Đầu tháng 2/2023, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang cho biết, Khoa Ngoại của Bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi 4 tuổi ở TP Bắc Giang bị bỏng bàn tay phải do nổ bóng bay bơm khí hydro.
Người nhà bệnh nhân thông tin: Trước đó khoảng 10 ngày, gia đình mua bóng bay cho con. Trong lúc bé đang cầm bóng chơi đùa thì bất ngờ bóng phát ra tiếng nổ lớn gây bỏng bàn tay phải.
Sau tai nạn xảy ra, gia đình lại chỉ cho con đắp thuốc nam của một thầy lang, không đưa đến bệnh viện thăm khám, điều trị. Sau vài ngày, vết thương không những không khỏi mà ngày càng lan rộng dẫn tới nhiễm trùng bàn tay phải.
Trước đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang ngày 24/5 cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân T.H, 15 tuổi nhập viện do bỏng khí hydro. Khi em T.H đang cầm dỡ chùm bóng bay có chứa khí hydro để trang trí thì bóng bỗng dưng phát nổ. Bệnh nhân bị bỏng rát vùng mặt và 2 cánh tay nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu.
Bóng bay bơm khí Hidro rất dễ phát nổ
Các chuyên gia khuyến cáo, bóng bay bơm khí Hidro được nhiều người ví như "bom nổ chậm", vì có thể nổ bất cứ lúc nào và gây chấn thương cho người ở gần. Trong khi đó, Việt Nam chưa có văn bản nào cấm việc sử dụng khí hidro để bơm bóng bay.
Chia sẻ với PV Đời sống và Pháp luật, bác sĩ Nguyễn Thế Hiệp, Khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Phần lớn bệnh nhân bị bỏng do khí hidro đều là trẻ em. Khi khí hidro gặp nhiệt, nó sẽ phản ứng với oxy sinh ra hơi nước, phản ứng tỏa nhiệt nên nó sẽ gây bỏng như bỏng hơi nước”.
Các trường hợp ở gần bóng bay như: đứng gần bật que diêm; dùng bật lửa để cắt dây bóng; những trái bóng trong chùm cọ xát; khi cầm bóng bay ngoài trời nắng cũng có nguy cơ gây nổ.
Những chùm bóng bay lơ lửng với hàng trăm hình thù được bày bán tràn lan.
Đặc biệt trong các lễ hội, sự kiện đầu năm những chùm bóng bay lơ lửng với hàng trăm hình thù được bày bán tràn lan. Các vụ nổ bóng bay thường nguy hiểm cho những người đứng gần, có thể bỏng da tay, da mặt là những vị trí nhạy cảm.
Cách sử lý khi bị bỏng bóng bay tại nhà
Ngoài ra bác sĩ Hiệp cũng khuyến cáo, khi trẻ bị tai nạn chấn thương, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế thăm khám. Gia đình không nên cho con đắp thuốc, chữa mẹo bởi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
“Thông thường bệnh nhân trưởng thành bị bỏng thì sau 2-3 tuần sẽ bình phục. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, vết thương không được điều trị kịp thời hoặc sử dụng một vài phương thuốc nan không rõ nguồn gốc không những điều trị mất nhiều thời gian mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Với vết bỏng nhỏ, cố gắng hạ nhiệt bằng cách để vết thương dưới vòi nước mát, tuy nhiên không để tốc độ nước chảy quá cao vì có thể gây tuột lớp da. Đồng thời không để nhiệt độ nước quá lạnh hoặc chườm đá ngay vì chênh lệnh nhiệt có thể gây bỏng lạnh.
Với vết bỏng lớn hơn thì cố gắng che phủ bằng gạc ẩm, chỉ che thôi đừng băng lại sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu tránh làm nặng lên vết thương”, Bác sĩ Nguyễn Thế Hiệp, Khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn cho hay.
Thảo Ly