Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bỏ hộ khẩu như thế nào?

(DS&PL) -

Câu chuyện bỏ hộ khẩu đã được bàn đến nhiều năm nay từ chủ yếu là phía người dân, phía những người chịu tác động tiêu cực từ gông cùm hộ khẩu khá đặc thù ở Việt Nam

Câu chuyện bỏ hộ khẩu đã được bàn đến nhiều năm nay từ chủ yếu là phía người dân, phía những người chịu tác động tiêu cực từ gông cùm hộ khẩu khá đặc thù ở Việt Nam. Thế nhưng, gần đây từ phía các ý kiến của những người quản lý nhà nước cùng muốn bỏ hộ khẩu. Vậy, vì sao nên bỏ hộ khẩu, bỏ hậu khẩu như thế nào để vẫn quản lý được vấn đề cư trú? Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư Thành phố Đà Nẵng có trao đổi với chúng tôi về vấn đề đang được người dân rất quan tâm này.

 Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư Thành phố Đà Nẵng

- Quy định về hộ khẩu ở ta có từ bao giờ, vì sao người ta thấy quy định này là khá đặc biệt so với thế giới?

Quy định liên quan đến quản lý cư trú theo hộ khẩu đúng là hiện nay khá lạ bởi trên thế giới người ta thống kê thấy chỉ Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên có hộ khẩu. Ở Việt Nam, căn cứ pháp lý đầu tiên về vấn đề quản lý cư trú qua hộ khẩu là Nghị định 104-CP ngày ngày 27/06/1964 của Hội đồng bộ trưởng ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý Hộ khẩu. Kể từ đó hộ khẩu xuất hiện chính thức ở Việt Nam để đảm bảo cho việc quản lý cư trú. Thời bao cấp, với một hộ khẩu, các gia đình tham gia vào rất nhiều vấn đề quan trọng của cuộc sống do nền kinh tế tập trung bao cấp chi phối, chẳng hạn dựa vào đó họ được cấp tem phiếu để mua hàng hóa, sổ gạo để được cấp phát lương thực, rồi điều kiện cấp nhà đất …

Sau này, khi chúng ta phát triển theo nền kinh tế thị trường thì sự lệ thuộc vào hộ khẩu đến quyền của công dân trở nên ít đi. Thế nhưng, tư duy phụ thuộc vào hộ khẩu ở nhiều quy định về quản lý đã gây nên những cản trở tiêu cực khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém về thời gian, chi phí và bị ảnh hưởng rất bất lợi khi bị tư duy hộ khẩu hành hạ. Chúng tôi nói về tư duy hộ khẩu hạnh hạ là bởi, nếu chúng ta dùng hộ khẩu chỉ với nghĩa để quản lý về vấn đề cư trú mà không dựa vào đó để hạn chế các quyền khác về giáo dục, y tế, việc làm … của các công dân bình đằng với nhau thì cái hộ khẩu không có tội gì cả. Tuy nhiên, với một tư duy phân biệt rất rõ ràng giữa hộ khẩu với không hộ khẩu đã dẫn đến các công dân di cư gặp rất nhiều khó khăn, bị hạn chế rất nhiều quyền lợi so với những người có hộ khẩu nơi sinh sống, và từ đó nãy sinh rất nhiều vấn đề bất cập.  

- Nhiều người e ngại nếu không còn hộ khẩu thì lấy cái gì để quản lý cư trú, quản lý dân cư?

