(ĐSPL) - Tham nhũng đất đai, tham nhũng tiền bạc... là những loại tham nhũng ai cũng tỏ tường. Thế nhưng, khái niệm "tham nhũng tương lai" thì không dễ dàng nhận diện. Trong khi câu chuyện tìm ra "quan tham" để xử lý còn khá nan giải thì "tham nhũng chức tước", "tham nhũng địa vị" bằng cách bổ nhiệm hàng loạt con cháu, người thân trước khi "hạ cánh an toàn" lại đang hình thành.
Giới chuyên gia lo ngại, tư duy "giữ gôn", bổ nhiệm cán bộ ở "phút 89" đang trở thành "chiêu" mới của "quan tham nhũng" khiến cuộc chiến này càng trở nên khó khăn.
Ảnh minh họa. |
“Phút 89” hay “phút bù giờ"?
Trên thực tế không ít quan chức đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước khi "hạ cánh an toàn". Nhiều vị trí trong ngành mình quản lý được "dọn sẵn" như những "bước đệm", để rồi khi các "quan" về nghỉ, con cháu được đưa vào những vị trí đầy triển vọng. Đây là một hiện thực đang gây nhức nhối dư luận suốt thời gian qua, cho thấy sự biến đổi khó lường của tham nhũng.
Dư luận vẫn đang đưa ra những băn khoăn liên quan đến những quyết định bổ nhiệm cán bộ của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Ngoài những sai phạm về khối tài sản khổng lồ gồm nhà, đất, ông Truyền còn bị "tố" bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở "phút 89". Theo đó, trong vòng 6 tháng trước khi "hạ cánh", ông Trần Văn Truyền đã ký tới 60 quyết định bổ nhiệm cán bộ. Mới đây, trong cuộc họp báo quý III (ngày 23/10), Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, cơ quan đã rà soát và nhận thấy về cơ bản các trường hợp này đảm bảo tiêu chuẩn và phát huy năng lực của mình. Tuy nhiên, ông Lượng thừa nhận, "vẫn còn trường hợp có khuyết điểm và một số ít chưa đảm bảo yêu cầu công việc".
Video tham khảo:
Ông Trần Văn Truyền nhận kết luận kiểm điểm, thu hồi nhà đất
Cũng liên quan đến câu chuyện "giữ gôn", dư luận từng xôn xao bởi việc bổ nhiệm của ông Nguyễn Thành Rum, nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM. ông Rum cũng bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi "hạ cánh". Theo thông tin phản ánh, hồi tháng 3/2013, trong vòng hai tuần trước khi nghỉ hưu, ông Rum đã ký đến 21 quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp phòng, ban và tương đương trước khi về hưu.
Được biết, liên quan đến sự việc này, ngày 9/9/2014, UBND TP.HCM đã có báo cáo kết quả xử lý kỷ luật công chức với ông Nguyễn Thành Rum. Theo đó, ông Rum nhận hình thức kỷ luật phê bình rút kinh nghiệm do có hành vi sai phạm trong việc ký ban hành các quyết định bổ nhiệm cán bộ thuộc thẩm quyền đơn vị sai quy định, quy trình.
Cũng theo phản ánh của báo chí, không riêng trường hợp ông Truyền, ông Rum mà còn rất nhiều trường hợp khác được bổ nhiệm vào "phút 89". Vụ việc xảy ra tại Trường trung cấp Giao thông Vận tải Miền Nam, trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT (số 288 đường Nguyễn Văn Linh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) là một minh chứng.
Mọi việc được phơi bày khi ông Phạm Văn Tú, Phó Hiệu trưởng nhà trường có hành vi sử dụng bằng rởm. Sai phạm của ông Tú càng khiến nhiều người ngỡ ngàng hơn khi cái "ghế" của ông này được cha ông, nguyên là Hiệu trưởng Trường trung cấp Giao thông Vận tải Miền Nam (giai đoạn 2004-2009)... xếp sẵn. Đến khi xác minh, đoàn thanh tra kết luận "việc bổ nhiệm cán bộ chưa đúng quy trình, chưa đảm bảo công khai, dân chủ". Cụ thể, "trường hợp bổ nhiệm ông Tú từ chức danh quyền Trưởng phòng Đào tạo giữ chức Trưởng phòng Đào tạo không được thông qua cuộc họp để có sự thống nhất của đại diện các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể".
Vừa qua, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bình Phước có thông báo kèm theo danh sách mấy chục cán bộ đi học lớp trung cấp chính trị thì dư luận mới bàn tán, vì sao nhiều cán bộ còn nợ chuẩn trung cấp nhưng vẫn được bổ nhiệm. Kỳ lạ nhất là trường hợp ông trưởng phòng sẽ nghỉ hưu vào ngày 1/7/2015 nhưng vẫn có tên đi học lý luận chính trị. Dư luận hài hước đặt câu hỏi, chẳng lẽ đây là cán bộ nguồn cho hội người cao tuổi?
