Biến thể Lambda được phát hiện lần đầu tại Peru, quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới. Ảnh minh họa
Tờ Japan Times đưa tin, ngành y tế Nhật Bản ngày 6/8 đã thông báo về trường hợp nhiễm biến thể Lambda đầu tiên tại nước này. Đó là một nữ công dân Nhật trở về từ Peru hôm 20/7, nhập cảnh tại sân bay quốc tế Haneda và không có triệu chứng nhiễm COVID-19.
Kết quả phân tích của viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản sau đó xác nhận nữ bệnh nhân nhiễm biến thể Lambda.
Biến thể Lambda của virus SARS-CoV-2, còn được gọi là C.37, lần đầu tiên được phát hiện ở Peru vào tháng 11/2020. Theo thống kê của WHO, khoảng 81% người nhiễm COVID-19 ở Peru kể từ tháng 4/2021 là nhiễm biến thể Lambda.
Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, với 595 ca tử vong trên 100.000 người, tỷ lệ cao hàng đầu thế giới.
Theo sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID, biến thể Lambda đang có nguy cơ trở thành biến chủng chủ đạo ở Nam Mỹ và khiến số ca mắc COVID-19 tăng cao ở Argentina, Colombia, Ecuador, Chile, Uruguay và Paraguay.
CDC Mỹ cũng đã phát đi cảnh báo rằng, hiện có hơn 1.300 ca nhiễm biến thể Lambda được xác nhận ở 44 bang của Mỹ tính đến ngày 4/8.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Lambda là “biến chủng đáng quan tâm”, biến thể bị nghi ngờ có khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng gốc hoặc có khả năng kháng vaccine ngừa COVID-19 cao hơn. Một khi có thêm bằng chứng cho thấy một biến chủng đạt được cả 2 điều kiện trên, nó sẽ được phân loại lại là "biến thể đáng lo ngại".
Mặc dù đến nay chưa thể xác định liệu biến thể Lambda có nguy hiểm hơn biến thể Delta hay không nhưng tiến sĩ Kei Sato, nhà nghiên cứu cao cấp của Đại học Tokyo, cảnh báo biến thể Lambda có thể trở thành "mối đe dọa tiềm tàng" với xã hội loài người.
Hiện biến thể Lambada đã xuất hiện tại 41 quốc gia trên thế giới.
Hoa Vũ (T/h)