Đó là một bài toàn cần có lời giải, đó là một lo ngại chính đáng. Lối mòn tư duy khiến người ta hay tin vào mấy tờ giấy, mà lại không hay tin vào thực thể con người thật. Trong chuyện quản lý cư trú cũng vậy, hiện nay nói thật là có nhiều người sống ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng nhưng hộ khẩu vẫn ở quê, họ mua nhà, lấy vợ, sinh con nhưng hộ khẩu vẫn ở quê, có người làm thuê ở khu công nghiệp năm này qua năm khác nhưng hộ khẩu vẫn ở quê. Ngược lại, do muốn thi tuyển công chức, muốn con học trường trung tâm, muốn đăng ký xe cho tiện … nhiều người không cư trú ở thành phố cũng có hộ khẩu ở thành phố nhờ việc thông qua các đường giây “chạy hộ khẩu” bất minh. Cứ vậy thật giả lẫn lộn loạn xạ cả lên. Hộ khẩu chỉ là một tệp giấy tờ, không thể phản ánh thực chất sự cư trú thường xuyên của một cá nhân. Tin vào hộ khẩu cũng như tin vào bằng cấp đủ kiểu trong xã hội ta, trong khi đó chúng ta dẫn đến việc quản lý trên giấy và cách quản lý đó không thể chính xác. Do đó, hộ khẩu thực tế không thể phản ánh chính xác việc cư trú của công dân, và do đó có nó hay không không đến nỗi chúng ta không thể quản được vấn đề cư trú.

Hiện nay, với các quy định mới về Luật hộ tịch, quy định về thẻ căn cước công dân chúng ta hoàn toàn xóa bỏ hộ khẩu mà vẫn có thể quản lý tốt dân cư. Mỗi một người có một mã số định danh cá nhân suốt đời, thì dù đi đâu chỉ cần đăng ký, xác nhận là cơ quan quản lý có thể nắm bắt chính xác được người đó di chuyển từ đâu đến, đang ở đâu. Cái này nhiều quốc gia đã áp dụng từ lâu, cở châu Âu, thậm chí chỉ một cái hộ chiếu người ta sẽ dùng nó chung cho việc lưu chuyển, cư trú ở các quốc gia khác nhau trong khối EU. Khi các quốc gia EU ký với nhau Hiệp định Schengen thì các quốc gia tham gia ký kết Hiệp định có thể tự do đi lại và họ thống nhất sử dụng một hộ chiếu EU nhưng có thể thay thế cho tất cả các giấy tờ tương tự ở Việt Nam như CMND, hộ khẩu, hộ chiếu, giấy khai sinh. Thế giới trở nên phẳng hơn, toàn cầu hóa mà bắt con người phải mang trên mình đủ loại giấy tờ mới chứng minh được bản thân, mới có thể sử dụng được các quyền con người được ghi nhận thì quả vô cùng tốn kém và phiền phức.

- Nhiều người cho rằng điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam còn khó khăn, câu chuyện công nghệ thông tin chưa đáp ứng được nên khó quản lý bằng chỉ một loại giấy tờ như thẻ căn cước thông qua các thiết bị điện tử hiện đại?

Chúng tôi cho rằng đó là lối ngụy biện thường xuyên người Việt chúng ta dùng khi không chịu học hỏi những điều tiến bộ của các quốc gia khác. So về kinh tế, chúng ta nghèo, nợ công nhiều nhưng vẫn còn khá hơn nhiều quốc gia không có hộ khẩu khác, vậy chẳng nhẽ họ phải cần có hộ khẩu như Việt Nam để quản lý dân cư? Tôi nghĩ, chỉ cần tiết kiệm, không để ra thất thoát trong vấn đề đầu tư cho công nghệ thông tin ở ta trong một hai năm thì có thể sắm đủ máy móc thiết bị cho việc kiểm tra một thẻ căn cước xem nó là của ai, chứng minh về ai. Chúng ta đang đầu tư cho loa phường, cho máy chấm điểm công chức, cho các loại phần mềm mà công chức không hề dùng … rất lãng phí, nên đầu tư nó cho điều có lợi ích cho người dân. Tiền không phải là chuyện lớn, chuyện lớn ở chỗ cứ bám vào giấy tờ hộ khẩu, chứ không phải là chúng ta không thể sắm thiết bị máy móc để triển khai phát cho mỗi người dân một thẻ căn cước và sắm máy để kiểm tra, để hệ thống, để liên kết, để quản lý nó.

- Thế có sự lo ngại liên quan đến các vấn đề xã hội phức tạp khi dân cư tập trung vào thành thị, quy hoạch dân cư bị phá vỡ nếu không có hộ khẩu, dân cư được tự do cư trú?

