"Đây là lúc mà chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc theo đúng Luật viên chức hiện hành đối với giáo viên chứ không phải thí điểm giáo viên...", ông Triệu Thế Hùng nói.
Trước thông tin Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra về việc sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên, nhiều ý kiến quan ngại, cách làm này xóa bỏ các “rào cản” trong quy trình tuyển dụng và tạo cơ hội cho những giáo viên đủ năng lực, trình độ được cống hiến?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Triệu Thế Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: “Đây là vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm của cả xã hội, vì vậy tôi cho rằng cần phải nhìn việc này từ căn cứ pháp lý.
Theo chính sách, pháp luật hiện hành của Việt Nam thì giáo viên không phải là công chức. Cơ sở giáo dục công lập là những cơ quan sự nghiệp của nhà nước, nên giáo viên công tác tại các cơ sở giáo dục công lập là viên chức nhà nước được hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định Luật Viên chức hiện hành”.
PGS.TS Triệu Thế Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Cũng theo quan điểm của PGS. Triệu Thế Hùng, thực tế hiện nay thì giáo viên các cấp học trong hệ thống giáo dục Việt Nam đang là viên chức nhà nước, sau khi được xét tuyển đủ điều kiện vào viên chức thì sẽ thực hiện ký hợp đồng lao động có thời hạn, hợp đồng không thời hạn và giáo viên sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ theo như cam kết có trong hợp đồng, nếu không hoàn thành nhiệm vụ công tác thì sẽ bị chấm dứt hợp dồng lao động theo Luật Viên chức và các quy định của pháp luật.
“Lâu nay, có thể chúng ta thực hiện chưa triệt để tức là chỉ tuyển vào và chưa có chấm dứt hợp đồng khi mà giáo viên trong thời gian dài công tác không hoàn thành nhiệm vụ và có những giáo viên khi được tuyển rồi thì có tâm lý là đã “định biên” chắc chắn rồi và thiếu đi sự phấn đấu về nghiệp vụ và chuyên môn.
Tôi nghĩ rằng, để khắc phục điều này, đây là lúc mà chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc theo đúng Luật viên chức hiện hành đối với giáo viên chứ không phải thí điểm giáo viên sẽ không còn là công chức, viên chức nữa. Nếu giáo viên cơ sở giáo dục công lập mà không là viên chức thì sẽ là gì, đặt giáo viên ở đâu trong mã ngạch hành chính – sự nghiệp?”, PGS.Hùng nêu quan điểm.Đại diện trường PTTH Lương Thế Vinh cho rằng, hiện nay, vấn đề cần giải quyết là chúng ta đào tạo giáo viên nhưng có vùng thừa trầm trọng, có những vùng lại thiếu; Bộ môn này thừa nhưng bộ môn khác lại thiếu. Nhất là giáo viên tiếng Anh vùng sâu, vùng xa.
Có nhiều người đã đưa ra ý kiến, để giải quyết việc thừa thiếu giáo viên giữa các vùng miền thì cần bỏ công chức, viên chức, thay vào đó là chế độ hợp đồng và luân phiên giáo viên lên vùng khó khăn.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi không còn viên chức, công chức thì giáo viên hưởng lương từ đâu? Rồi hiệu trưởng có thể nhận giáo viên năm nay nhưng sang năm không nhận nữa? Có thể cho giáo viên nghỉ giữa chừng hay thế nào? Hay ký hợp đồng 2 năm nhưng nếu chỉ dạy được 1 năm mà giáo viên tự ý bỏ việc thì sẽ làm sao?
Cũng theo vị này, việc bỏ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng tôi nghĩ ưu điểm lớn nhất là để cho giáo viên phải luôn luôn nỗ lực, luôn luôn cố gắng để khẳng định chất lượng học sinh của mình và không được phép chểnh mảng.
“Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận với nhau, hiện nay có một bộ phận giáo viên không thực sự say mê với nghề, không tâm huyết, chỉ lên lớp cho có, hết giờ thì về nhà, không có trách nhiệm mà vẫn nhận lương. Điều đó sẽ khiến giáo dục trở nên trì trệ hơn. Nay chúng ta thay bằng chế độ hợp đồng, buộc giáo viên phải “vận động” để được ký hợp đồng vào những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, khi triển khai phải có lộ trình rõ ràng và phải đồng bộ. Bởi lẽ, nếu không thực hiện một cách đồng bộ, số giáo viên kém chất lượng, không có hợp đồng quá nhiều, không biết làm gì cũng ảnh hưởng đến xã hội”, ông Hùng này nói.
Hương Lan