Anh N.V.C. (SN 1986, công tác tại Lữ đoàn Thông tin 21 Bộ đội Biên phòng), là nạn nhân nặng nhất trong vụ cháy chung cư mini. Sau gần 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, anh C. đã không còn phải thở máy, bệnh nhân đã được rút canuyn mở khí quản tự thở.
Chia sẻ trên báo VietNamNet, Ông Nguyễn Văn Chức, bố của anh C. xúc động nói, với sự kiên trì của các y bác sĩ, phép màu đã đến với con trai mình. Sáng 7/10, bệnh nhân đã tập vận động khiến cả đại gia đình vui mừng khôn xiết. Theo lời ông Chức, người thân được vào chăm anh C. hằng ngày, hỗ trợ y bác sĩ tập luyện vận động cho bệnh nhân.
Sức khoẻ của nam nhân nặng nhất vụ cháy chung cư mini đã qua giai đoạn nguy kịch, không còn thở máy, bước đầu đã giao tiếp được... Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống
Hiện tại, mỗi ngày đơn vị đều cử 1 người vào hỗ trợ anh C. từ sáng tới tối. Ông Chức và con trai lớn cũng chia nhau tới chăm. Ông sợ con tự ngồi sẽ ngã nên luôn túc trực bên cạnh. Nhìn con trai có thể bước chậm chạp, tự ngồi dậy, giơ tay lên dù chưa cầm nắm được, người bố này cảm thấy rất phấn khởi.
Dù vậy, cả gia đình chưa dám nói tới vụ cháy cũng như việc vợ con anh C. không còn. Bệnh nhân nói được 2-3 từ dù còn khó do đặt ăn qua ống xông. "Tôi chỉ hy vọng con bình phục dần, có thể tiếp nhận thông tin từ từ. Nếu bây giờ mình nói rõ về vụ cháy, chắc C. sốc, nguy hiểm lắm”, ông Chức trải lòng.
Được biết, anh C. là con trai út trong gia đình, công tác trong quân đội. Khi lập gia đình, vợ chồng anh mua căn chung cư mini ở phố Khương Hạ. Thảm họa đêm 12/9 ập đến, khiến con dâu và hai cháu gái của ông Chức không còn. Làm đám tang cho con cháu xong, ông Chức lại chạy tới Bệnh viện Bạch Mai lo cho con trai.
Ban đầu, anh C. không có thông tin, trở thành nạn nhân vô danh trong vụ cháy. Ông Chức chạy khắp nơi không tìm được con cháu. Trưa 13/9, qua mạng xã hội, ông biết tin con trai đang cấp cứu trong Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch.
Ông Chức chia sẻ: "Bác sĩ nói chỉ số sinh tồn của C. chỉ được 4-5 điểm, trong khi đó ở khoa này, chỉ số phải 8-9 điểm mới cấp cứu được. Các y bác sĩ hy vọng 'còn nước còn tát' nên vẫn duy trì cấp cứu tích cực tại Trung tâm Cấp cứu A9, sau đó chuyển lên Trung tâm Hồi sức cấp cứu".
Suốt 3 tuần, mỗi lần vào thăm, ông Chức chỉ thấy con nằm im, không động đậy: "Tôi chỉ biết nói chuyện, động viên con cố gắng vượt qua. Khi thấy ngón tay con cử động, cả gia đình tôi hy vọng kỳ tích sẽ đến".
Người bố này bộc bạch, khi con bình phục, ông sẽ đưa con về quê chăm sóc cho tới lúc đủ điều kiện sức khỏe trở lại đơn vị công tác. "Bây giờ, vợ chồng tôi còn khỏe, chúng tôi sẽ chăm sóc con. Nếu tôi già, anh trai C. sẽ chăm sóc cho em, sống được đã là kỳ tích, mình càng phải trân trọng", ông Chức cho biết.
Anh N.V.C điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Báo VietNamNet
Báo Tuổi Trẻ thông tin thêm, Ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng chia sẻ ngay từ thời điểm tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã xác định đây là trường hợp rất nặng. Trong suốt 23 ngày điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ đã liên tục hội chẩn để có giải pháp điều trị tốt nhất.
XEM THÊM: Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng lên tiếng về nội dung buổi phát trực tiếp của ca sĩ Khánh Phương
"Đã có thời điểm chúng tôi rất lo ngại về nhận thức của bệnh nhân, tuy nhiên hiện tại bệnh nhân bước đầu đã giao tiếp được, dù còn chậm. Các bác sĩ tiếp tục phục hồi chức năng và vận động tránh cứng khớp hay loét do tì đè, cùng đó là biện pháp bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân", ông Cơ cho hay.
Thục Hiền (T/h)