Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lý giải nguyên nhân chậm bố trí tái định cư cho hơn 47.000 hộ dân

  • Bảo An
(DS&PL) -

Chiều 6/11, trong phiên chất vấn, ĐBQH đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn về việc chậm bố trí tái định cư cho 47.150 hộ dân vùng có nguy cơ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai theo nghị quyết của Thủ tướng và nguyên nhân chậm chi trả tiền bảo vệ rừng.

Chậm bố trí tái định cư cho người dân vùng thiên tai

Theo báo Lao động, tiếp tục phiên chất vấn diễn ra chiều 6/11, đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa) đã đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan. Theo bà Xuân, tại Nghị quyết 134 của Quốc hội có yêu cầu Chính phủ xây dựng, triển khai đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai.

Tại Quyết định 590 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 bố trí ổn định cho 47.159 hộ vùng thiên tai. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2022 mới bố trí ổn định được cho hơn 5.000 hộ.

So với mục tiêu đề ra của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025, cả nước cần bố trí ổn định cho hơn 42.000 hộ vùng có nguy cơ thiên tai. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: Lao động.

Đại biểu Xuân đề nghị, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết, nguyên nhân của sự chậm trễ trên, trách nhiệm thuộc về ai và nếu không thực hiện được mục tiêu bố trí cho 47.159 hộ này, việc chịu trách nhiệm trước Quốc hội sẽ như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ được giao nhiệm vụ phục vụ di dân cho 2 nhóm đối tượng, trong đó có nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Trước nghị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, tiến độ của việc di dân chậm vì việc này cần có sự phối hợp của Trung ương với địa phương. Khi đăng ký dự án tái định cư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng địa phương không còn quỹ đất để di dời. Đây là vấn đề rất lớn.

Ngoài ra, Bộ trưởng nhận định, việc bố trí tái định cư cũng rất khó khăn, bởi phải bố trí đất sản xuất cho bà con. Ngay cả dự án bố trí dân cư rồi nhưng không phát huy hiệu quả, bà con đến ở một thời gian, vì lý do sinh kế hoặc không phù hợp với tập quán, văn hóa nên bà con bỏ ra ngoài.

Do đó, Bộ đang đánh giá lại để làm việc với các địa phương, hình thành cộng đồng phát triển bền vững, có giải pháp thay thế, không để xây dựng công trình tái định cư rồi không phát huy hiệu quả.

Người dân chưa được nhận tiền bảo vệ rừng trong nhiều năm

Liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục trả lời chất vấn của ĐBQH về vấn đề chậm chi trả tiền bảo vệ rừng.

Cụ thể, theo VOV, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho biết, năm 2021, nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình các xã khu vực 2, khu vực 3, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện với tỉnh Bắc Kạn là trên 28 tỷ đồng.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ rõ nguyên nhân của việc chậm chi trả? Đến bao giờ người dân ở địa phương có rừng như tỉnh Bắc Kạn được chi trả tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng?

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng. Ảnh: VOV

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, về chính sách giao khoán rừng, để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, cân đối giữa nhu cầu thực tế với ngân sách, chúng ta đang áp dụng với định mức từ 300.000 đến 400.000 đồng. Qua nhiều kỳ họp, các địa phương cũng đã phản ánh, mức định mức này còn thấp.

Hiện tại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang tiến hành sửa đổi Luật Lâm nghiệp, dự thảo 1 Nghị định để nâng mức lên thành 400.000 đến 600.000 đồng.

Về nhu cầu, theo định mức của Bộ NN&PTNT thì phải vào khoảng từ 1,1 đến 1,3 triệu, tuy nhiên, ông Hoan cho biết cần phải cân đối từ nguồn lực chung. Bộ cũng chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát huy giá trị đa dụng về sinh thái rừng, để tạo ra nhiều việc làm, sinh kế dưới tán rừng không chỉ thuê bảo vệ rừng. Vấn đề này sẽ được báo cáo Quốc hội sau.

Tiếp tục trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng cho tỉnh Bắc Kạn cũng như một số tỉnh liên quan tới chương trình phát triển nông nghiệp bền vững do Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm chương trình này.

Sau khi có chủ trương xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 vẫn tiến hành cấp ngân sách như bình thường cho các địa phương vùng 1, vùng 2, vùng 3. Khi có chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi, theo chỉ đạo của Chính phủ, chuyển vùng 2, vùng 3 sang chương trình mục tiêu quốc gia phát triển dân tộc miền núi. Nhưng do việc triển khai chương trình này khởi động sau nên công tác tổng hợp không kịp thời. 

“Như vậy, chúng ta nợ hai vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn (vùng 2 và 3), lẽ ra bà con phải nhận được kinh phí này từ năm 2021. Với tư cách thành viên Chính phủ, tôi cũng có thiếu sót với người dân các địa phương. Chúng tôi sẽ phối hợp để sớm trình Thủ tướng cấp bù kinh phí cho các địa phương", ông Hoan cho biết.

Về vấn đề này, các ĐBQH bàn luận rất sôi nổi, bởi lẽ theo đại biểu, việc nợ tiền bảo vệ rừng không chỉ riêng đối với tỉnh Bắc Kạn mà bất cứ tỉnh nào có rừng cũng bị gặp tình trạng tương tự. ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) tranh luận ý kiến của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đề nghị cần phải xem xét lại công tác bảo vệ rừng. Bởi chúng ta thực hiện Nghị quyết 100 về chương trình 5 triệu hecta rừng thì cái tiền bảo vệ rừng thì được tính và ghi là vốn sự nghiệp và chi thường xuyên hàng năm.

"Nhưng hiện nay, lại đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và đưa vào nội dung chương trình dân tộc và trải qua rất nhiều các quy trình, thủ tục. Như vậy, là không cần thiết mà lúc đấy các địa phương thiếu nguồn để triển khai thực hiện", ông Thành nêu.

Trước bất cập hiện tại, ông Thành cho rằng, cần phải đưa thành một nguồn vốn sự nghiệp, định mức cũng phải nâng lên. Đại biểu đề nghị nội dung chính sách này phải được làm rõ.

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật