(ĐSPL) - Bị vợ cằn nhằn khi đi nhậu về, sẵn hơi men trong người Huấn khóa cửa rồi đổ xăng châm lửa đốt nhà làm 2 con gái bị bỏng nặng.
Theo báo Công lý, ngày 20/12, Công an huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) cho biết đang tạm giữ Bùi Văn Huấn (SN 1982, trú xóm Rãnh, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc) để điều tra, làm rõ về hành vi tẩm xăng đốt nhà khiến hai con bị bỏng nặng.
Công an khám nghiệm hiện trường vụ việc - Ảnh: báo Công lý |
Báo Dân Việt đưa tin, khoảng 20h ngày 17/12, Huấn đi uống rượu về thì bị vợ là chị Đ.T.V cằn nhằn. Sau đó, hai người xảy ra mâu thuẫn cãi vã.
Bực tức, Huấn đuổi 3 người con ra ngoài để đốt nhà. Các con Huấn không chịu ra nhưng đối tượng vẫn đổ xăng ra nhà rồi châm lửa đốt. Do nhà Huấn có nhiều cây cỏ dễ cháy nên ngọn lửa bùng phát nhanh.
Thấy lửa bùng phát mạnh, chị V. vội gọi các con chạy ra ngoài, còn Huấn lao vào cứu con nhưng chỉ bế được một cháu ra ngoài, hai cháu B.T.T (SN 2003) và B.T.C (SN 2007) không chạy kịp nên bị bỏng nặng.
Phát hiện cháy, người dân xung quanh chạy đến dập tắt ngọn lửa, đồng thời đưa các nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu. Hiện, hai cháu T. và C. vẫn đang được điều trị tích cực tại Viện bỏng Trung ương.
Lãnh đạo Công an huyện Đà Bắc cho biết: Sau khi xảy ra sự việc, chị V. bao che cho chồng nên khai với cơ quan điều tra là con nghịch ngợm dẫn tới hỏa hoạn.
Tuy nhiên, Huấn đã thừa nhận hành vi châm lửa đốt nhà khiến 2 con bị bỏng. Gia đình Huấn có hoàn cảnh khó khăn, vợ đối tượng đang mang thai cháu bé thứ 4. Do vậy, cơ quan điều tra không bắt giữ Huấn để đối tượng có thời gian chăm sóc các con tại bệnh viện.
Điều 104. Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; E) Có tổ chức; G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)