Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, việc giao quyền tự chủ quá lớn cho địa phương chủ trì kỳ thi THPT Quốc gia luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến bệnh thành tích, tiêu cực.
Việc gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang và Sơn La đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Có thể nói, những sai phạm trong chấm thi THPT Quốc gia năm nay được đánh giá là gian lận chưa từng có trong lịch sử các kỳ thi THPT Quốc gia.
Trước những tiêu cực nghiêm trọng trên, nhiều ý kiến cho rằng, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, sự lỏng lẻo, thiếu giám sát chặt chẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hệ quả trên. Đặc biệt, việc giao kỳ thi cho các địa phương chủ trì với quyền tự chủ quá lớn là điều kiện cho gian lận thi cử dễ phát sinh.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, bộ GD&ĐT giao quyền cho sở GD&ĐT của các tỉnh thành chủ trì, đó là 1 phương án mạo hiểm. Bởi xét về trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong công tác thi cử cấp Quốc gia thì ở cơ sở chưa thực sự tốt. Tiếp đó, bệnh thành tích, sức ép từ nhiều chiều có thể khiến cán bộ tổ chức thi THPT Quốc gia ở địa phương nảy sinh nhiều tiêu cực.
Đoàn công tác của bộ GD&ĐT kiểm tra các bài thi tại Sơn La. |
ĐBQH Nhưỡng phân tích: “Bệnh thành tích là vấn đề nan giải, nhức nhối của nền giáo dục nước ta qua nhiều thời kỳ khác nhau. Việc giao cho địa phương chủ trì kỳ thi THPT Quốc gia luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến bệnh thành tích, bệnh địa phương. Cả nước có 63 tỉnh thành sẽ có vài trăm cán bộ ở các sở Giáo dục cầm trịch kết quả thi cử của địa phương nhưng việc thanh tra, giám sát lại có nhiều sơ hở.
Cho nên, vì bệnh chạy theo thành tích hoặc vì lợi ích nhóm thì một bộ phận cán bộ cũng bất chấp tìm mọi cách để gian lận trong các khâu ở kỳ thi dù biết hệ quả của việc làm đó vô cùng nguy hiểm. Chưa kể đến việc họ rất dễ bị tác động sức ép nhiều chiều ở địa phương, từ các cấp trên xuống, từ các mối quan hệ xã hội rồi người thân… nên dễ nảy sinh tiêu cực. Sai lầm ở chỗ, chúng ta cứ phân cấp phân quyền mà chưa có sự chuẩn bị tốt. Đã phân cấp giao quyền cho cán bộ thì phải đi kèm với năng lực, phẩm chất. Không phải cứ đưa xuống rồi lại không quản lý, quan tâm, sát sao được”.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. |