Đại diện Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương nhận định, những tháng tới, bình quân giá xăng thành phẩm thế giới vẫn sẽ có những biến động bất thường, dao động trong khoảng 145 - 155 USD/thùng, tăng 73 - 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xăng sang quý IV có thể giảm về 24.000 đồng/lít. Ảnh minh họa
Nếu liên Bộ Tài Chính- Công Thương không trích lập vào quỹ bình ổn, cùng với việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn từ 11/7, giá xăng trong nước sẽ dưới 31.700 đồng/lít, còn dầu dưới 27.100 đồng/lít.
Tuy nhiên, sang đến quý IV năm nay, giá xăng dầu thế giới được dự báo hạ nhiệt về khu vực 110 - 115 USD/thùng. Điều này sẽ kéo mức tăng cao của giá xăng dầu trong nước giảm xuống, còn khoảng 24.000 đồng/lít với xăng và 20.000 đồng/lít với dầu.
Nhờ sử dụng các công cụ điều hành từ giảm thuế môi trường, quỹ bình ổn... bình quân, giá bán lẻ xăng trong nước so với 2021 tăng khoảng 35-39%, dầu khoảng 51%.
Để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẩn trương làm việc, đàm phán với các bên có liên quan để sớm tự giải quyết dứt điểm các vấn đề nội tại trong liên doanh tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 19 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 6 lần giảm.
Trong phiên điều chỉnh gần đây nhất (21/7), giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 2.710 đồng/lít còn 25.070 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 3.600 đồng/lít còn 26.070 đồng/lít. Đây là lần giảm mạnh nhất của giá xăng từ đầu năm.
Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 25.000-26.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.
Bạch Hiền (t/h)