Báo cáo gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ này đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại 10 địa phương.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi năm 2022. Ảnh: Tiền Phong
Ngoài kiểm tra công tác phúc khảo bài thi, Bộ GD&ĐT triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở các khâu chuẩn bị, coi thi, chấm thi.
Hiện, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo thông báo kết quả kiểm tra.
Về kế hoạch thi năm 2023, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đồng thời xây dựng các phương án đảm bảo an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi.
Trong đó, địa phương phải đặt yêu cầu làm tốt công tác lựa chọn nhân sự tổ chức kỳ thi; nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia các khâu tổ chức thi; chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi cũng như xây dựng và triển khai phương án cho kỳ thi giai đoạn 2023-2024.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực đảm bảo đồng bộ và nâng cao chất lượng.
Chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi thi phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ môn học ở cấp THPT.
Bộ GD&ĐT cũng cam kết sẽ tổ chức kỳ thi để bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Bạch Hiền (t/h)