Theo luật sư, hành vi tung tin bịa đặt trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận có thể bị xử phạt hành chính. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về việc UBND thành phố Hà Nội nhận được công văn của Hiệp hội các doanh nghiệp xăng dầu tại Hà Nội đề xuất UBND thành phố ra quyết định cấm cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn Hà Nội đổ xăng tại trạm xăng Nhật Bản Idemitsu Q8 (IQ8).
Tuy nhiên, trao đổi trên báo chí, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam khẳng định Hiệp hội không có bất cứ văn bản nào gửi lên UBND thành phố đưa ra đề xuất vô lý như trên.
Ông Ruệ khẳng định đó là tin bịa đặt và đề nghị mọi người cảnh giác với những thông tin vô căn cứ như vậy.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi với hành vi bịa đặt như trên, người tung tin sẽ bị xử lý như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Kim Thoa (Công ty Luật TNHH MTV QTC) dẫn Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (điểm a, khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP).
Luật sư Hoàng Kim Thoa (Công ty Luật TNHH MTV QTC) |
“Như vậy, nếu có căn cứ chứng minh có hành vi "Bịa đặt đề xuất cấm công chức đổ xăng tại trạm xăng Nhật" thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo quy định nêu trên; Ngoài quy định chung nêu trên, tùy theo từng lĩnh vực, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý riêng theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đó” – Luật sư Thoa nói.
Luật sư Thoa cho biết thêm, ngoài ra theo quy định của Bộ luật dân sự 2015: Tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến danh dự, uy tín của cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trình tự, thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Cũng theo luật sư Thoa, những trường hợp nghiêm trọng, tùy vào từng trường hợp cụ thể, người tung tin đồn có thể bị truy cứu hình sự về tội “Vu khống” (điều 122 Bộ Luật Hình sự, khung hình phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tù); tội “Sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính” (điều 226 Bộ Luật Hình sự, khung hình phạt từ 6 tháng đến 5 năm tù
Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội vu khống như sau: Điều 122. Tội vu khống: 1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với nhiều người; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người thi hành công vụ; e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ Luật hình sự 1999, b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hoá những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên; d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” |
Tiểu Phương (ghi)