Ngăn chặn sự bắt nạt trước khi nó bắt đầu
Bạn nên chuẩn bị một số biện pháp để trẻ đối phó khi bị bắt nạt. Ví dụ hướng dẫn con cách nói để ngăn chặn hành vi trên như: "Để tôi yên", "Dừng lại ngay”…
Bạn cũng nên có kịch bản nhập vai "Chuyện gì xảy ra nếu con bị bắt nạt". Cụ thể, bạn có thể đóng vai kẻ bắt nạt trong khi con bạn thực hành các phản ứng khác nhau cho đến khi bé cảm thấy tự tin xử lý các tình huống rắc rối.
Khi bạn nhập vai, hãy dạy bé nói bằng giọng mạnh mẽ. Chắc chắn, rên rỉ hoặc khóc sẽ chỉ khuyến khích kẻ bắt nạt.
Luôn giám sát con
Để con khôn lớn trưởng thành cần sự chăm sóc, bảo bọc cũng như sự giám sát thường xuyên của cha mẹ. Nếu cha mẹ buông lỏng con cái, trẻ dễ bị cảm dỗ vào các thói hư tật xấu, bị bạn bè xấu lôi kéo, không định hướng được tương lai của mình. Đi đôi với đó các bậc phụ huynh cũng nên dạy cho con cách ứng xử phù hợp với các tình huống bạo lực. Giải thích cho con hiểu đó là những việc làm sai trái, thiếu văn hóa con nên tránh tiếp xúc với những bạn có hành vi bạo lực như vậy.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Những đứa trẻ cúi người và tránh ánh mắt của người khác có thể tỏ ra yếu đuối và dễ bị nhắm đến. Thật đáng tiếc, nhưng sự thật là những đứa trẻ có lòng tự trọng thấp có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của kẻ bắt nạt.
Việc giúp con học cách thể hiện sự tự tin bằng ngôn ngữ cơ thể được coi là một trong những chiến lược rất hữu ích.
Bước đi tự tin là một kỹ thuật đơn giản mang lại năng lượng tích cực và quyết đoán. Trẻ nên bước đi trong khi mở vai về phía sau và mắt nhìn lên (không phải xuống mặt đất).
Trong khi đó, giao tiếp bằng mắt một cách trung lập (không hung hăng) với những người xung quanh thể hiện khả năng lãnh đạo và sự tự tin.
Trẻ cũng cần mỉm cười với người khác để tạo ra cảm giác kết nối cũng như nâng cao lòng tự trọng. Cách làm này cũng giúp tránh khỏi sự cô lập xã hội, có thể góp phần gây ra tình trạng bắt nạt.
Cha mẹ nên dạy trẻ nói chuyện bằng giọng trung lập, bình tĩnh với kẻ bắt nạt. Bởi, cách làm này thường rất hiệu quả. Trẻ không cần phải đáp lại bất kỳ lời nhận xét không tử tế nào. Thay vào đó, trẻ chỉ có thể nói “Xin lỗi” hoặc “Tôi đang trên đường đến lớp, nói chuyện với bạn sau”. Trẻ cũng có thể chỉ cần giao tiếp bằng mắt và phớt lờ bất cứ điều gì kẻ bắt nạt nói.
Phụ huynh cũng hãy nhắc nhở con mình rằng, ngay cả khi cảm thấy tự ti, chẳng hạn như lúc bước vào một phòng ăn trưa đông người lần đầu tiên, trẻ vẫn nên bước đi một cách tự tin. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể quyết đoán ngay cả trước khi cảm xúc bên trong phù hợp với hành vi bên ngoài, trẻ có thể học cách thể hiện sự tự tin.
Những kỹ năng này cần có thời gian và sự luyện tập, nhưng trẻ sẽ thấy được kết quả nếu tiếp tục làm việc đó. Chúng không chỉ giúp trẻ đối phó với kẻ bắt nạt ở trường, mà còn hữu ích trong việc nói trước đám đông, phỏng vấn xin việc và gặp gỡ những người mới.
