(ĐSPL) - Thời gian gần đây, bạn hẳn đã nghe nhiều về "đồng tiền ảo" Bitcoin, vậy bạn biết gì về đồng tiền ảo này?
|
Bitcoin - Đồng tiền ảo giá trị nhất thế giới. |
Bitcoin thực sự là gì? Nó được tổ chức nào phát hành và bảo đảm?
Bitcoin là một loại “tiền ảo”, hay nói đúng hơn là một loại giá trị quy đổi trên mạng được công nhận bởi một cộng đồng người dùng máy tính, nó không được sự đảm bảo về pháp lý, giá trị, khả năng thanh khoản bởi bất kì một tổ chức tài chính nào. Bitcoin được lưu hành trong một “hệ thống thanh toán ngang hàng” (peer-to-peer payment system) nhờ vào một phần mềm chia sẻ ngang hàng mã nguồn mở được nhà phát triển người Nhật Satoshi Nakamoto giới thiệu năm 2009. Hệ thống thanh toán ngang hàng này bao gồm hàng triệu máy tính cá nhân trên khắp thế giới kết nối với nhau, và không chịu sự chi phối của bất kì một tổ chức hay cá nhân nào.
Trữ lượng Bitcoin là bao nhiêu? Chúng ta có thể tìm thấy chúng ở đâu?
Trữ lượng Bitcoin hay tổng số đồng Bitcoin sẽ được phát hành là 21 triệu đồng. Năm 2013 có 25 đồng Bitcoin được phát hành sau mỗi 10 phút, con số này sẽ giảm đi 1 nửa sau mỗi 4 năm. Theo dự kiến đến năm 2140 số lượng Bitcoin sẽ được phát hành hết. Lượng Bitcoin này được phát hành trong những “mỏ Bitcoin” và phân phối tới người dùng thông qua một hệ thống các thuật toán mã hóa.
Vậy “mỏ Bitcoin” là gì? Hoạt động “khai mỏ Bitcoin” được thực hiện như thế nào?
“Mỏ Bitcoin” thực ra là một nhóm các máy tính của người dùng cá nhân hợp tác với nhau để cùng tham gia vào “hệ thống thanh toán ngang hàng” của Bitcoin. Bạn có thể tưởng tượng, những “mỏ Bitcoin” này là các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbak, ACB,... Còn “hệ thống thanh toán ngang hàng” là nền tài chính Việt Nam. Các ngân hàng giúp đồng tiền của Việt Nam lưu thông trong nền kinh tế, ngân hàng là đơn vị trung gian trong việc thực hiện các giao dịch chuyển, nhận, thanh toán tiền giữa các cá nhân, tổ chức. Khi ngân hàng nhà nước phát hành tiền tệ, lượng tiền này sẽ được đưa vào các ngân hàng rồi phân phối tới các đơn vị của nền kinh tế.
Hoạt động “khai mỏ Bitcoin” là đưa các máy tính tham gia vào các “mỏ Bitcoin” để giúp duy trì hoạt động của “hệ thống thanh toán ngang hàng”, và sau những khoảng thời gian nhất định, bạn sẽ nhận được một khoản tiền thưởng là chính những đồng Bitcoin mới được phát hành. Việc này giống như việc bạn đi làm tại các cơ quan nhà nước, và cuối tháng chính phủ sẽ phát hành tiền để trả lương cho bạn. Một máy tính “đào mỏ” chuyên dụng mỗi ngày có thể kiếm được khoảng 0,1 Bitcoin, nếu so sánh với giá Bitcoin vòa thời điểm này là khoảng 400-500 USD/1 Bitcoin thì đây là một khoản thu không hề nhỏ.
|
Sự hấp dẫn của Bitcoin khiến nhiều người đổ tiền đầu tư để "khai mỏ" đồng tiền này |
Bitcoin được lưu trữ như thế nào? Giao dịch Bitcoin được thực hiện ra sao?
Bitcoin sau khi được “đào” sẽ được lưu trữ trong “Ví Bitcoin” (Bitcoin Wallet). Những “ví điện tử” này bao gồm 1 mã định danh hay ID xác thực, một khóa bí mật và 1 khóa công khai. Ví Bitcoin được mã hóa bằng khóa bí mật mà chỉ mình chủ sở hữu của ví mới biết, và có thể lưu trữ trong máy tính mà không cần cất giữ trên những kho lưu trữ trực tuyến. Nó không khác gì so với việc bạn giữ tiền mặt trong nhà thay vì gửi tiền tại ngân hàng. Phương pháp lưu trữ này vô cùng tiện lợi và cũng khá an toàn.
