Báo chí là cầu nối vững chắc
Nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Người Đưa Tin đã được lắng nghe chia sẻ, đánh giá về những đóng góp của báo chí trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước; những thách thức đối với người làm báo hiện đại.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của báo chí nước nhà, bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng - báo chí Việt Nam trong suốt 97 năm qua đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng, đóng góp cho sự thành công của sự nghiệp cách mạng cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
“Với góc nhìn của một địa phương, tôi nhận thấy báo chí đã thực sự thể hiện vai trò là cầu nối vững chắc giữa người dân với chính quyền, giữa người dân với Đảng, với Quốc hội. Thông qua báo chí, người dân nắm được, biết được chủ trương, đường lối của Đảng, ngược lại thông qua báo chí các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng biết được những bức xúc, mong muốn nguyện vọng chính đáng của người dân cần phải tháo gỡ”, bà Hải chia sẻ.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Như Ý).
Khẳng định nghề báo là một nghề nguy hiểm, nhiều cám dỗ, nhưng bà Hải cũng đánh giá cao khi các phóng viên, nhà báo đã thể được bản lĩnh trong quá trình tác nghiệp. Họ đã mang tiếng nói chân thực nhất của người dân đến với các cấp chính quyền, phổ biến được nội dung chính sách, quy định của Nhà nước đối với người dân để tìm sự đồng thuận.
Nói thêm về sự phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan công quyền và báo chí, bà Hải cho rằng tất cả đã được quy định trong luật.
Bà nhấn mạnh: “Sự phối hợp giữa nhà báo với các cơ quan, các doanh nghiệp theo tôi thấy có sự kết hợp rất chặt chẽ. Nhà báo rất đồng hành, chia sẻ với các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp làm sao đạt được mục đích là đóng góp một cách tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước”.
Nhiều vụ việc tiêu cực được báo chí phanh phui
Cũng đánh giá về đóng góp của báo chí nước nhà, ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa - nhận định, trong xu thế toàn cầu hoá trên thế giới, công tác thông tin, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
Ông nhấn mạnh báo chí là kênh thông tin có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống của xã hội, nhất là trong xã hội hiện đại. “97 năm qua, lực lượng báo chí nước ta đã không ngừng phát triển vượt bậc cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu”, ông nói.
Báo chí nước ta đã thể hiện được vai trò là vũ khí quan trọng trên mặt trận tư tưởng- văn hoá, hướng dẫn nhận thức và hành động cho công chúng theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, là công cụ tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đến với xã hội.
“Báo chí nước ta đã làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, vừa là diễn đàn của Nhân dân, thời gian qua báo chí đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế, đấu tranh chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện dân chủ đời sống xã hội”, ông Trí nhấn mạnh.
Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Hoàng Bích).
Theo ông Trí, nội dung, hình thức báo chí ngày càng phong phú, đa dạng; phương tiện kỹ thuật chế bản, in ấn ngày càng hiện đại; hệ thống truyền dẫn thông tin, khai thác, thu nhận thông tin ngày càng được hiện đại hoá.
Đội ngũ những người làm báo có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở hạ tầng thông tin ở nước ta bao gồm mạng lưới viễn thông và internet đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đang dần trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội.
Nói về những ưu điểm của báo chí, ông Trí cho biết thêm điểm nổi bật trong thời gian qua là báo chí đã thông tin nhanh, kịp thời giúp các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân trong xã hội nắm bắt tình hình, có cái nhìn tổng quan về các vấn đề của đất nước và trên thế giới.
Đồng thời, báo chí giúp cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách có được lượng thông tin ngày càng lớn, đa chiều và chi tiết hơn các mặt của đời sống xã hội cả mặt tích cực và tiêu cực.
Đặc biệt, với tư cách là cơ quan ngôn luận, báo chí đã phản ánh kịp thời các nội dung nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và ý kiến của người dân, của chuyên gia về tác động của chính sách.
“Thông qua hoạt động giám sát, báo chí đã phản ảnh nhiều vụ việc lợi dụng chính sách để tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, là cơ sở thông tin để các cơ quan có chức năng điều tra, thanh tra, kiểm tra làm rõ. Rất nhiều trường hợp, nhiều vấn đề được báo chí quan tâm, phản ánh mạnh mẽ, tạo dư luận xã hội, buộc các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ xử lý hoặc nghiên cứu đề ra chính sách”, ông Trí nói.
Theo vị đại biểu này, báo chí nước ta cũng đã góp phần quảng bá, giới thiệu về đất nước, văn hoá con người của Việt Nam ra thế giới. Từ đó, các nước trên thế giới hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam.
Ngoài những mặt nêu trên, ông Trí cũng cho rằng hiện nay, trước sự phát triển nhanh các mạng xã hội báo chí cũng gặp phải nhiều thách thức. Vì thế, báo chí Việt Nam phải thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và diễn đàn của nhân dân.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, báo chí phải nêu cao bản lĩnh chính trị, đấu tranh kịp thời các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá cuộc cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, chống các khuynh hướng sai trái trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; Phải có chiến lược hoạt động trên cơ sở phát triển đa nền tảng, tăng tính tương tác để đáp ứng yêu cầu định hướng xã hội.
Mặt khác, báo chí cần chú ý tránh phản ánh quá mức, tô hồng hoặc bôi đen sự việc, cần phản ánh đúng sự việc, nói đúng quan điểm, tôn chỉ, mục đích, đúng chủ trương, đường lối, chính sách, khi cung cấp thông tin cần tuân thủ nguyên tắc tôn trọng sự thật, phản ánh đúng bản chất vấn đề.
“Báo chí phải hướng đến mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, sáng tạo cho phát triển bền vững, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hoá của đất nước trong thời đại mới. Đồng thời, tiếp tục phát huy những mặt tích cực của báo chí trong việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Trí bày tỏ.
Đại biểu đoàn Khánh Hòa cũng gợi ý, trước tác động của chuyển đổi số, báo chí nước ta cần coi trọng nhu cầu, tâm lý, thói quen của người đọc; những vấn đề cấp bách của xã hội được đề cập, phản ánh, giải đáp trên các loại hình báo chí phải có sức thuyết phục, hấp dẫn tạo niềm tin trước những vấn đề nóng bỏng, bức xúc đặt ra trong cuộc sống và trước những thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt.
Vì vậy, báo chí nước nhà cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số ở tầm vĩ mô, từng cơ quan báo chí nhằm có những sản phẩm báo chí chất lượng, độ tin cậy cao, sử dụng công nghệ thông tin để chiếm thị phần trên không gian mạng. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh chuyển đổi số.
Thu Huyền - Hoàng Bích
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số đặc biệt kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6