Khuyến khích con nói ra sự thật
Thực tế cho thấy nhiều trẻ không dám tố cáo kẻ bắt nạt vì sợ trả thù, thậm chí không dám nói lại với cha mẹ. Để chấm dứt tình trạng này, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện cởi mở với con, quan tâm đến những bất thường trên cơ thể con, từ đó giúp trẻ dễ dàng giãi bày mọi lo lắng của mình với cha mẹ.
Cho trẻ nhiều cơ hội để nói lên những suy nghĩ của mình, đặc biệt khi bạn cảm nhận con luôn lo lắng, sợ hãi mỗi khi đến trường. Sau đó, bạn hãy đến gặp giám thị nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để cảnh báo các khó khăn của trẻ và đề nghị họ giúp đỡ.
Xây dựng sự tự tin của con
Con bạn càng cảm thấy tốt hơn về bản thân, khả năng bắt nạt sẽ ít ảnh hưởng đến trẻ. Khuyến khích sở thích, hoạt động ngoại khóa và các tình huống xã hội mang lại điều tốt nhất cho con bạn.
Tôn vinh sức mạnh của trẻ và khuyến khích kết nối lành mạnh với người khác có thể tăng sự tự tin lâu dài của trẻ, ngăn ngừa mọi tình huống bắt nạt tiềm ẩn.
Tham gia lớp học tự vệ
Các phụ huynh có thể cân nhắc việc đăng ký cho con mình tham gia một lớp học tự vệ. Một trong những lựa chọn phổ biến nhất cho trẻ em là taekwondo. Mặc dù thường được coi là một trong nhiều môn võ thuật,
taekwondo ban đầu được phát triển như một cách để tự vệ. Hiệp hội Taekwondo Mỹ cũng đưa ra một số lựa chọn dành riêng cho trẻ em. Taekwondo và các môn võ thuật khác cũng dạy trẻ sự tự tin và tự chủ. Nhiều khi, ngăn chặn kẻ bắt nạt liên quan đến việc biết cách ứng phó với một tình huống một cách bình tĩnh và tự tin trước khi để nó chuyển sang bắt nạt thể chất.
Đi cùng một nhóm
Những kẻ bắt nạt ít có khả năng nhắm vào người đi cùng một nhóm bạn. Phụ huynh hãy chắc chắn rằng, con mình biết về việc nên gắn bó với một hoặc nhiều người bạn khi có thể. Điều này đặc biệt đúng khi các em ở những khu vực trong trường được biết đến là “điểm nóng” bắt nạt, chẳng hạn như căng-tin, sân chơi, xe buýt, phòng tắm và phòng thay đồ.
Nếu con không có một nhóm bạn, phụ huynh hãy giúp chúng phát triển tình bạn. Ngay cả một người bạn thân cũng có thể góp phần ngăn chặn hành vi bắt nạt.
Tập trung vào an toàn
Đôi lúc, trẻ không nhận ra rằng, khi mọi thứ có vẻ như đi sai hướng, chúng nên quay lại và bỏ đi. Phụ huynh hãy trấn an con rằng, việc bỏ đi không phải là hèn nhát. Thay vào đó, hãy nhắc nhở trẻ rằng, cần có can đảm để rời khỏi tình huống đang căng thẳng trước khi mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát. Xác định khi nào tình huống sắp trở nên tồi tệ hơn và bỏ đi là một trong những cách tốt nhất để tránh bị bắt nạt.
Bỏ đi thay vì chống trả luôn là chiến lược tốt nhất khi đối mặt với kẻ bắt nạt. Đánh nhau có thể nhanh chóng dẫn đến bạo lực và thương tích. Thay vào đó, trẻ nên bỏ đi và nói cho người lớn biết chuyện gì đang xảy ra.
Trong những tình huống nguy hiểm, trẻ có thể tâm sự với huấn luyện viên, phụ huynh, cố vấn trường học, hiệu trưởng hoặc giáo viên.
Thùy Dung (T/h)