Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đại học không ra dáng đại học

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong số gần 300 trường đại học không có trường nào cho ra dáng đại học. Nhiều trường thậm chí cơ sở còn phải đi thuê...

(ĐSPL) – Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong số gần 300 trường đại học không có trường nào cho ra dáng đại học. Nhiều trường thậm chí cơ sở còn phải đi thuê. Có những trường trông như cái nhà kho, làm sao sinh viên sáng tạo được khi mà phần lớn là phải học chay.

Theo tin tức trên báo Thanh Niên, tại hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 7/1 ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi các hiệu trưởng phải trực tiếp đứng ra chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục ĐH.

Bộ trưởng Phùn Xuân Nhạ chỉ ra thực trạng của giáo dục ĐH hiện nay: “Phải thấy các điều kiện đảm bảo chất lượng như hiện nay là không thể chấp nhận được. Tỷ lệ 17% giảng viên ĐH đạt trình độ tiến sĩ, lớp quá đông sinh viên nên giảng viên đến dạy ĐH mà như dạy phổ thông cấp 4, thì lấy đâu ra chất lượng!”.

Nói về cơ sở vật chất, theo ông Phùng Xuân Nhạ, trong số gần 300 trường ĐH không có trường nào cho ra dáng ĐH. Nhiều trường thậm chí cơ sở còn phải đi thuê. Có những trường trông như cái nhà kho, làm sao sinh viên sáng tạo được khi mà phần lớn là phải học chay.

Báo Dân trí cũng đưa tin, cùng bàn về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và lời giải cho bài toán việc làm cho sinh viên, nhiều hiệu trưởng thẳng thắn thừa nhận chất lượng giáo dục ĐH còn thấp, thậm chí là đang đi xuống.

Hiệu trưởng các trường đại học tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Niên

GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, chất lượng đại học xuống thấp là do những năm trước đây các trường tuyển sinh ồ ạt và năng lực thực tại của các trường đã mất cân đối.

Theo GS Đặng Kim Vui, trước đây, có ngành chỉ chừng 20 sinh viên, nhưng nay có khi lên đến 70-80 sinh viên. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo theo tín chỉ nên học sinh chỉ có thời gian học lý thuyết còn thời gian dành cho thực tập rất ít. Mặt khác sự gắn bó giữa các trường với các doanh nghiệp còn hạn chế.

GS Vui dẫn chứng, sinh viên trường Y của ĐH Thái Nguyên khi xuống thực tập, các bệnh viện tới 50 - 60 em, bệnh viện không biết sắp xếp để các em làm gì. Hay như trường ĐH Công nghiệp khi sinh viên xuống các xí nghiệp thì không thể nào làm thay người công nhân được.

Với ý kiến nhiều nói giáo dục đại học đang xuống cấp, ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần chấn chỉnh giáo dục đại học của Việt Nam. Nước ta có 1 thời kỳ do đẻ ra quá nhiều đại học không đúng chuẩn. Bây giờ dần lập lại trật tự, Bộ GD-ĐT cần chấn chỉnh lại để có 1 mạng lưới các trường đại học tốt. Đại học mà yếu quá là không tồn tại được.

GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng để vực dậy nền ĐH, điều quan trọng nhất là phải xuất phát từ nhận thức trường ĐH là nơi đầu tiên phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo chứ không phải một “ông” bộ hay nhà nước nào cả.

GS Thanh cho biết hiện nay cả nước có 20 trường ĐH đã được kiểm định. Tuy đều là những trường mạnh trong hệ thống ĐH công lập nhưng kết quả thẩm định cho thấy bức tranh giáo dục ĐH còn ngổn ngang các vấn đề phải giải quyết. 

Điều 2. Mục tiêu giáo dục (Luật Giáo dục năm 2008) 

Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet nên chỉ mang tính tham khảo.

(tổng hợp)

Tin nổi bật