của cả gia đình.
Học xong Đại học con liền nộp đơn xin vào Lữ đoàn 146 thuộc Vùng 4 Hải quân, đơn vị của cha năm xưa. Thật may mắn, con nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các chú, các bác, đặc biệt là chú Nguyễn Đức Vượng, nguyên là Chính ủy Lữ đoàn. Sau 4 năm công tác, giờ chính thức trở thành Quân nhân chuyên nghiệp, từ nay con được khoác trên mình bộ quân phục Hải quân Việt Nam anh hùng.
Thưa cha, nay con gái Trần Thị Thủy, cái tên do cha đặt đã chính thức trở thành đồng đội, đồng chí của cha! Từ nay, con lại mang trong mình dòng máu quân hành, được rèn giũa trong môi trường quân đội. Vinh dự hơn, được ra Trường Sa, đến tận khu vực đảo Cô Lin, Gạc Ma, để tưởng niệm 64 liệt sĩ, trong đó có cha đã anh dũng hy sinh để giữ đảo thiêng của Tổ quốc. Vào thời khắc thiêng liêng ấy, con như lặng người đi và như thấy cha hiện ra trước mắt mình từ phía Gạc Ma… nơi đấy, máu của cha và của bao đồng đội đã vĩnh viễn hòa vào từng giọt biển cả quê hương.
26 năm trôi qua, biết bao nhiêu khó khăn vất vả mẹ nuôi dưỡng con mà không có cha ở bên cạnh. Nhưng cũng trong những tháng năm gian khó ấy lại là bài học lớn, con biết sống tự lập, kèm theo niềm tự hào về cha và sự yêu thương của mẹ. Sự sẻ chia của người thân, của các bác, các chú đã và đang là đồng đội của cha. Đó chính là nguồn động lực to lớn giúp con gái của cha vượt qua khó khăn để có ngày hôm nay.
Cờ anh Trần Văn Phương phất cao tại đảo Gạc Ma được đặt tại Nhà truyền thống Vùng 4 Hải quân. |
Trong ngày giỗ cha và đồng đội của cha năm nay, con không khỏi xúc động trong niềm mong nhớ đến người cha mà chưa một lần biết mặt. Cha đã ra đi mãi mãi khi tuổi đời vừa tròn 23. Nhưng thưa cha, con tự hứa với bản thân và trước bàn thờ của cha rằng, con sẽ cố gắng công tác tốt, nguyện là người tiếp bước truyền thống vẻ vang mà cha đã đi và đã làm, sẽ không bao giờ lùi bước trước khó khăn; sẵn sàng dâng hiến tuổi trẻ và sức xuân mình, góp một phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Biển, Đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng là con gái tên Thủy của cha, người từng cầm cờ giữ đảo Gạc Ma năm xưa.
Các bác, các chú kể, trước lúc hy sinh, cha đã nói “Thà hy sinh chứ không chịu để mất đảo, hãy để máu mình tô thắm lá cờ vinh quang và truyền thống vẻ vang của Quân chủng”. Thưa cha, không chỉ riêng con, lời thề của cha năm ấy đã trở thành nguồn động viên cho cả tuổi trẻ đơn vị, lá cờ cha phất cao năm ấy đã được đặt trang trọng tại Nhà truyền thống của Vùng 4. Mỗi lần nhớ đến cha, con lại đến kính cẩn, nghiêng mình nhìn lá cờ Tổ quốc ấy. Con sẽ mãi mãi tự hào về cha và con biết, mỗi bước đi của con luôn có cha dõi theo, chỉ đường, dẫn lối cha nhé... Ngàn lần kính cẩn bên cha…”.
Trần Công Thi