Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bổ nhiệm "thần tốc" ông Lê Phước Hoài Bảo: Vỏ bọc "đúng quy trình"

(DS&PL) -

“Việc bổ nhiệm “thần tốc” đối với ông Lê Phước Hoài Bảo thực chất là mượn vỏ bọc “đúng quy trình” để nâng đỡ người thân", TS. Ngô Thành Can nhận định.

“Việc bổ nhiệm “thần tốc” đối với ông Lê Phước Hoài Bảo thực chất là mượn vỏ bọc “đúng quy trình” để nâng đỡ người thân, đưa những người chưa đủ tiêu chuẩn giữ vị trí quan trọng”, TS. Ngô Thành Can nhận định.

Ông Lê Phước Hoài Bảo vừa bị ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức Đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng.

Theo kết luận của ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Lê Phước Hoài Bảo. (Ảnh: VietTimes).

Liên quan đến kết luận của ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc bổ nhiệm “thần tốc” ông Lê Phước Hoài Bảo, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, học viện Hành chính Quốc gia cho rằng: “Sau vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh được làm rõ, chúng ta mới đi vào những “ngõ ngách” mà trước đây công tác cán bộ còn chưa đi sâu, đi sát”.

“Thực tế cho thấy, việc chọn cán bộ chưa thực chất, một số cán bộ được đặt sai vị trí, chưa đủ tâm - tầm - tài. Điển hình là vụ bổ nhiệm “thần tốc” hot girl Trần Vũ Quỳnh Anh hay quan lộ chóng mặt của Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo (khi đó mới 30 tuổi - PV).

Tôi còn nhớ, 3 năm trước, sau khi dư luận xôn xao về con đường quan lộ thần tốc của ông Lê Phước Hoài Bảo, bộ Nội vụ đã vào cuộc kiểm tra và kết luận là “quy trình bổ nhiệm là hoàn toàn đúng luật”. Nhưng thật bất ngờ, ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về trường hợp này với kết quả trái ngược hoàn toàn, chỉ là vỏ bọc "đúng quy trình". Điều đó cho thấy, công tác cán bộ còn nhiều bất cập. Vừa qua, nhiều cán bộ được bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng thực tế lại thiếu tiêu chuẩn hoặc được châm chước "nợ tiêu chuẩn"..., làm xói mòn lòng tin của người dân”, TS. Ngô Thành Can nhận định.

Cũng theo TS. Ngô Thành Can, việc ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức Đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xem xét xóa tên trong danh sách đảng viên và hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm đối với ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, một lần nữa cho thấy quyết tâm rất cao của Trung ương trong phòng, chống tham nhũng, chống chạy chức chạy quyền, chống bè phái, cục bộ, lợi ích cá nhân.

Từ quy trình bổ nhiệm “thần tốc” ông Lê Phước Hoài Bảo, TS. Can đánh giá: “Có 4 vấn đề nổi lên trong công tác cán bộ hiện nay. Thứ nhất, chúng ta đã có quy trình cán bộ để bổ nhiệm nhưng cách thức làm chưa đúng và có chuyện lợi dụng quy trình.

Thứ hai, bản thân những người làm công tác cán bộ nhưng lại có cách nhìn nhận không đúng (bổ nhiệm cán bộ ưu ái người nhà, cùng ê-kíp hoặc có lợi ích gì-PV) dẫn đến công tác cán bộ bị méo mó. Những người có trách nhiệm trong công tác cán bộ đã cả nể đối với nhiều trường hợp “con ông cháu cha”, tạo đà cho họ thăng tiến quá dễ dàng. Đó là thực trạng chung ở không ít địa phương, đơn vị hiện nay.

Thứ ba, chúng ta đã có văn bản, quy định cụ thể, song những người thực thi văn bản, quy định ấy lại không chuẩn để mưu cầu một số lợi ích nào đó. Đây cũng là nguyên nhân của việc nhiều cán bộ được bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng chưa đủ tiêu chuẩn, năng lực không tới. Thứ tư, công tác giám sát cán bộ chưa thực chất dẫn đến có nhiều lỗ hổng”.

Để hạn chế tình trạng bổ nhiệm “thần tốc” cũng như mượn vỏ bọc “đúng quy trình” trong công tác cán bộ, ngăn chặn những người lợi dụng quy trình phải “chùn tay”, TS. Ngô Thành Can cho rằng, cần cần tập trung vào 3 vấn đề. 

"Cần hoàn thiện hệ thống quy trình bằng văn bản, có sự giám sát của các bên. Trong hệ thống văn bản, cần có một cơ quan chịu trách nhiệm và chỉ đầu mối đó phải chịu trách nhiệm.

Hơn nữa, vị trí việc làm phải rõ ràng, ai đủ năng lực thì bổ nhiệm chứ không thể bổ nhiệm người chưa đủ năng lực giữ những vị trí quan trọng.

Điều quan trọng, khi xảy ra sai phạm, phải xử lý nghiêm minh. Những người có trách nhiệm trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sai quy trình cần phải bị xử lý nghiêm, đồng thời xử lý cả những người được giao nhiệm vụ kiểm tra “quy trình” đó", TS. Can nhấn mạnh.

Hương Lan

Tin nổi bật