Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bỏ nghề "mặn chát" nuôi loài đa sắc "thích lột xác" lãi 20 tỷ mỗi năm

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Sau nhiều năm chật vật với nghề làm muối "mặn chát", ông Nguyễn Minh Nhủ ở xã Bảo Thạnh (Ba Tri, Bến Tre) mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm và "cái kết" thành tỷ phú.

Dám đổi mới...thành "vua tôm"

Với tên gọi thân quen Út Nhủ, ông Nguyễn Minh Nhủ không còn xa lạ với người dân ấp Phú Thạnh. Ai cũng có thể kể vanh vách về hành trình làm giàu đầy nghị lực của người nông dân này. Trước đây, giống như nhiều người dân khác trong xã, gia đình ông Út Nhủ gắn bó với nghề làm muối truyền thống. Tuy nhiên, cuộc sống bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết và giá cả bấp bênh đã khiến ông trăn trở tìm kiếm một hướng đi mới.

"Những năm gia đình theo nghề muối, cuộc sống khổ cực lắm. Mưa nắng thất thường khiến ruộng muối nhiều khi mất trắng. Rồi khi có được muối thì thương lái ép giá nên thu nhập của 2ha đất như gió vào nhà trống, không đủ chi tiêu", báo Dân Việt dẫn lời ông Nhủ nhớ lại những ngày tháng vất vả.

Không cam chịu số phận, ông Nhủ quyết định chuyển hướng sang nuôi tôm. Ban đầu, ông cũng nuôi tôm theo cách thông thường, nhưng sau đó, nhận thấy tiềm năng của công nghệ cao, ông đã mạnh dạn đầu tư lớn.

Ông Nguyễn Minh Nhủ không còn xa lạ với người dân ấp Phú Thạnh với hành trình làm giàu đầy nghị lực. Ảnh: Dân Việt

Việc chuyển đổi không hề dễ dàng. Những vụ nuôi tôm đầu tiên không thành công do ông chưa nắm vững kỹ thuật, khiến ông thất thu. Tuy nhiên, với bản tính kiên trì và ham học hỏi, ông Nhủ không nản lòng. Ông tìm đến những người có kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm ở Ba Tri để học hỏi, đồng thời không ngừng đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn.

Năm 2017, sau khi kết thúc nhiệm kỳ trưởng ấp, ông Nhủ dồn toàn lực vào việc nuôi tôm công nghệ cao. Ông đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi khép kín 2 giai đoạn, trải bạt đáy ao, che chắn màng lưới để ngăn ngừa dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, ông cũng trang bị hệ thống cho ăn tự động, giám sát bằng camera để tối ưu hóa quy trình nuôi và giảm chi phí.

Những nỗ lực của ông đã được đền đáp xứng đáng. Vụ nuôi đầu tiên thành công rực rỡ, với sản lượng hơn 15 tấn tôm trên diện tích 2ha, mang lại lợi nhuận trên 700 triệu đồng, cao gấp đôi so với nuôi tôm truyền thống.

Ông Nguyễn Minh Nhủ cân tôm bán cho thương lái. Ảnh: Dân Việt

Từ thành công ban đầu, ông Nhủ tiếp tục mở rộng quy mô, mua thêm đất và hiện nay sở hữu tới 18ha ao nuôi tôm. Sản lượng tôm hàng năm đạt 400 tấn, mang về thu nhập ấn tượng lên tới 45 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 20 tỷ đồng.

Câu chuyện của ông Nguyễn Minh Nhủ là một minh chứng sống động cho tinh thần dám nghĩ dám làm, không ngại thay đổi và luôn tìm tòi học hỏi của người nông dân Việt Nam. Từ một diêm dân nghèo khó, ông đã vươn lên trở thành "vua tôm" nhờ sự kiên trì, nhạy bén và quyết tâm theo đuổi ước mơ làm giàu từ chính quê hương mình.

Nuôi tôm công nghệ cao vượt trội thế nào?

Thông tin trên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao đang nổi lên như một giải pháp đột phá, mang lại nhiều ưu điểm vượt trội. Mô hình này không chỉ có tỷ lệ thành công cao (trên 70%) mà còn cho năng suất ấn tượng, đạt hơn 25 tấn/ha/năm. Ngoài ra, thời gian nuôi ngắn, kích cỡ tôm lớn và chất lượng đảm bảo cũng là những điểm cộng đáng kể. Hiện nay, mô hình này đang phát triển mạnh mẽ ở các huyện ven biển như Bình Đại và Thạnh Phú.

Về hiệu quả kinh tế, nuôi tôm công nghệ cao giúp giảm thiểu tỷ lệ tôm chết sớm, tăng số vụ nuôi hàng năm, tái sử dụng nước hiệu quả và hạn chế dịch bệnh. Mô hình này còn tiết kiệm diện tích nuôi, phù hợp với cả hộ nhỏ lẻ và trang trại lớn, cho phép nuôi với mật độ cao từ 150-300 con/m2 và rút ngắn thời gian nuôi xuống còn 2,5-3 tháng.

Ưu điểm nổi bật của mô hình này là khả năng kiểm soát toàn bộ quá trình nuôi thông qua công nghệ hiện đại, từ cho ăn tự động đến giám sát các chỉ số môi trường nước, giúp người nuôi đạt hiệu quả sản xuất cao.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hiệu quả. Ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích vượt trội, nuôi tôm siêu thâm canh cũng có những hạn chế nhất định. Vốn đầu tư ban đầu khá cao, từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha, là một rào cản lớn đối với nhiều hộ dân. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường do lượng nước và thức ăn sử dụng lớn cũng là một thách thức cần được giải quyết.

Để khắc phục những hạn chế này, nhiều hộ dân và doanh nghiệp đang áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao theo hướng thân thiện với môi trường, với hệ thống xử lý nước thải khép kín bao gồm ao ương dưỡng, ao nuôi tôm thịt, ao lắng và ao chứa bùn.

Huyện Ba Tri đang tích cực khuyến khích người dân và doanh nghiệp áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hướng tới hình thành vùng sản xuất tập trung. Đây sẽ là nền tảng để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu về phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tin nổi bật