Khi bạn muốn “tiêu tiền” bạn kết nối ví điện tử này với “hệ thống thanh toán ngang hàng” và thực hiện chuyển tiền tới ví điện tử của người nhận. Giao dịch này sẽ chỉ có mã định danh của ví gửi tiền và ví nhận tiền, những mã này không được gắn với thông tin của bất kì cá nhân nào. Để tăng cường tính bảo mật, giao dịch này được thực hiện theo kiểu chia sẻ ngang hàng, người gửi tiền gửi giao dịch lên hệ thống, giao dịch sẽ được gửi tới hàng nghìn máy tính bất kì trong hệ thống, những máy tính này lại tiếp tục gửi giao dịch đến hàng nghìn máy khác, việc này được lặp lại rất nhiều lần, và ví nhận tiền có thể nhận được vào bất kì thời điểm nào. Điều này khiến cho việc xác định nguồn gốc của các giao dịch trở nên “vô cùng khó khăn”, và các cơ quan công quyền không có cách nào để kiểm soát được các hoạt động chuyển tiền này.
Bạn cứ tưởng tượng bạn chuyển cho một người bạn thân 100 đô và nhờ người bạn đó mua 1 món đồ trên Amazon, người bạn đó lên mạng và đặt hàng tại một trang web chuyên mua hộ đồ trên Amazon cho khách hàng Việt Nam. Sau đó trang web này mua món hàng, và chuyển về cho người bạn thân của bạn trước khi người bạn này chuyển món đồ đến cho bạn. Khi đó nếu Amazon muốn tìm được khách hàng thật sự của mình là một điều hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, do thời gian qua Bitcoin đã được sử dụng trong các hoạt động rửa tiền và mua bán hàng quốc cấm, nên chính phủ của các quốc gia có sàn giao dịch Bitcoin đã yêu cầu các sàn này phải lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng.
|
Giao dịch Bitcoin được thực hiện theo kiểu lan truyền trên mạng. |
Bitcoin được định giá dựa vào đâu? Bitcoin có mua được những món hàng nhỏ hay không?
Bitcoin cũng giống như vàng, được định giá dựa vào 2 yếu tố: mức độ khan hiếm và nhu cầu thị trường. Khác với những đồng tiền ảo khác, Bitcoin có trữ lượng rất hạn chế và việc khai mỏ đồng tiền này cũng vô cùng khó khăn, tốn kém. Đặc tính này của Bitcoin rất giống vàng, nên khó xảy ra tình trạng lạm phát với đồng tiền này. Do tính bảo mật cao và tránh được sự dòm ngó của cơ quan công quyền, nên đồng tiền này được “ thế giới ngầm” cực kì ưa chuộng để thực hiện các hoạt động kinh tế “bẩn” như rửa tiền, mua bán ma túy, hay buôn lậu vũ khí, với các trang “chợ đen” như Silk Road hay Sheep Marketplace. Chính việc “thế giới ngầm” đổ tiền vào mua Bitcoin đã khiến Bitcoin tăng giá chóng mặt và có lúc đạt 1200 USD/1 Bitcoin (tương đương với 1 Ounce vàng).
1 đồng Bitcoin được chia thành 100 triệu đơn vị nhỏ được gọi là satoshi. Nếu vào thời điểm cao nhất 1 Bitcoin có giá khoảng 25 triệu VNĐ, thì khi đó 1 satoshi ~ 0,25 Việt Nam Đồng, như vậy nếu đem ra thanh toán, bạn hoàn toàn có thể dùng Bitcoin để mua 1 cây kẹo mút.
Tuy nhiên, do không được đảm bảo bởi bất kì một tổ chức tài chính nào khiến cho việc đầu tư và sở hữu trở nên vô cùng mạo hiểm, vì giá trị của Bitcoin vẫn hoàn toàn là ảo. Như vụ sập sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới Mt.Gox vừa qua đã khiến các nhà đầu tư thiệt hại vô cùng lớn khi đồng Bitcoin đã mất tới 60\% giá trị. Đó là chưa tính đến nguy cơ “trộm cắp” đến từ tin tặc.
Đức Thọ
Clip hoạt động "khai mỏ" Bitcoin của dân đầu tư.