An ninh thủ đô đưa tin, Điều 5 dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú, về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp của người thuê nhà, cơ quan soạn thảo đã bổ sung thêm yêu cầu hợp đồng thuê nhà phải được công chứng, chứng thực.
Cụ thể, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và có công chứng, chứng thực theo quy định của Luật Cư trú;
Trong khi đó, theo quy định hiện hành (khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP), người thuê nhà khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê bằng hợp đồng thuê nhà phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở. Ngoài ra, trong các văn bản đều không yêu cầu hợp đồng thuê nhà bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Như vậy, nếu dự thảo được thông qua thì hợp đồng thuê nhà ở phải được công chứng, chứng thực nếu những người thuê nhà muốn đăng ký thường trú tại nhà thuê.
Công dân có thể đăng ký cư trú trên Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Ảnh: Tuổi trẻ
Ngoài việc bổ sung các quy định mới về giấy tờ đăng ký thường trú cho người thuê nhà thì dự thảo cũng quy định nhiều điểm mới về giấy tờ đăng ký thường trú cho các đối tượng khác như bổ sung: Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai; Giấy tờ chứng minh Sổ đỏ đang được thế chấp tại ngân hàng, giấy tờ mua bán viết tay, cam kết không có tranh chấp.
Đặc biệt, dự thảo còn đề xuất các giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú. Một trong những giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 5 dự thảo, trừ trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì văn bản đó không cần công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã;
Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng nếu không có một trong các giấy tờ, tài liệu trên. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp chứng minh là chủ sở hữu cơ sở kinh doanh lưu trú hoặc được chủ sở hữu cơ sở kinh doanh lưu trú cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định;
Công dân được đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình mà không phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp khi chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý nếu thuộc trường hợp được quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020. Trường hợp công dân đề nghị đăng ký vào hộ gia đình tạm trú đã có phải có ý kiến đồng ý của chủ hộ, thời hạn tạm trú bằng thời hạn tạm trú của hộ gia đình.
Bộ Công an đề xuất hàng loạt quy định mới về đăng ký thường trú, tạm trú. Ảnh: Tuổi trẻ
Theo báo Tuổi trẻ, tại dự thảo, Bộ Công an cũng bổ sung đề xuất đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh. Theo đó, nơi thường trú của trẻ em mới sinh là nơi thường trú của cha, mẹ. Nếu cha, mẹ có nơi thường trú khác nhau thì nơi thường trú của trẻ em mới sinh là nơi thường trú của cha hoặc mẹ mà trẻ em mới sinh thường xuyên chung sống.
Trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi thường trú của trẻ em mới sinh là nơi do cha, mẹ thỏa thuận. Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó.
Trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thường trú phải thực hiện đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho trẻ. Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về một số nội dung đăng ký, quản lý cư trú. Đồng thời, bổ sung quy định hủy đăng ký thường trú, tạm trú.
Theo đó, việc hủy đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là việc hủy kết quả giải quyết các thủ tục làm thay đổi thông tin đã đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trước đó, do cơ quan đăng ký cư trú giải quyết không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Cư trú.
Cơ quan có thẩm quyền hủy kết quả giải quyết đăng ký đã thực hiện việc đăng ký hoặc thủ trưởng cấp trên trực tiếp của cơ quan đã đăng ký có trách nhiệm ra quyết định hủy bỏ việc đăng ký đó.
Trường hợp, cơ quan đăng ký cư trú phát hiện việc giải quyết đăng ký không đúng thẩm quyền, đối tượng, điều kiện theo quy định của Luật Cư trú sẽ tiến hành hủy kết quả giải quyết thủ tục thực hiện không đúng. Trường hợp phức tạp báo cáo cấp trên trực tiếp về việc hủy kết quả đăng ký.