Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bổ nhiệm cán bộ “nợ tiêu chuẩn”: "Con voi vẫn chui lọt lỗ kim"

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Theo nhận định của các chuyên gia, quy trình bổ nhiệm cán bộ “nợ tiêu chuẩn” tiếng là chặt chẽ, được làm qua rất nhiều bước nhưng xem ra "con voi vẫn chui lọt lỗ kim".

(ĐSPL) - Theo nhận định của các chuyên gia, hàng loạt những vụ việc liên quan đến bổ nhiệm cán bộ “nợ tiêu chuẩn” xảy ra tại nhiều địa phương thời gian vừa qua cho thấy, quy trình bổ nhiệm tiếng là chặt chẽ, được làm qua rất nhiều bước nhưng xem ra "con voi vẫn chui lọt lỗ kim".

Dường như, những quyết định bổ nhiệm mang tính vụ lợi, cả nể... đã vô hình trung tạo điều kiện cho tiêu cực, “chạy ghế” gia tăng.

Nhiều cán bộ, công chức được bổ nhiệm trong điều kiện... “nợ tiêu chuẩn” (Ảnh minh họa).

Nhiều công chức, lãnh đạo “nợ tiêu chuẩn”

Thanh tra Bộ Nội vụ vừa công bố một số sai phạm của UBND tỉnh Thái Bình trong việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ công chức và lãnh đạo tại các cơ quan trực thuộc tỉnh trong năm 2013 và 2014. Việc bổ nhiệm chưa đúng các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn. Theo đó, một số công chức được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại còn thiếu một trong các điều kiện tiêu chuẩn như: Lý lịch mẫu, kê khai tài sản tại thời điểm bổ nhiệm, văn bằng, chứng chỉ... Điều đáng nói, qua kiểm tra hồ sơ công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý ở tỉnh Thái Bình, thanh tra Bộ Nội vụ phát hiện 7 trường hợp thiếu bằng đại học.

Theo kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, tiêu chuẩn ngạch của công chức lãnh đạo, quản lý hồ sơ công chức và công tác văn thư, lưu trữ của UBND tỉnh Thái Bình vừa được Bộ Nội vụ công bố, khi kiểm tra 637 hồ sơ công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý ở tỉnh này, đoàn thanh tra đã phát hiện 7 trường hợp thiếu bằng đại học, 1 trường hợp thiếu bằng trung cấp, 149 trường hợp thiếu chứng chỉ quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên và 142 trường hợp thiếu chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B.

Đa số các công chức lãnh đạo giữ ngạch chuyên viên chính khi đoàn kiểm tra yêu cầu đã không xuất trình được đề án, công trình có sáng tạo trong quản lý theo tiêu chuẩn ngạch(!). Đáng chú ý, có 3 trường hợp khi được bổ nhiệm lần đầu giữ chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc sở, thuộc UBND cấp huyện đã quá tuổi quy định và 2 trường hợp được bổ nhiệm không có trong quy hoạch cán bộ nguồn.

Trước những sai phạm trên, thanh tra Bộ Nội vụ đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan; đồng thời chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị này cử những cán bộ công chức còn thiếu văn bằng, chứng chỉ đi đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu và quy định thời hạn cụ thể để công chức hoàn thiện về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo còn thiếu.

Việc bổ nhiệm công chức, lãnh đạo “nợ tiêu chuẩn” xem ra không còn là chuyện hiếm gặp. Trước đó, ngày 16/12/2014, thông tin từ sở Nội vụ tỉnh Cà Mau cho biết, đã có kết luận thanh tra việc thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức tại Sở Y tế tỉnh cũng như các đơn vị trực thuộc và phát hiện nhiều sai phạm.

Theo đó, trong giai đoạn thanh tra từ tháng 1/2011 – 2/2014, Sở Y tế bổ nhiệm lại 28 trường hợp công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trực thuộc Sở. Kiểm tra ngẫu nhiên 27/28 hồ sơ, thì có 12 trường hợp chưa đảm bảo tiêu chuẩn về quản lý Nhà nước, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học theo quy định; 10 trường hợp không có biên bản lấy phiếu tín nhiệm; 16 trường hợp không có bản nhận xét đánh giá công chức, viên chức; 21 trường hợp không có bản nhận xét, đánh giá của thủ trưởng cơ quan; 22 trường hợp không có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, 4 trường hợp dù không nằm trong diện quy hoạch do sở Nội vụ tỉnh phê duyệt, không làm quy trình, không có tờ trình đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của trưởng phòng Tổ chức - cán bộ Sở Y tế, nhưng vẫn được giám đốc Sở Y tế bổ nhiệm...

Sau hàng loạt những sự việc liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ, công chức “nợ tiêu chuẩn”, nhiều ý kiến cho rằng, những quyết định bổ nhiệm mang tính vụ lợi, cả nể... đã vô hình trung tạo điều kiện cho tiêu cực, chạy chọt “ghế ngồi” gia tăng.

