Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 5 thuộc Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) đã đưa ra nhiều thông tin cảnh báo về tội phạm mua bán nội tạng người tại Hội thảo khoa học về đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người do Bộ Y tế tổ chức.
Chỉ ra thủ đoạn của loại tội phạm trên, Thượng tá Đinh Văn Trình cho biết họ tiếp cận người có nhu cầu mua (ghép) bộ phận cơ thể tại các bệnh viện, hoặc thông qua mạng xã hội để tìm người mua, người bán dưới hình thức cho, hiến tặng.
Các nhóm này phân chia mỗi người làm quen với bên mua và bên bán, xét nghiệm, thỏa thuận giá cả, làm giả giấy tờ… ẩn dưới kinh phí hỗ trợ thuốc men, điều trị tự phục hồi sức khỏe.
Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức ghép tạng. (Ảnh: Tiền phong)
Việc tìm người mua và bán thận, mô trên mạng xã hội đảm bảo được sự bí mật. Lúc đó, chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp tham gia tiếp cận bị hại, người mua mà qua hệ thống chân rết để hướng dẫn, yêu cầu gia đình bị hại viết giấy tờ, đơn xin được hiến bộ phận cơ thể.
Sau khi thỏa thuận, các cá nhân thu tiền của người mua với giá cao, hứa hẹn trả cho người bán giá thấp để trục lợi. Tiếp đó, họ hợp thức hóa bằng việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để đưa người mua, người bán vào bệnh viện ghép tạng.
Đáng chú ý, nhiều can phạm từng là nạn nhân của loại tội phạm này nên biết về lợi nhuận cao rồi cấu kết, móc nối với người khác hoạt động phạm tội.
Trong đó thận là phổ biến nhất với số tiền giao dịch mua bán từ 700 triệu đến một tỷ đồng.
Nếu giao dịch thành công, người môi giới có thể hưởng lợi từ 150 triệu đến 250 triệu đồng.
Thời gian qua lực lượng công an đã đấu tranh làm rõ nhiều đường dây tổ chức mua bán mô, bộ phận cơ thể người.
Điển hình là chuyên án bắt giữ băng nhóm chuyên môi giới mua bán thận từ Việt Nam sang Campuchia, do Cục Cảnh sát hình sự triệt phá.
Việt Hương (T/h)