Không chỉ ở Tây Ninh, sau khi hoàn tất công tác phúc khảo, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra cả những địa phương khác nếu thấy điểm số có dấu hiệu bất thường.
Ông Sái Công Hồng cho biết Bộ GD-ĐT đang làm rõ nguyên nhân 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 ở Tây Ninh. |
Chia sẻ trên Vietnamnet, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, thông tin “58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 ở Tây Ninh do lỗi của thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án khiến máy không thể nhận diện được” mới chỉ là theo báo cáo của các ban chấm phúc khảo. Ông Hồng nhấn mạnh đó chưa phải là kết luận cuối cùng của Bộ GD-ĐT về sự cố này.
“Sau khi kết thúc hoàn toàn khâu chấm thì Bộ mới kiểm tra rõ nguyên nhân tại đâu và các ban chấm thi trắc nghiệm phải có trách nhiệm giải trình. Sau khi mở nhật ký lưu vết sửa lỗi trong phần mềm chấm thi sẽ biết ngay nguyên nhân, song phải đợi hoàn tất quá trình chấm phúc khảo mới mở được. Bởi quy trình là được niêm phong toàn bộ, đến khi chấm thi xong thì Bộ mới có quyền nhận lại và kiểm tra. Việc thanh tra và kiểm tra chỉ được thực hiện khi và chỉ khi đã chấm xong phúc khảo”, ông Hồng nói.
Ông Hồng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra nhật ký chấm và sẽ làm rõ lỗi từ bộ phận nào để xử lý một cách nghiêm túc.
Theo ông Hồng, không chỉ riêng Tây Ninh mà với cả các địa phương khác, nếu sau chấm phúc khảo thấy điểm số thay đổi có dấu hiệu bất thường (ví dụ tăng nhiều điểm) thì Bộ GD-ĐT đều phải kiểm tra và xem xét.
Theo quy chế, việc tổ chức phúc khảo bài thi sẽ hoàn tất chậm nhất vào ngày 2/8.
Thông tin thêm trên Zing.vn, ông Sái Công Hồng khẳng định với sự việc ở Tây Ninh, phần mềm chấm trắc nghiệm không bị lỗi. Nếu do phần mềm, lỗi sẽ xuất hiện ở bài thi của 63 tỉnh thành.
Trước đó, cũng trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Thuận - Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Đồng Nai - nói những bài trắc nghiệm bị điểm 0 là do phần mềm chấm thi không nhận dạng được bản scan phiếu trả lời của thí sinh.
Theo ông Thuận, khi phúc khảo, trường đã kiểm tra bản quét phiếu trả lời trắc nghiệm trước đây và thấy rất rõ ràng, không vấn đề gì. Tuy nhiên, khi đưa bản scan vào, máy chấm không nhận diện được phần trả lời của thí sinh nên đã chấm 0 điểm.
Cán bộ chấm thi sử dụng phiếu trả lời gốc của thí sinh và nhập bằng tay từng câu trả lời vào phần mềm chấm thi, máy mới chấm được.
Nguồn tin trên Zing.vn cũng cho hay, một cán bộ của trường đại học phía Nam chia sẻ việc phần mềm bị lỗi, trục trặc, không nhận dạng được bài thi, đã được nhiều trường ghi nhận trong quá trình chấm và có báo cáo Bộ GD-ĐT.
"Trong quá trình chấm thi, phần mềm của Bộ GD-ĐT nhiều lúc bị trục trặc và được cập nhật. Không rõ quy trình cập nhật này như thế nào và sửa những lỗi gì?”, cán bộ này thông tin.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD-ĐT - sai sót trong việc chấm thi đã rõ ràng. Một khi đã để xảy ra lỗi, Bộ GD-ĐT cần đứng ra làm việc với trường đại học phụ trách chấm thi. Hai bên đối thoại để tìm ra sai sót, làm rõ trách nhiệm để đảm bảo kỳ thi sau không xảy ra tình trạng tương tự.
Thanh Tùng (T/h)