“Cố đấm ăn xôi”
Việc tham nhũng tiền bạc, đất đai, tài nguyên... nếu có chế tài và sự răn đe đủ mạnh chắc chắn sẽ hạn chế được. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm cán bộ là con cháu các vị lãnh đạo vào những vị trí quan trọng sẽ tạo thành thế lực mang tính "chân rết". Đó mới là vấn nạn khó phát hiện và xử lý.
Nếu trước kia, người ta thường nói đến những tin đồn về "chạy chức", "chạy quyền" thì bây giờ, nó không chỉ là tin đồn, mà đã thành sự thật, sự thật 100\%. Dù cho không ai dám thừa nhận có việc mua quan bán chức thì sự thật đó vẫn đang tồn tại. Một điều dễ hiểu, khi còn tại vị, đồng nghĩa với còn quyền lực, bổng lộc... đến khi "hạ cánh" những thứ đó cũng dần "bay theo gió". Thế nên mới có chuyện, bổ nhiệm trước khi về hưu.
Trong số những cán bộ do ông Truyền, ông Rum, hay những quan chức khác bổ nhiệm ở "phút chót", ai là "quan hệ", ai là "tiền tệ", ai "hậu duệ"... không dễ để biết. Nhưng việc bổ nhiệm này, chắc chắn phải theo một "lý do nào đó" như câu nói của Bộ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khi trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, liên quan đến "lạm phát cấp phó": "Có một số cơ quan có nhiều cấp phó không thực sự xuất sắc, thậm chí bổ nhiệm bởi lý do nào đó".
Tham nhũng nào cũng là tội nhưng "tham nhũng ghế", "tham nhũng tương lai" khi chăm chăm “giữ gôn” cho con cháu, hoặc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở "phút 89" càng đáng lên án hơn. Bởi, việc "xếp" những người không đủ năng lực vào vị trí đã "dọn sẵn" cũng đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội của hàng trăm, hàng nghìn người khác.
Bình luận về tâm lý làm "chuyến tàu vét" trước khi "hạ cánh", Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, ủy viên ỦY ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn: "Không phải bây giờ mới có, mà trước đây cũng đã có những xì xào, bàn tán ở bộ này, ngành kia, trước khi lãnh đạo nghỉ hưu bổ nhiệm cán bộ ồ ạt". Theo Đại biểu Cương, có những lãnh đạo đơn vị không gương mẫu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quy trình bổ nhiệm cán bộ để có căn cứ theo nhu cầu thực tiễn, mà cứ bổ nhiệm sai, bổ nhiệm ồ ạt. "Mà đa số bổ nhiệm vì vụ lợi là chính, nếu không vì vụ lợi, chắc chẳng bổ nhiệm cán bộ ồ ạt làm gì", ông Cương nói.
Cũng nhận định về tâm lý "giữ gôn" của quan chức, TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm: "Sai phạm có thể do cá nhân nào đó "cố đấm ăn xôi", đã "nhúng tay vào chàm" thì tiếp tục cố cho bằng được. Hoặc cũng có thể, họ biết mình sắp nghỉ hưu, thuyên chuyển công tác nên cố làm "trận cuối cùng" theo kiểu "cha ra con vào giữ ghế". Cũng có thể giữa những người này có mối quan hệ ràng buộc nào đấy, ràng buộc về vật chất hoặc về tình cảm...".
Một người tham nhũng nhưng có "dây mơ rễ má"... Tại buổi tiếp xúc cùng tổ ĐBQH số 1 (đoàn ĐBQH TP.HCM) với cử tri quận 4, TP.HCM vào chiều 2/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, việc phát giác, đấu tranh chống tham nhũng không cần phải từ Trung ương mà có thể đưa ra trong các cuộc họp tổ, khu phố. Khi phát hiện thông tin tham nhũng thì các cơ quan chức năng, chính quyền vào cuộc. Còn các quan chức cấp cao tham nhũng mà báo chí nêu thì tuần tự trong thời gian sẽ có kết quả và công khai trên báo chí. "Những thông tin tham nhũng chúng tôi không bỏ qua. Nguồn tin ban đầu dù nhỏ nhưng rất quan trọng. Nếu không xử lý thì có thể để chìm một vụ tham nhũng lớn. Một người tham nhũng nhưng có "dây mơ rễ má", có nhóm bảo vệ, nên khó phát hiện, xử lý. Vì vậy bà con góp sức vào cùng chống tham nhũng chứ để thế này thì kinh tế thiệt hại, lòng dân mất đi", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trăn trở. |