Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ GTVT ủng hộ huy động nguồn lực xã hội hóa để nâng cấp luồng hàng hải Kỳ Hà

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam liên quan đến dự án nạo vét tăng độ sâu tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết đã nhận được văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cho ý kiến giao cho Công ty CP Tập đoàn Trường Hải thực hiện dự án nạo vét tăng sâu tuyến luồng Kỳ Hà đạt độ sâu -9,3 m hải đồ.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, giai đoạn đến năm 2020, bến cảng Kỳ Hà được quy hoạch cho cỡ tàu từ 5.000 - 20.000 tấn.

Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, bộ đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam bàn giao tuyến luồng Kỳ Hà cho UBND tỉnh Quảng Nam tiếp nhận quản lý và triển khai dự án nạo vét luồng vào bến cảng Kỳ Hà. Quy hoạch cũng cho phép huy động nguồn xã hội hóa đầu tư luồng hàng hải phù hợp với quy mô quy hoạch bến cảng.

Cảng biển Kỳ Hà (Quảng Nam)

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án sử dụng nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu, thời gian thực hiện 2017 - 2020. Nhưng do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án mới triển khai được khoảng 48% khối lượng, đã dừng thi công từ tháng 6/2022 đến nay và đã hết hời gian bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương.

UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản thống nhất chủ trương dừng triển khai, tiếp tục thực hiện các bước nghiệm thu, thanh toán, quyết toán để kết thúc dự án. Hiện tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức quản lý.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến cảng Kỳ Hà, Tam Giang được quy hoạch cho cỡ tàu đến 20.000 tấn. Về quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, trường hợp huy động nguồn xã hội hóa, cho phép đầu tư luồng hàng hải phù hợp với quy mô quy hoạch bến cảng biển.

Tuyến luồng Kỳ Hà được đánh giá chưa được đầu tư đạt độ sâu theo dự án do UBND tỉnh tổ chức triển khai nêu trên đã ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp cảng, logistics, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư... nên việc tiếp tục thực hiện đầu tư nạo vét tăng độ sâu tuyến luồng trong năm 2024 là cấp thiết.

Do vậy, để đáp ứng nhu cầu qua hàng hóa tại khu bến cảng Kỳ Hà - Tam Hiệp, góp phần cải thiện môi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực, đồng thời phù hợp với định hướng trong trường hợp huy động xã hội hóa kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, Bộ GTVT ủng hộ huy động nguồn lực xã hội hóa từ nguồn vốn doanh nghiệp để tiếp tục nâng cấp tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà như đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam.

Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành quyết toán dự án nạo vét luồng vào bến cảng Kỳ Hà được UBND tỉnh tổ chức thực hiện thời gian qua làm cơ sở tiếp tục thực hiện đầu tư nạo vét tăng độ sâu luồng Kỳ Hà đến cao độ -9,3 m theo quy định của pháp luật.

Cùng đó, tiến hành các thủ tục nghiệm thu, thanh toán, sớm bàn giao hệ thống báo hiệu hàng hải trên tuyến luồng cho Cục Hàng hải Việt Nam nhằm kịp thời khắc phục tình trạng thường xuyên phát sinh các sự cố (trôi dạt phao, mất đèn, đèn không sáng...) do hiện nay không có đơn vị chức năng, chuyên môn thực hiện công tác quản lý, vận hành, duy tu các thiết bị, đảm bảo an toàn hàng hải trên luồng.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng được đề nghị yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đầy đủ ý kiến tham gia của Cục Hàng hải Việt Nam, có văn bản cam kết nạo vét đúng phạm vi, chuẩn tắc luồng, không tận thu sản phẩm, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế và chịu trách nhiệm nạo vét duy tu tuyến luồng hàng năm.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vận hành, duy tu tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà, kịp thời khắc phục những sự cố trên tuyến luồng (trôi dạt phao, mất đèn, đèn không sáng...) nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực.

Cục Hàng hải Việt Nam được giao trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để sớm tiếp quản lý, vận hành duy tu hệ thống báo hiệu hàng hải nhằm đảm bảo an toàn hàng hải trên theo thẩm quyền, thỏa thuận các nội dung cụ thể theo quy định.

Tin nổi bật