Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ Công Thương: Đóng dấu mật vào dự thảo tăng giá điện để tránh tâm lý lạm phát?!

(DS&PL) -

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc Bộ Công Thương đề xuất đóng dấu mật vào dự thảo tăng giá điện là để tránh tâm lý lạm phát.

Lý giải về đề xuất đóng dấu mật vào phương án tăng giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết biến động về giá điện ảnh hưởng tới đời sống người dân và kinh tế vĩ mô. Vì vậy Bộ đề xuất đóng dấu mật để tránh tâm lý lạm phát?!

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/5, trả lời báo chí về nguyên nhân đề xuất đưa thông tin phương án điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện chưa công bố vào diện "mật", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Mục đích để hạn chế tâm lý lạm phát.

Thứ trưởng Hải nhận định biến động giá xăng dầu và giá điện đều ảnh hưởng tới đời sống người dân, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động không nhỏ tới lạm phát và có thể gây ra tâm lý lạm phát kỳ vọng.

Theo lời lãnh đạo Bộ Công Thương thì đây là các phương án giá để tính toán, trình cấp có thẩm quyền trước khi công bố chính thức. Thứ trưởng Hải cũng lưu ý, thông tin mật ở đây không phải giá mặt hàng điện, xăng mà là phương án để tính toán, trình cấp thẩm quyền trước khi công bố một cách chính thức sự điều chỉnh giá.

Giá điện tăng cộng với đề xuất đóng dấu mật với giá điện khiến dư luận bức xúc. 

"Hiện nay giá xăng đã theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng đây là mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân, dễ gây ra lạm phát, ảnh hưởng đến đời sống.

Tương tự như vậy với giá điện. Vì thế, Bộ muốn đưa 2 nhóm hàng này vào danh mục Bí mật Nhà nước trước khi công bố giá chính thức" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Mặt khác, theo quy định hiện hành giá cả một số mặt hàng trọng yếu chưa công bố được phép đóng dấu mật. "Khi chưa công bố là mật, còn sau khi công bố thì giá điện, giá xăng dầu là công khai", ông Hải khẳng định.

Bổ sung thêm, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu quan điểm: "Chúng ta đều biết, nền kinh tế của chúng ta hiện nay là nền kinh tế thị trường. Chúng ta không thể bao cấp và bù lỗ từ ngân sách mãi được. Chúng ta điều chỉnh là phải tính toán đến các yếu tố và cả chỉ số CPI.

Vừa qua, đúng là dư luận đánh giá về bậc thang 6 nấc tính giá tiền điện. Quan điểm chung là chúng ta phải tiến tới một thị trường với sự quản lý Nhà nước.

Như vậy, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết, nhưng phải có căn cứ, có khoa học, có minh bạch đánh giá tác động đầu vào hợp lý để công khai”.

Tuy nhiên, theo lời Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì về vấn đề công khai giá, văn bản ban hành ra là không mật, nhưng quá trình soạn thảo văn bản đó thì được quản lý như văn bản mật.

Ông đơn cử, quá trình soạn thảo, xin ý kiến, trao đổi giữa các cơ quan... của một văn bản thông thường thì phải quản lý chặt chẽ như chế độ mật, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình xây dựng chính sách. "Không phải cứ văn bản ban hành không đóng dấu "mật" thì quá trình soạn thảo cũng không mật", ông nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Công Thương cho biết đang lấy ý kiến góp ý về danh mục bí mật Nhà nước của ngành. Theo đó, báo cáo điều hành kinh doanh, phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố sẽ là những thông tin được đóng dấu mật.

Trước đây thông tin điều chỉnh giá điện vẫn được đưa vào danh mục thông tin mật của ngành Công Thương. Trong một văn bản góp ý, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị không nên đóng dấu mật vào phương án giá điện. Cơ quan này cho rằng thường việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.

"Việc đưa phương án giá các mặt hàng Nhà nước điều hành giá vào diện thông tin mật có thể xuất phát từ lo ngại tình trạng đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần thay đổi giá. Tuy nhiên, việc đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng điện gần như là điều không thể", VCCI nêu ý kiến.

Do đó, VCCI đề nghị các phương án giá điện được công khai ít nhất 10 ngày trước khi được ban hành. Các quyết định tăng giá điện chỉ có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành.

Cũng về vấn đề này, VnExpress đưa tin, tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu số 1 (đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) với cử tri hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, một số đại biểu đã nêu bức xúc về giá điện, cũng như đề xuất đóng dấu mật vào phương án điều chỉnh giá khi chưa công bố.

Theo đó, cử tri Kiều Quang Long (phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm) bức xúc: "Mặt hàng điện do Nhà nước quản lý với cơ chế thị trường đòi hỏi phải minh bạch. Giá thành của nó còn mơ hồ, chưa được tính toán công khai cụ thể, cân đối thế nào, càng mật càng gây bất bình với người tiêu dùng", đồng thời cho rằng việc Bộ Công Thương muốn đóng dấu mật "là quá nuông chiều với ngành điện".

Nguồn: Người Đưa Tin

Tin nổi bật