Không thể “mượn cớ” để bổ nhiệm trái quy định

Xung quanh câu chuyện nhiều lãnh đạo, công chức vẫn được bổ nhiệm dù thiếu tiêu chuẩn ở một số địa phương, ông Lê Văn Giảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: “Thực tế, có nhiều trường hợp người lãnh đạo có năng lực nhưng vì một số lý do nào đó mà thiếu bằng cấp, thiếu chứng chỉ... nên vẫn được bổ nhiệm theo kiểu “châm chước” để sau này tiếp tục bổ sung những tiêu chuẩn còn “nợ”. Việc vận dụng linh hoạt như thế đôi khi phát huy tác dụng, nhưng nếu cứ mượn cớ đó mà bổ nhiệm trái quy định là không nên. Bởi lẽ nhiều người bổ nhiệm những cán bộ thiếu tiêu chuẩn nhưng gắn theo là những động cơ cá nhân để trục lợi."

"Vì thế, chúng ta phải xem xét địa phương đó bổ nhiệm cán bộ dựa vào quy trình riêng (theo kiểu vận dụng linh hoạt) hay áp theo đúng quy định. Nếu quy trình của địa phương trái với nguyên tắc của Trung ương thì cần phải xem xét lại. Thực tế là có nhiều nơi họ cũng đã xem xét và rút quyết định. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, tiêu chí bổ nhiệm, đề bạt cán bộ phải rõ ràng, minh bạch, đúng tiêu chuẩn chứ không cán bộ nào được "nợ tiêu chuẩn". Về nguyên tắc, khi không đạt tiêu chuẩn thì không bổ nhiệm. Việc cho "nợ tiêu chuẩn" là do cán bộ quan chức lạm dụng quyền lực, tự ý cho nợ để rồi lại nảy sinh tình trạng bổ sung tiêu chuẩn bằng việc chạy chọt, đút lót”.

Ông Lê Văn Giảng cũng cho biết thêm: “Việc địa phương vận dụng linh hoạt những chính sách từ Trung ương không phải nơi nào cũng có. Tôi lấy ví dụ những nơi như vùng dân tộc miền núi vốn còn nhiều khó khăn thì chính sách phải linh hoạt để phù hợp với thực tiễn. Còn nhìn chung thì khi Trung ương hướng dẫn một đằng mà địa phương làm một nẻo thì chắc chắn là sai rồi. Với những trường hợp như thế, nếu có đủ bằng chứng chứng minh thì chúng ta phải kiểm điểm, thậm chí tiến hành kỷ luật những trường hợp sai phạm. Vấn đề nể nang nhau, chạy chọt hay bổ nhiệm để đối nội, đối ngoại không phải là mới nhưng thực tế là chúng ta vẫn chưa giải quyết được”.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thẳng thắn nhận định: “Cũng có một vấn đề là những người có năng lực thực tiễn nhưng vì điều kiện nào đó mà chưa đủ bằng cấp, chưa đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm. Điều này đôi khi cũng tạo ra khó khăn vì nếu cứ bổ nhiệm thì sai mà không bổ nhiệm thì lãng phí nhân tài. Chính vì thế trong quy định bổ nhiệm cán bộ có quy định rất kịp thời là phải tiến hành đào tạo trước khi bổ nhiệm để giúp cho những người lãnh đạo hoàn thiện kỹ năng của mình. Do đó, hiện nay những lãnh đạo còn thiếu tiêu chuẩn nhưng vẫn được bổ nhiệm là sai về mặt nguyên tắc."

"Muốn khắc phục thì cơ quan đó phải tạo điều kiện giúp cho những người đó hoàn thiện nốt cái gì họ thiếu. Đó là phương án trước mắt. Phương án lâu dài là phải có những quy định cụ thể về vấn đề này. Hiện nay, chúng ta đang thiếu và tôi biết rằng, các cơ quan chức năng cũng đang tích cực bổ sung vào những quy định mới để không bỏ sót người tài, người có kinh nghiệm”.         

Không thể bổ nhiệm cán bộ theo kiểu... nể nang, nhân nhượng!

Ông Thang Văn Phúc, bày tỏ quan điểm: “Quy trình thi tuyển công chức đối với từng cấp và từng loại một đều được quy định rất rõ. Việc bổ nhiệm những cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn là do sự chấp hành không nghiêm túc của các cơ quan. Người ta vẫn hay nói tới việc nể nang, nhân nhượng rồi rất nhiều vấn đề khác liên quan tới chuyện này. Tôi cho rằng, đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc bổ nhiệm lãnh đạo khá tùy tiện của một số địa phương hiện nay. Việc bổ nhiệm cán bộ phải đảm bảo tính minh bạch, công khai. Đây là một nguyên tắc nhưng nhiều khi nguyên tắc bị bỏ ngoài tai”.

Tin nổi bật