Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4, TP HCM (Ảnh Vietnamnet). |
Ngày 2/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, Hoàng Hữu Phước đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 4, TP.HCM sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13.
Tại buổi tiếp xúc, chủ đề chống tham nhũng tiếp tục được cử tri quan tâm, nhất là vụ sai phạm của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Được dẫn lời trên báo VOV, cử tri Vũ Hoàng Linh, phường 13 hoan nghênh Trung ương đã kiểm tra và thông tin và công khai về vụ việc của ông Trần Văn Truyền. Tuy nhiên, theo cử tri Vũ Hoàng Linh, việc xử lý tham nhũng vẫn chưa thực sự hiệu quả, trong đó việc thu hồi tài sản tham nhũng quá thấp, nguyên nhân do đâu?.
“Tôi rất tâm đắc với kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng về dấu hiệu sai phạm của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ và đồng tình với quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền. Tuy nhiên pháp luật của chúng ta cũng đã quy định cụ thể nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn và triệt tiêu tội phạm tham nhũng.
Video tham khảo:
Chi 10 triệu đồng “mua” một tin tố giác tham nhũng
Theo báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, công tác phòng chống tham nhũng dù đã có nhiều quyết tâm nhưng việc thu hồi tài sản mới đạt 23,3\%. Vậy, lý do vì sao thu hồi tài sản tham nhũng lại khó đến thế? Tội phạm tham nhũng là một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên có chức, có quyền mà Trung ương Đảng đã tổng kết, đánh giá. Vậy chúng ta còn rất khó thu hồi, gây thất thoát lớn cho Nhà nước, tài sản nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Đây là chính là vấn đề đặt ra của pháp luật chưa đủ mạnh”, cử tri Vũ Hoàng Linh bày tỏ.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định: Tham nhũng luôn là vấn đề nóng của đất nước, lần nào tiếp xúc cử tri cũng được mang ra để bàn luận, báo VTC News thông tin.
Chủ tịch nước cho rằng, luật đã có, thực thi luật thì cũng đã làm, nhưng kết quả chưa được như người dân mong muốn, nên lòng dân sẽ không yên, có khi còn có những phản ứng gay gắt hơn.
Người đứng đầu Nhà nước chia sẻ: "Tham nhũng gây thiệt hại nhiều về kinh tế, về chính trị đã làm cho người dân mất lòng tin, khiến cho người dân có thể nói ra những lời nói đau lòng.
Cử tri khi họp tổ dân phố, khu phố, đoàn thể, các tổ chức khác cũng cần phải đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ như ở hội trường này, để tạo sự chuyển động thực sự, cũng cần thể hiện sức mạnh giám sát, cơ quan chức năng cần phải bám sát, đeo đuổi tới cùng những vấn đề mà dân đưa ra".
Giải đáp về khó khăn trong thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng, con số công bố chỉ đạt 20-30\% đã bộc lộ sự yếu kém của các cơ quan chức năng, tuy nhiên cũng phải xét đến tính chất tinh vi của án tham nhũng…
"Tính chất ngày càng phức tạp trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Tham nhũng ngày càng tinh vi, không phải một người riêng lẻ mà dây mơ rễ má, hình thành những nhóm, những việc xâu chuỗi bao che, bảo vệ cho nhau nên mới khó. Nhưng Đảng, Nhà nước, nhân dân quyết tâm, kiên trì bền bỉ làm ngày càng quyết liệt hơn chắc chắn sẽ đỡ", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước khẳng định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ không bỏ qua thông tin nào của nhân dân cung cấp vì thực tiễn cho thấy nhiều thông tin quan trọng ban đầu của những vụ án lớn bắt đầu từ tin tố giác trong nhân dân.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí trongchống tham nhũng.
"Những vụ việc tham nhũng báo chí đã nêu liên quan đến cán bộ cấp cao, tôi xin đảm bảo rằng sẽ tuần tự giải quyết và công bố trên báo. Không có bao che nhưng không phải báo đăng là ngày hôm sau có ngay quyết định, mà phải xác minh thông tin. Cũng phải đề phòng tình huống thứ hai, những ông hăng hái quá bị người ta tấn công. Đấu tranh chống tham nhũng là phải làm, những người tham nhũng phải bị trừng trị nhưng người ta lo việc nước do sự va chạm gì đó bị tấn công chúng ta phải bảo vệ họ".
Minh Anh (T.H)