Đóng

Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn khối ngành sư phạm năm 2025, chỉ từ 16,5 điểm

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Bộ GD&ĐT vừa công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) khối ngành sư phạm năm 2025, thấp nhất 1,6 điểm.

Theo công bố của Bộ GD&ĐT sáng 22/7, các ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật lấy điểm sàn 18 với tổ hợp ba môn văn hóa.

Các ngành còn lại có điểm sàn là 19.

Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng là 16,5, thấp hơn năm ngoái 0,5. Mức này đã cộng điểm ưu tiên, không nhân hệ số, bằng năm ngoái.

Các trường đào tạo giáo viên, sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT không được lấy điểm chuẩn thấp hơn các mức trên.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành đào tạo giáo viên tổ chức xét tuyển những thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT theo quy định của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hiện hành và các văn bản hướng dẫn khác liên quan.

Như vậy, thí sinh cần đạt tối thiểu các mức điểm trên mới được nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học, học viện đào tạo giáo viên trên cả nước; cũng như các trường này không được lấy điểm chuẩn thấp điểm sàn.

Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ VnExpress, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT ra quy định riêng về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với khối ngành sư phạm để đảm bảo chất lượng sinh viên các ngành này, tránh tình trạng có trường chỉ lấy 3 điểm mỗi môn như giai đoạn trước đó.

Tính đến hết kỳ I năm học vừa qua, cả nước có hơn 1,26 triệu giáo viên từ mầm non đến hết lớp 12. Theo định mức, số giáo viên còn thiếu khoảng 120.000 người.

Giai đoạn 2022-2026, ngành giáo dục được giao tuyển bổ sung gần 66.000 biên chế. Cộng với khoảng 43.000 biên chế chưa sử dụng trước đó, tổng là gần 109.000. Tuy nhiên đến cuối năm ngoái, các địa phương mới tuyển được khoảng 50.000. Một trong các lý do là thiếu nguồn tuyển.

Năm nay, khối ngành Sư phạm được dự báo tiếp tục có sức hút lớn. Ví dụ, hai trường đại học Sư phạm lớn nhất cả nước là trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Sư phạm TP.HCM đều mở rộng tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào. Số lượng thí sinh đăng ký tăng vọt so với năm ngoái.

Theo VTC News, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, số học sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc gia từ giải Ba trở lên, nộp hồ sơ vào trường và đủ điều kiện trúng tuyển vàotrường Đại học Sư phạm Hà Nội là hơn 500 (số năm ngoái là khoảng 300 và nhập học trực tiếp khoảng 100). "Như vậy, sức hút của Sư phạm năm nay có thể rất lớn", ông Sơn nói.

Năm ngoái, điểm chuẩn các ngành Sư phạm ở mức cao, nhiều ngành trên 28 điểm. Đặc biệt, điểm trúng tuyển Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử đứng đầu cả nước, chạm mốc 29,3 điểm.

Trước 17h ngày 28/7, thí sinh thực hiện đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, không giới hạn số lần điều chỉnh. Hiện các trường đang lần lượt công bố mức điểm sàn và đưa ra dự báo điểm chuẩn, cùng bảng phân vị quy đổi điểm thi - theo quy định của Bộ GDĐT, hoàn thành trước 17h ngày 23/7.

Sau khi hoàn tất đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần nộp lệ phí xét tuyển theo hình thức trực tuyến, thời gian từ ngày 29/7 đến 17h ngày 5/8. Kết quả xét tuyển, tức điểm chuẩn, sẽ được các trường đại học công bố trước 17h ngày 22/8.

Tin nổi bật