Thương ngày nắng về của đạo diễn Bùi Tiến Huy được chuyển thể từ kịch bản phim Hàn Quốc Mother of mine. Bộ phim xoay quanh những mâu thuẫn trong gia đình và cuộc sống của những cô con gái nhà bà Nga béo (NSND Thanh Quý). Nếu ở phần một, bộ phim nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực vì tình tiết nhân văn, xử lý tình huống gọn gàng thì càng sang phần hai, bộ phim liên tục có những tình tiết gây tranh cãi dữ dội.
Poster phim Thương ngày nắng về.
Trong những tập gần đây của phim, nhân vật Vân Khánh (Lan Phương) sống trong đau khổ khi chồng đem tiền của nhà đi đầu tư rồi thua lỗ, ngày ngày đều sống trong lời chì chiết của mẹ chồng, chị chồng. Bi kịch đẩy lên đỉnh điểm trong tập 20, cô bị chính chị chồng giăng bẫy, gán cho tội lăng loàn. Hôn nhân của Khánh và Đức vì vậy cũng đến bờ vực tan vỡ.
Sau khi nội dung này lên sóng, phim gây tranh cãi gay gắt. Dù Lan Phương diễn xuất tốt, thể hiện được chiều sâu tâm lý nhân vật, nỗi đau tột cùng và sự giằng xé, người xem vẫn đặt ra nhiều câu hỏi.
Trên fanpage của bộ phim, khán giả phẫn nộ vì đạo diễn và biên kịch đã đẩy Khánh vào bi kịch, chỉ trích nhân vật của Hồng Đăng không biết bảo vệ vợ đồng thời khen diễn xuất tinh tế của Lan Phương.
Khánh đau khổ khi Đức không tin mình.
"Biết là phim làm lại từ kịch bản Hàn Quốc nhưng về Việt Nam thì có thể chỉnh sửa để phù hợp với văn hóa Việt Nam, chứ phim đang làm quá hơn cả kịch bản Hàn với những tình tiết ám ảnh tâm lý người xem. Nội dung phần 2 thiếu logic, thiếu tính nhân văn, bị cường điệu hóa…
Phim là đời nhưng đời quá khổ rồi muốn xem phim để đi tìm những giá trị nhân văn những điều tốt đẹp để làm động lực cho cuộc sống. Ai ngờ xem phim lại càng mệt mỏi, ức chế hơn", một khán giả đăng tải trên Hội yêu phim Việt Nam.
Nhiều người khác cũng để lại bình luận thể hiện sự đồng tình với ý kiến này: "Mình đồng quan điểm với bạn. Xem ức chế, mệt mỏi và không muốn theo dõi tiếp", "Đạo diễn và biên kịch đã đi quá xa khi xây dựng nhân vật phản cảm gây phản ứng ngược của bộ phim ở phần một. Nên chỉnh sửa cho thêm tính nhân văn chứ càng xem sẽ khiến phần đông khán giả ức chế".
Sáng ngày 18/5, biên kịch Thu Thủy đã có bài chia sẻ dài sau một đêm bùng nổ tranh cãi liên quan đến kịch bản phim do cô viết.
"Trong mười mấy năm làm nghề, mình không có nhiều những thời điểm lo lắng đến thế, khi một tập phim phát sóng. Vì mình biết kịch bản thế nào, vì đạo diễn từng nói anh phát điên phát khóc trong phòng dựng thương cho Khánh, và vì chính bản thân mình, một chiều thứ 7 ở phòng hậu kỳ xem tập phim, đã lặng đi rất lâu vì uất ức, xót xa, dồn nén, bất lực…
Cho dù chúng mình có là người tham gia tạo ra câu chuyện đi chăng nữa, cảm giác đó vẫn dâng lên ngột ngạt, thì huống hồ gì là khán giả. Năm ngoái, trong lúc chạy chuyện, nhóm nội dung bàn tình huống với nhau, khi đến đây có phần khựng lại, nói thế này thương cho Khánh quá. Đêm ấy, mình nghĩ về Khánh thôi, đã chảy cả nước mắt. Vậy có làm không? Cân nhắc, bàn luận, phân tích. Rồi chúng mình vẫn làm", biên kịch Thu Thủy chia sẻ.
Nhân vật Khánh được cho là chịu quá nhiều bi kịch trong phim.
Biên kịch Thu Thủy nhấn mạnh điều cô cùng ê-kíp muốn khai thác là sức mạnh của sự tuyệt vọng: “Khánh, chưa bao giờ là người phụ nữ hoàn hảo. Cô ấy đầy vấn đề, đầy thiếu sót, luôn loay hoay với việc sắp xếp cuộc đời mình. Nhưng có một thứ cô ấy trọn vẹn và đẹp đẽ, là tình yêu thương với 2 đứa con, là ước ao cho chúng một sự đủ đầy thương yêu nhất…
Hành trình của Khánh, gian truân, trầy xước, và chúng mình, người tạo ra những vết thương cho nhân vật, không dễ dàng gì. Khi yêu câu chuyện của mình, yêu nhân vật của mình, thì nỗi đau của nhân vật, chúng mình chính là những người trải nghiệm đầu tiên”.
Chia sẻ thêm, cô nhắc đến NSND Lan Hương khi nhận phản ứng gay gắt của khán giả vì vai mẹ chồng quá quắt: "Cô Hương Bông nói “quan điểm của tôi là làm việc gì cũng phải làm đến nơi đến chốn, muốn thể hiện vai diễn cũng phải thật đến nơi đến chốn”.
NSND Lan Hương vào vai mẹ chồng tai quái.
Chúng mình đồng cảm với cô Hương Bông vô cùng, và mình tin những người làm nghề cũng sẽ có nhiều chia sẻ với điều đó. Trong cuộc sống và cả trong nghề nghiệp nữa, cái cụm từ “đến nơi đến chốn” tưởng như nhẹ tựa lông hồng vậy thôi, nhưng thật ra, nó luôn luôn là những lựa chọn không dễ dàng gì. Để không thành kẻ đẽo cày giữa đường, để không thành gió chiều nào che chiều ấy, thì rõ ràng, một người làm nghề cũng cần phải dần làm quen với lời chỉ trích, dù với câu chuyện, hay với nhân vật, hay là chính bản thân mình”.
Bên cạnh việc trải lòng về nhân vật Khánh, Thu Thủy cho biết cô cùng ê kíp làm phim thực tâm đón nhận những phẫn nộ, chỉ trích, đồng cảm, góp ý và những đòi hỏi của khán giả. "Cảm ơn các bạn đã Thương, đã yêu, đã xót xa, phẫn nộ, đã yêu cầu và đòi hỏi với Ngày nắng về, ở khía cạnh nào, chúng mình cũng luôn thấy đó là động lực để cố gắng và hoàn thiện nhiều hơn cho chặng đường sắp tới", cô viết.
Bích Thảo (T/h)
Ảnh chụp màn hình, VFC