Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của bộ GTVT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Danh Huy- Vụ trưởng vụ Kế hoạch Đầu tư cho biết, trong năm 2022, bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước tổng số 50.328 tỷ đồng; trong đó: 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng vốn trong nước.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của bộ GTVT. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật
Tính đến hết tháng 6/2022, bộ GTVT mới giải ngân được khoảng 17.200 tỷ đồng, gồm: 1.843 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 37,8% và 15.357 tỷ đồng vốn trong nước, đạt gần 34%.
Như vậy, ngành giao thông mới chỉ hoàn thành 39,8% kế hoạch đã giao chi tiết và 34,2% kế hoạch được giao.Tuy vậy, kết quả giải ngân của ngành giao thông vẫn cao hơn mức giải ngân trung bình của cả nước từ 5 - 7%.
Vụ trưởng Kế hoạch đầu tư đánh giá, số vốn giải ngân trong nửa cuối năm còn rất lớn, khoảng 33.100 tỷ đồng. Để thực hiện được nhiệm vụ này, bộ GTVT đã đề ra nhiều giải pháp, có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành trong năm 2022.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Bùi Quang Thái- Cục trưởng cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, 6 dự án đã được hoàn thành thủ tục và khởi công và 6 dự án được hoàn thành, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Theo kế hoạch, trong nửa còn lại của năm nay, bộ GTVT sẽ khởi công thêm 32 dự án mới (bao gồm cả 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025); hoàn thành đưa vào sử dụng thêm 24 dự án (gồm 4 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020). Tính đến hết tháng 6/2022 đã hoàn chỉnh các thủ tục đủ điều kiện phê duyệt 25/32 dự án (bao gồm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam).
Tuy nhiên, còn 7 dự án giao thông lớn chưa được phê duyệt để khởi công, như: Đường tránh phía Đông TP Đông Hà (Quảng Trị); Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Vinh - Nha Trang; tuyến tránh TP Hà Bình; cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc…
Bộ GTVT lý giải, do giá nguyên, nhiên liệu tăng đột biến, một số dự án sau khi rà soát vượt tổng mức đầu tư nên phải điều chỉnh. "Các dự án có tổng mức đầu tư vượt so với chủ trương đầu tư, cần khẩn trương chỉ đạo tư vấn thiết kế nghiên cứu điều chỉnh phạm vi, quy mô dự án, phương án phân kỳ đầu tư hoặc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách địa phương,... báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư, song song với việc trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư”, ông Thái lý giải.
Bạch Hiền (t/h)