Bỏ hộ khẩu không có nghĩa là để cho người dân chạy loạn xạ lên trong xã hội, như đã nói, chúng ta có cách khác để thậm chí quản lý thực chất hơn, họ đi đâu thì có quy định để xác nhận về cư trú, việc cư trú thường xuyên cũng sẽ có các thủ tục về đăng ký. Do đó, có thể các vấn đề về đăng ký nơi cư trú vẫn được thực thi nhưng đơn giản chỉ cần một cái quẹt thẻ, một sự xác nhận qua phương tiện điện tử. Chúng ta bỏ các vấn đề lệ thuộc vào mấy tờ giấy hộ khẩu như bắt người dân phải có hay không có các quyền liên quan đến giáo dục, ý tế, việc làm vì điều đó rất vô lý và bất công. Còn vấn đề dân cư, tại sao dân cư tập trung ở Hà Nội, Sài Gòn đông, liệu không cho phép hoặc hạn chế vấn đề đăng ký hộ khẩu thì người ở Hà Nội và Sài Gòn giảm đi? Không thể, nếu vẫn tập trung ở đó các hệ thống công quyền dày đặc, vẫn tập trung ở đó các cơ sở giáo dục, ý tế lớn, vẫn tập trung ở đó các trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, các hệ thống dịch vụ … Vấn đề là câu chuyện quy hoạch dài hạn, là quy hoạch tổng thể. Kinh tế xã hội phát triển ở đâu thì dân cư tập trung về đó là điều tự nhiên, nhưng làm thế nào để vẫn đón nhận nguồn nhân lực cho phát triển, đồng thời cũng đủ cơ sở hạ tầng để đón nhận nguồn nhân lực đó là điều phải tính toán kỹ lưỡng, điều đó không phải do cái hộ khẩu.

Người dân di cứ đến nơi mà họ có việc để làm, có nhà để ở và rất nhiều vấn đề khác nữa, chỉ cần quy hoạch hợp lý hơn, điều chỉnh đồng bộ trong quy hoạch về phát triển kinh tế xã hội nói chung thì câu chuyện dân cư quá tập trung vào một số địa phương mới được giải quyết triệt để. Nếu không, như chúng tôi đã nói có rất nhiều người sống cả đời ở thành phố đông đúc chật hẹp mà hộ khẩu của họ vẫn ở quê là chuyện bình thường, chẳng ai có thể cấm họ điều đó, họ chỉ có thể bị khó khăn hơn, phải chi trả thêm các loại chi phí do sự hành hạ của hộ khẩu gây ra, nhưng đó không phải là điều tiên quyết để cần phải có hộ khẩu để sống ở thành thị. Như thế, cố giữ hộ khẩu để đảm bảo cho sự phân bổ dân cư trở nên rất vô nghĩa.

Tóm lại, theo ông có nên vẫn nhất quyết phải bỏ hộ khẩu?

Đó nên là chuyện cần làm từ rất lâu, nhưng chúng ta không dám làm những điều chắc chắn sẽ trở nên tiến bộ hơn. Và như chúng tôi đã nói, bỏ hộ khẩu không chỉ là câu chuyện bỏ đi thủ tục để cấp một tệp giấy mang tên hộ khẩu, mà cần phải bỏ đi tư duy về hộ khẩu, tư duy về cát cứ cục bộ địa phương vùng miền, tư duy quản lý trên giấy chứ không quản lý bằng thực chất. Người ta vẫn muốn giữ loa phường trong khi vẫn lại đầu tư phát sóng wifi cho toàn thành phố, người ta muốn giữ hộ khẩu mà vẫn hô hào điện tử hóa hệ thống hành chính nhà nước. Đó là những mâu thuẫn trái ngược cần được dứt khoát giải quyết. Tư duy hộ khẩu hay tư duy loa phường cũng là những tư duy bao cấp còn sót minh chứng cho sự lạc hậu ở hai khía cạnh: quản lý hành chính và truyền thông tuyên truyền. Chúng ta phải dứt khoát thì mới thể hiện được chúng ta muốn phát triển, bằng không người ta nói chúng ta không chịu phát triển cũng không oan bao giờ.

Thanh Phong

Tin nổi bật