Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng Quốc phòng Italy lên tiếng về khả năng viện trợ cho Ukraine

  • Phương Uyên
(DS&PL) -

Bộ trưởng Quốc phòng Italy cho rằng nguồn lực viện trợ cho Ukraine không phải là vô hạn và xung đột Nga – Ukraine chỉ có thể kết thúc nếu hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với tờ Corriere della Sera, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto đã đưa ra nhận định rằng dù chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni có muốn hỗ trợ Ukraine "vô thời hạn" thì chính sách này "đơn giản là không thực tế".

Ông Crosetto chỉ ra xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn một năm rưỡi, “thời gian càng trôi qua, khả năng giúp đỡ Ukraine với những nguồn lực không phải vô hạn càng giảm đi”. Ông đồng thời nhấn mạnh điều đó không cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Italy mà là "bản chất hữu hạn" của nguồn dự trữ nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Italy cũng cho rằng tình hình chiến sự ở Ukraine đang trở dần nên tồi tệ hơn khi Kiev gặp “khó khăn lớn trong việc giành lại những vùng đất đã mất kiểm soát”.

“Chúng ta đang chứng kiến ​​sự bất khả thi trong việc giải quyết xung đột trên thực địa”, ông Crosetto nói và cho biết thêm rằng Italy đang nỗ lực tìm cách xây dựng các bàn đối thoại để đạt được hòa bình.

Đầu tháng 10, tờ Politico dẫn lời một quan chức châu Âu cho biết, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chạm đến giới hạn về số lượng vũ khí mà họ có thể trang bị cho Ukraine mà không ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ quốc gia.

Cùng thời điểm đó, tờ báo trên cũng thông tin rằng hiện đang có những rạn nứt hơn bao giờ hết trong việc viện trợ cho Ukraine đồng thời viện dẫn sự việc quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách tạm thời không bao gồm gói viện trợ bổ sung cho Ukraine làm ví dụ.

Ngoài ra, tại châu Âu, chiến thắng của cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico - người chủ trương ngừng viện trợ cho Kiev, trong cuộc bầu cử mới đây cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn viện trợ cho Ukraine.

Về phía Nga, giới chức nước này tiếp tục khẳng định luôn để ngỏ hòa đàm để chấm dứt xung đột với Ukraine, bác bỏ công thức hòa bình 10 điểm mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra cuối năm ngoái vì cho rằng đề xuất này "không khác một tối hậu thư" mà Nga sẽ không bao giờ chấp nhận.

Tuy nhiên, Moscow cũng cáo buộc Kiev chưa nghiêm túc về triển vọng đàm phán. Nga nêu rõ, để hòa đàm Ukraine trước tiên phải hủy bỏ sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin.

Hơn nữa, Nga muốn Ukraine phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Tuy vậy, Kiev khẳng định không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ bất kể cuộc chiến này khó khăn và kéo dài bao lâu.

Phương Uyên (T/h)

Tin nổi bật