(ĐSPL) - Trước những thay đổi trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những hướng dẫn chi tiết gửi tới các Sở GD-ĐT giúp định hướng kịp thời cho giáo viên và học sinh ôn thi có hiệu quả.
Nhằm thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW về việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện một số thay đổi trong cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn.
Theo đó, Bộ cũng đưa ra một số định hướng chi tiết gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm hướng dẫn các giáo viên có thể đưa ra các hướng dạy hợp lý, và giúp các em học sinh ôn thi có hiệu quả hơn.
|
Những thay đổi cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn khiến các thầy cô và học sinh đều hoang mang. Ảnh minh họa |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc đổi mới nội dung thi môn Ngữ văn bao gồm tập trung đánh giá hai kỹ năng quan trọng: kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết văn bản. Vì vậy, đề thi gồm hai phần: đọc hiểu và viết (làm văn), trong đó tỷ lệ điểm của phần viết sẽ chiếm số điểm nhiều hơn.
Phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như: nội dung chính và quan trọng của văn bản, những từ ngữ, cú pháp cùng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản.
Về phần nghị luận văn học, năm 2014 vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc trích đoạn nêu trong chương trình và sách giáo khoa nhưng cần đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề nhằm khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc văn mẫu, sao chép y nguyên tài liệu.
Bài viết của học sinh đòi hỏi phải được đánh giá dựa trên những kỹ năng, phù hợp với yêu cầu của đề bài, không trái với các giá trị nhân văn, chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
|
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những hướng dẫn chi tiết giúp học sinh ôn thi môn Văn hiệu quả hơn. |
Dựa theo đó, Bộ Giáo dục đưa ra cách thức ôn tập, kiểm tra kĩ năng đọc hiểu và kĩ năng viết như sau:
Đối với giáo viên giảng dạy: Cần định hướng giúp học sinh tăng cường kỹ năng nắm vững những kiến thức thực tế như làm thế nào để hiểu một văn bản; đưa ra các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về đọc hiểu; lựa chọn những văn bản phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của học sinh để làm ngữ liệu hướng dẫn đọc hiểu; xây dựng các loại câu hỏi và hướng dẫn chấm một cách phù hợp với mục đích và đối tượng học sinh.
Đối với học sinh: Cần đọc, hiểu, phân tích văn bản theo hướng mở và tích hợp. Đồng thời, cần rèn luyện kỹ năng viết đúng chính tả, lựa chọn viết các loại văn bản phù hợp với mục đích, đối tượng, hoàn cảnh của các tình huống khác nhau gần gũi với thực tiễn học tập và đời sống.
Ngoài ra, các em cũng cần có tri thức về các kiểu loại văn bản, cấu trúc văn bản, dàn ý bài viết, như vậy mới có thể viết tốt một bài văn.