Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bôi nhọ, vu khống lãnh đạo và người khác trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

(DS&PL) -

Việc tung những thông tin bôi nhọ, vu khống lên mạng để nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của cá nhân tổ chức, nhằm câu like hay nhằm thu lợi bất chính.....

Việc tung những thông tin bôi nhọ, vu khống lên mạng để nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của cá nhân tổ chức, nhằm câu like hay nhằm thu lợi bất chính hoặc để thu hút sự chú ý nhằm quảng cáo, bán hàng đều làm ảnh hưởng tới hình ảnh cá nhân, tổ chức.

Trong thời gian qua trên mạng xã hội, đặc biệt là trên facebook xảy ra tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để viết nhiều bài nói xấu, bôi nhọ, vu khống lãnh đạo và những người khác, đã bị xử lí nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính nặng thì bị xử lí trách nhiệm hình sự.

Theo chuyên gia Pháp lý Mai Quốc Việt- Công ty Luật Hợp Danh FDVN, để xác định một hành vi có phải là bôi nhọ, vu khống thì tùy thuộc vào nội dung thông tin, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung thông tin lên mạng tác động đến xã hội như thế nào. Cụ thể:

Về mặt dân sự, Danh dự và nhân phẩm là quyền bất khả xâm phạm của con người, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 có nêu: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm…”

Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”

Nhiều người sử dụng mạng xã hội để bôi nhọ người khác. Ảnh minh họa

Bộ luật Dân sự cũng quy định, khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, người nào tung thông tin bôi nhọ, vu khống xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại đồng thời còn có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức.

Về xử phạt hành chính, việc tung những thông tin bôi nhọ, vu khống đã vi phạm vào hành vi bị cấm tại điểm d, Khoản 1 Điều 5 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.

Theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện như sau: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Ngoài việc bị xử phạt hành chính, bồi thường dân sự, những hành vi bôi nhọ, vu khống lãnh đạo và những người khác trên mạng một cách nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về các tội Vu khống; tội Làm nhục người khác; tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân; tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính.

Trong trường hợp xác định được chính xác người tung thông tin tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”

Nếu không xác định được chính xác người viết thông tin bôi nhọ, vu khống mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 (được sửa đổi bởi Điều 27 Luật Hình sự sửa đổi năm 2009) thì: “Người nào thực hiện hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Ngoài ra người viết những thông tin mang tính bôi nhọ, vu khống cán bộ người khác lên mạng xã hội còn bị xử lí bởi tội danh tại Điều 258 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009): “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm  hoặc phạt tù từ sáu  tháng đến ba năm.”

Từ những viện dẫn như trên, rõ ràng việc tung những thông tin bôi nhọ, vu khống lên mạng để nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của cá nhân tổ chức, nhằm câu like hay nhằm thu lợi bất chính hoặc để thu hút sự chú ý nhằm quảng cáo, bán hàng đều làm ảnh hưởng tới hình ảnh cá nhân, tổ chức.

Nguyên nhân có thể từ sự ghen tức, đố kị ban đầu, tung thông tin với mục đích bêu xấu, hạ nhục người khác trên mạng là hồi chuông báo động. Nếu việc đưa thông tin lên mạng nhằm mang tính xây dựng, cùng nhau phát triển, không vu khống, bôi nhọ thì được hoan nghênh. Nhưng việc lợi dụng để đưa thông tin vu khống, bội nhọ, hạ thấp uy tín thì sẽ phải bị xử lí theo các quy định của pháp luât.

Hoàng Yên (ghi)

Tin nổi bật