Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (bộ Công an) cho biết, từ nay đến ngày 20/7, bộ Công an sẽ chủ trì khánh thành quần thể tượng đài lực lượng CSGT, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).
Tượng đài trên được xây dựng giáp với bức tường bao của Công viên Thống Nhất, đoạn gần ngã ba giao nhau giữa phố Trần Nhân Tông và phố Quang Trung (quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội). Tượng đài có 7 nhân vật, gồm 2 chiến sĩ CSGT, 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH, một phụ nữ lớn tuổi và một em nhỏ. Ngoài ra, tượng đài còn có biểu tượng cột đèn tín hiệu giao thông và ngọn lửa.
Tượng đài tái hiện công việc thường ngày của lực lượng CSGT và Cảnh sát PCCC và CNCH. Ảnh: Dân trí.
Tượng đài tái hiện công việc thường ngày của lực lượng CSGT và Cảnh sát PCCC và CNCH, rất gần gũi với nhân dân. Cụ thể, nam chiến sĩ CSGT giúp một phụ nữ lớn tuổi qua đường, nữ CSGT điều tiết giao thông; 2 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH làm nhiệm vụ cứu hỏa, chiến sĩ còn lại bế em bé trên tay - thể hiện vừa cứu em nhỏ này khỏi đám cháy.
Về lý do tại sao bộ Công an chọn lực lượng CSGT và Cảnh sát PCCC và CNCH để dựng tượng đài, Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy cho biết: "Các lực lượng công an nhân dân nói chung đều vì nhân dân phục vụ. Nhưng trước mắt 2 lực lượng gần gũi nhân dân nhất là lực lượng CSGT và lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Đặc biệt 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM rất cần có tượng đài như vậy, việc này cũng để nhắc nhở cho quần chúng nhân dân ý thức hơn trong việc tham giao thông và ý thức trong việc PCCC. Công trình này khánh thành để tuyên truyền cho truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân".
Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị cho biết, khi công trình khánh thành, bộ Công an sẽ bàn giao cho Công an TP Hà Nội và UBND TP.Hà Nội quản lý, trùng tu.
Việc khánh thành tượng đài chiến sĩ CSGT và PCCC nằm trong chuỗi kỷ niệm hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022) và chương trình Nhạc hội cảnh sát các nước ASEAN 2022.
Theo kết hoạch từ 19h30 tối nay (9/7), sẽ diễn ra lễ diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm của 8 đoàn nhạc, trong đó có 6 đoàn nhạc quốc tế với 200 nhạc công, nghệ sĩ đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Lào, Myanmar, Brunei. Riêng Việt Nam có 2 đoàn nhạc với 238 nhạc công, nghệ sĩ, trong đó đoàn nhạc bộ Công an có 127 người. Đoàn nhạc của bộ Quốc phòng có 110 người…
Tiếp theo 20h ngày 10/7, sẽ diễn ra buổi hoà nhạc của các đoàn tham gia tại tượng đài vua Lý Thái Tổ.
Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN 2022 là hoạt động nhằm tăng cường giao lưu văn hóa âm nhạc, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau về bản sắc dân tộc, đất nước, con người, truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam và lực lượng Cảnh sát các nước ASEAN.
Nhạc hội cũng là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam và là hoạt động văn hóa tinh thần lan tỏa hình ảnh tốt đẹp, vì nhân dân phục vụ của lực lượng Cảnh sát Việt Nam; giới thiệu đến bạn bè quốc tế về truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam, khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong công tác hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Dự kiến, các đoàn sẽ diễu hành trên phố đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, có dừng lại biểu diễn tại 4 địa điểm, tượng đài vua Lý Thái Tổ, tượng đài cảm tử, đài phun nước ngã ba phố Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, ngã tư Hàng Khay, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền. Trong những ngày diễn ra hoạt động ngoài trời kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng cảnh sát nhân dân người dân sẽ được phục vụ nước uống, chăm sóc y tế quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, theo báo Giao thông.
Linh Chi (T/h)