Tin trên báo VTC News, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia khẳng định, để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, Trung tâm đã tổ chức đấu thầu 106 danh mục thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2024. Đến nay, 86-88 thuốc trúng thầu (tùy theo miền Bắc, miền Trung và miền Nam) đã phê duyệt.
Năm 2023, trung tâm tiến hành mời thầu lại 19 danh mục thuốc chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu năm 2022. Hiện đã lựa chọn được 13/19 mặt hàng trúng thầu.
Liên quan đến phản ánh các cơ sở y tế thiếu thuốc một phần do trung tâm chậm trả kết quả đấu thầu tập trung và đàm phán giá, Trung tâm này nêu rõ, việc đấu thầu tập trung quốc gia đã có kết quả từ ngày 3/8/2022 (88/106 thuốc), hiệu lực thực hiện từ 1/9/2022 đến 31/8/2024.
Theo nhiệm vụ được giao, Trung tâm này chỉ tổ chức đấu thầu các thuốc generic nhóm 1 - 2. Đây là các hoạt chất có số lượng thuốc sử dụng lớn và chi phí thuốc lớn, chiếm 16,75%/tổng lượng thuốc sử dụng trong cả nước.
Hiện tình trạng thiếu thuốc đang tồn tại ở nhiều địa phương. Ảnh: SK&ĐS
Các thuốc nhóm 3 - 4 - 5 còn lại Bộ Y tế đã giao địa phương hoặc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu, mua sắm. "Nếu thiếu các thuốc này ở địa phương là do trách nhiệm tổ chức thực hiện tại địa phương", vị đại diện trung tâm nói.
Vừa qua, không ít cơ sở khám, chữa bệnh phản ánh tình trạng thiếu thuốc đang diễn ra nghiêm trọng. Ngày 25/10, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Phước Đỗ Thị Nguyên thừa nhận tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế xảy tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước.
Lãnh đạo sở Y tế Bình Phước cũng nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế như: Sau đại dịch COVID-19 thì các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu thay đổi liên tục dẫn đến việc lúng túng trong quá trình triển khai.
BS Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - truyền máu Cần Thơ cho biết đang nỗ lực hết sức, làm cả ngày nghỉ để đẩy nhanh các gói thầu hóa chất, vật tư phục vụ cho nhiệm vụ tiếp nhận, sản xuất máu.
Từ cuối năm 2022, Bệnh viện Huyết học - truyền máu Cần Thơ thực hiện hồ sơ gói thầu 394 mặt hàng, bao gồm túi đựng máu, hóa chất cần thiết để sản xuất máu từ nguồn máu hiến với tổng trị giá gần 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thủ tục kéo dài, đến nay toàn bộ các gói thầu mới được phê duyệt quyết định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Hậu quả xảy ra tình trạng cả miền Tây đang thiếu máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chuyên môn, việc điều trị cho người dân.
Trước đó, thông tin trên báo Sức khỏe và đời sống, ông Lê Thanh Dũng - Giám đốc Trung tâm đấu thầu thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) cũng đã thông tin những nội dung liên quan đến phản ánh kết quả đấu thầu thuốc.
Theo đó, ngoài việc cung cấp thông tin về những gói thầu đã triển khai và phần lớn đã có kết quả, ông Dũng khẳng định: "Trong thời gian chưa có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá được công bố, các cơ sở y tế được tổ chức đấu thầu đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị theo quy định tại Điều 18 Thông tư 15/2019/TT-BYT. Trung tâm luôn có văn bản thông báo về tiến độ công tác mua sắm tập trung và đề nghị các cơ sở y tế chủ động mua sắm thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh".
Ông Dũng đã thông tin về tình hình cung ứng của nhà thầu từ khi có kết quả đấu thầu thuốc Quốc gia. Cụ thể các nhà thầu cơ bản đáp ứng tiến độ cung ứng tới các cơ sở y tế trên cả nước. Một số trường hợp nhà thầu không cung ứng thuốc do cơ sở y tế chưa thực hiện việc thanh toán với các nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết, Trung tâm có văn bản đề nghị các cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện theo nội dung Hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.
Trên thực tế vẫn có một số thuốc nhập khẩu cung ứng chậm do thiếu nguyên liệu trên toàn cầu bởi ảnh hưởng hậu dịch COVID-19 hoặc chưa được Cục Quản lý Dược xét duyệt đơn hàng nhập khẩu thuốc kiểm soát đặc biệt, Trung tâm đã yêu cầu nhà thầu tài trợ thuốc có tiêu chí kỹ thuật tương đương cho các cơ sở y tế trong thời gian chưa cung ứng được thuốc trúng thầu.
Đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia có kết quả trúng thầu đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) đã chia sẻ trên báo Người lao động, đại diện Bộ Y tế thừa nhận hiện nay có lúc, có nơi vẫn thiếu thuốc, vật tư là do tâm lý e ngại sau những vụ việc vi phạm về đấu thầu.
"Ngày 31/12/2023, Nghị quyết 30 của Chính phủ hết hiệu lực, chúng ta sẽ chuyển sang áp dụng Luật đấu thầu mới có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024, trong đó đã quy định nhiều hình thức mua sắm vật tư trang thiết bị. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai. Bộ Y tế đã gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành đến năm 2024 đối với nhiều loại thuốc để đảm bảo nguồn thuốc đầu vào cho đơn vị cung ứng" - ông Công nói.
Bảo An (T/h)