Bộ Nội vụ ủng hộ việc thực hiện sáp nhập quận và các đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại TP. Hồ Chí Minh, cũng như tất cả các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Trong buổi họp báo sáng nay (17/2), Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của TP. Hồ Chí Minh về việc sáp nhập quận.
Ông Nguyễn Tiến Thành - Chánh văn phòng Bộ Nội vụ phát biểu trong buổi họp báo. |
Tuy nhiên, căn cứ quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, không chỉ TP. Hồ Chí Minh mà các tỉnh, thành phố khác trong cả nước đề xuất thực hiện việc sáp nhập quận nói riêng, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã nói chung thì Bộ Nội vụ rất ủng hộ vấn đề này.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính sẽ góp phần giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ, cán bộ công chức viên chức.
"Điều này phù hợp với quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và đặc biệt là thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", ông Nguyễn Tiến Thành – Chánh văn phòng Bộ Nội vụ phát biểu.
Trước đó, tại buổi làm việc của Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chú Minh Đinh La Thăng với Quận uỷ Quận Bình Tân, ông Đỗ Văn Đạo - Phó giám đốc Sở Nội vụ thành phố đã đề xuất sáp nhập một số phường, quận trên địa bàn để đảm bảo tinh giản biên chế, giảm gánh nặng cho bộ máy nhà nước đang ngày càng trở nên cấp bách.
Quận 4 có diện tích 4 km2, dân số 200.000 người được đề xuất sáp nhập vào quận khác. Ảnh: Google Maps. |
Ông Đạo lấy ví dụ về quận 4 chỉ có diện tích 4 km2, dân số hơn 200.000 người, nhỏ nhất TP.HCM, nhỏ hơn cả phường Bình Hưng Hoà A (quận Bình Tân) nhưng số dân thì chưa gấp đôi được phường này.
“Thế nhưng về bộ máy thì quận 4 vẫn phải duy trì một bộ máy đầy đủ của quận và bộ máy của 15 phường trong quận. Cho nên sáp nhập với một quận khác thì tiết kiệm nhiều về biên chế, cơ sở vật chất, trụ sở…”, ông Đạo nêu quan điểm.