Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải “mưa” điểm 10 kỳ thi THPT quốc gia 2017

(DS&PL) -

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giải đáp hàng loạt vấn đề nóng trong trong đợt tuyển sinh năm 2017, trong đó có vấn đề hiện tượng “cơn mưa” điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giải đáp hàng loạt vấn đề nóng trong trong đợt tuyển sinh năm 2017, trong đó có vấn đề hiện tượng “cơn mưa” điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia.

Theo tin tức mới nhất trên TTXVN, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016- 2017 với giáo dục đại học, diễn ra sáng 11/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã giải đáp những vấn đề nóng trong tuyển sinh được bàn đến những ngày gần đây như: Hiện tượng cơn mưa điểm 10, nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học, cộng điểm ưu tiên, điểm chuẩn ngành sư phạm thấp.

Báo Dân trí thông tin thêm, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện tượng kỳ thi THPT quốc gia 2017 có nhiều điểm 10 mà báo chí đưa bằng cụm từ “mưa điểm 10” liệu có thực sự chính xác?

Theo ông Nhạ, phương thức thi Trắc nghiệm khách quan nhìn một cách tổng thể thì chúng ta được nhiều hơn. Nếu như năm ngoái, điểm 10 thường rơi vào trường hợp rất giỏi hoặc học tủ thì năm nay có thay đổi một chút. Bởi lẽ, đề thi trắc nghiệm khách quan kiểm tra kiến thức rộng, trải dài, tạo cơ hội cho nhiều học sinh có cơ hội được điểm cao.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Hơn nữa năm nay nội dung thi chỉ tập trung trong chương trình lớp 12, trong quá trình học tập học sinh có 3 lần được làm quen với dạng thức đề thi, tạo thuận lợi cho thí sinh ôn tập. Tuy kết quả có nhiều điểm tuyệt đối hơn nhưng theo số liệu thống kê, điểm 9-10 cũng chỉ chiếm 3% trong phổ điểm cả nước.

“Cái được lớn nhất của chúng ta là việc thay đổi hình thức thi đã cho kết quả rất minh bạch, khách quan, giảm tốn kém cho xã hội. Số điểm 9-10 tuy có nhiều hơn nhưng trung vị vẫn là 4-6 điểm chứ không hẳn là “mưa điểm 10” như dư luận bình luận”, Bộ trưởng Nhạ chỉ rõ.

Hay khi nhắc đến hiện tượng “30 điểm vẫn trượt”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, năm nay chúng ta áp dụng minh bạch, công khai thông tin trong tuyển sinh. Do tính ưu việt của công nghệ thông tin, Bộ cho các em đăng ký nhiều nguyện vọng, có thể thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm, rất nhân văn. Vì sự minh bạch do công nghệ thông tin hỗ trợ rất tốt nên nhiều thí sinh cùng đăng ký vào một số trường tốt, ngành hot như Y, Dược, Công an, Quân đội... trong khi chỉ tiêu các trường này không tăng, thậm chí là giảm tới 50%, nên điểm chuẩn các trường/ngành này cao là điều dễ hiểu. 

Về hiện tượng này, ngành Giáo dục sẽ khắc phục bằng việc rút kinh nghiệm ra đề thi phân hóa rõ nét hơn nữa: “Năm đầu tiên chúng ta triển khai đề thi trắc nghiệm chuẩn hóa, kết quả như vậy đã là một sự cố gắng lớn, tuy nhiên cần phải hoàn thiện về mặt kỹ thuật để năm sau đề thi có sự phân hóa tốt hơn nữa”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Về dư luận đối với chuyện cộng điểm ưu tiên xét tuyển đại học (vừa qua dư luận cho rằng, khi xét tuyển, việc nhiều thí sinh đỗ nhờ được cộng mức điểm ưu tiên cao đã gây thiệt thòi cho những thí sinh ở khu vực 3), Bộ trưởng cho rằng, cộng điểm ưu tiên là cần thiết. “Nhưng  mức cộng thế nào, đối tượng nào thì bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe. Tới đây sẽ có khảo sát thực tế và có thể có điều chỉnh phù hợp với một số đối tượng, trong đó chính sách người có công vẫn bảo đảm”, báo Sài Gòn giải phóng dẫn lời ông Nhạ cho biết.

Một vấn đề nóng khác được dư luận “mổ xẻ” những ngày qua là ngành Sư phạm có điểm đầu vào ở mức thấp. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, dư luận nên nhìn nhận toàn diện và thấu đáo. Bởi lẽ nếu phân tích thì không phải ngành Sư phạm nào năm nay cũng có đầu vào quá thấp. Có những phân ngành điểm trúng tuyển vẫn khá cao hoặc ở mức tương đối nhưng cũng có phân ngành điểm thấp, nhất là ở các trường cao đẳng có đào tạo ngành Sư phạm.

Bên cạnh đó, qua theo dõi thực tế nhập học, đa số thí sinh nhập học có điểm thi cao hơn điểm trúng tuyển mà trường công bố.

Theo Bộ trưởng, sắp tới Bộ GD&ĐT quyết tâm xây dựng chuẩn trường Sư phạm. Tới đây sẽ quy hoạch theo hướng tập trung vào các trường đại học sư phạm lớn, dần dần có chính sách để đầu ra - đầu vào hợp lý với sự phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan.

 “Khởi đầu cải cách, động vào cái gì cũng tạo nhiều nhận thức khác nhau. Chắc chắn ban đầu sẽ sóng sánh một chút nhưng sau đó, mọi vấn đề sẽ đi vào ổn định, tốt đẹp với sự quyết tâm của toàn ngành”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật