Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí thư Bình Phước nói gì về vụ hai Phó giám đốc sở đánh nhau?

(DS&PL) -

(ĐSPL)- "Vụ việc này có tính chất rất nhạy cảm và nghiêm trọng vì liên quan đến cán bộ đảng viên. Trước mắt, tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ làm rõ, có hình thức xử lý nghiêm với hai Phó giám đốc này", Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước Nguyễn Tấn Hưng nói.

(ĐSPL)- Sự việc bi hài gây xôn xao dư luận những ngày qua chính là vụ Phó giám đốc Sở Ngoại vụ và Phó giám đốc sở Nội vụ tỉnh Bình Phước đánh nhau trong quán nhậu khiến một vị phải nhập viện.
Hiện có nhiều thông tin trái chiều về sự việc này, có ý kiến cho rằng, tại sao đường đường là hai cán bộ lãnh đạo mà họ lại hành xử với nhau theo kiểu chợ búa như vậy? Trong khi đó, người trong cuộc đã lên tiếng thanh minh chỉ là "sự hiểu nhầm".
Vậy sự thật về việc này là gì? Dẫu giải thích như thế nào, nó cũng đang khiến dư luận thêm bất bình về lối hành xử kém văn hoá, côn đồ của một số cán bộ, công chức. Thậm chí có vụ còn "sặc mùi xã hội đen" như dư luận đã biết thời gian qua...
Vì sao hai Phó Giám đốc Sở đánh nhau?
Ghi nhận của PV báo Đời sống và Pháp luật tại tỉnh Bình Phước được biết, sau khi kết thúc buổi học dành cho chuyên viên chính, ông Phạm Thành Chung Phó Giám đốc Sở Nội vụ, và ông Bùi Quốc Khánh Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ đều có hẹn đi nhậu với khách tại nhà hàng karaoke B.T.
Trong lúc nhậu, giữa hai bên đã uống với nhau khá nhiều bia. Lúc này, ông Khánh cầm ly đi mời một số người trong bàn nhưng lại quên mời đồng cấp nên khiến ông Chung buông những lời nặng nhẹ?! Thấy cãi nhau ồn ào, nhiều người ngồi cùng đứng dậy can ngăn nên hai vị Phó Giám đốc Sở tiếp tục ngồi lại và hát tiếp với nhau. Đến chiều, khi ăn nhậu xong, đợi khách ra về hết ông Chung đã mời ông Khánh ở lại để nói chuyện.
Tuy nhiên, trong lúc nói chuyện giữa hai người đã xảy ra mâu thuẫn và có lời qua tiếng lại. Không kiềm chế được bản thân, ông Khánh liền lấy ly bia để trên bàn hắt thẳng vào người ông Chung rồi đánh vào đầu khiến ông này bị thương.
Chị Nguyễn Thị H., nhân viên quán karaoke B.T cho biết: "Vào 14h ngày 12/8, tôi thấy một nhóm người ăn mặc rất lịch sự đến đặt phòng để hát karaoke. Trong lúc hát, họ có gọi thức ăn và bia lên nhậu, sau đó, tôi đi xuống. Chiều tối, tôi được giao nhiệm vụ lên thanh toán tiền và dọn phòng. Nhưng vừa tới cửa, tôi nghe có tiếng la hét. Thấy vậy, tôi đã chạy xuống nói với một đồng nghiệp, rồi cả hai chúng tôi gõ cửa đi vào bên trong xem có chuyện gì không. Khi bước vào phòng, tôi thấy mấy chai bia bị đập văng tung tóe khắp sàn nhà. Bên cạnh đó là một vài vết máu và người đàn ông với những vết thương trên người”.
Quán karaoke nơi xảy ra vụ đánh nhau giữa hai vị Phso giám đốc Sở.
Được biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, nhân viên quán karaoke B.T đã gọi xe và đưa ông Chung tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước để điều trị. Tại bệnh viện, các bác sỹ khám và cho biết, ông Chung phải điều trị. Ngay đêm hôm đó, ông Chung được xuất viện và về nhà tiếp tục tự điều trị thêm.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, sáng 22/8, PV báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với sở Nội vụ tỉnh Bình Phước. Tại đây, PV được ông Vũ Đức Sơn, Phó Giám đốc sở kiêm người phát ngôn cho biết: "Ông Chung là người trầm tính, hiền lành và có nhân cách của một người cán bộ nên được rất nhiều đồng nghiệp quý mến. Sự việc hôm 12/8 xảy ra ngoài ý muốn, do có chút men nên mới có chuyện như vậy”.
Ông Nguyễn Văn Tư, Phó Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Bình Phước cũng cho biết thêm: "Trước giờ, anh em, bạn bè và đồng nghiệp rất quý ông Chung. Vì ông ấy là người có công tác tổ chức chính quyền lâu năm, hơn nữa lại rất hiền, đối xử với mọi người thân thiện, hòa nhã".
Có mặt tại trụ sở UBND tỉnh Bình Phước, PV được biết, hiện UBND tỉnh xác nhận việc mâu thuẫn và xô xát nhau giữa ông Chung và ông Khánh là có thật. Hiện, UBND tỉnh có văn bản gửi tới sở Nội vụ và sở Ngoại vụ yêu cầu hai sở tiếp tục báo tình hình để có hướng giải quyết. Ban đầu, được biết hai vị Phó Giám đốc đã gặp và xin lỗi nhau về sự việc vừa qua.
Trưa ngày 22/8, PV đã liên hệ và gặp gỡ ông Bùi Quốc Khánh và ông Phạm Thành Chung tại một quán cà phê trên địa bàn thị xã Đồng Xoài để biết thêm thông tin và họ cho rằng sự việc xảy ra hôm đó chỉ là từ một sự hiểu nhầm nhỏ?!
Được biết, ngày 12/8, ông Khánh được mấy người bạn mời đến quán B.T để hát karaoke. Khi tới nơi thì đi vào nhầm phòng, nhưng lại gặp ông Chung cũng đang ngồi ở đó. Lúc này, ông Khánh đi vào chào hỏi, rồi lấy bia ra mời và hai bên cùng uống. ông Khánh cho biết: "Thấy ông Chung đứng dậy và đưa ly ra cụng, tôi vội đưa hai tay ra để giữ ông ấy ngồi xuống vì nghĩ mình nhỏ tuổi hơn. Tuy nhiên, khi đưa tay ra thì vô tình tôi chạm vào đầu ông Chung làm ly bia bị bể văng ra ngoài. Mọi người gần đó nhìn thấy vậy, tưởng là chúng tôi đánh nhau nên chạy đến can ngăn rồi đưa tôi ra ngoài. Thực sự là lúc đó tôi không hề biết ông Chung bị thương".
ông Chung nói: "Trong lúc tôi và một vài đồng nghiệp đang vui vẻ, thì ông Khánh từ bên ngoài bước vào rồi đi tới chỗ tôi ngồi và mời bia. Thấy vậy, tôi đứng dậy cụng ly, ông Khánh dùng hai tay chụp vào vai tôi, ly bia ông Khánh cầm trên tay va vào đầu khiến tôi bị chảy máu. Anh em trong phòng tưởng đánh nhau, nên can ngăn rồi đưa ông Khánh ra khỏi phòng. Sau đó thì tôi được đưa tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước để điều trị và khâu mất mấy mũi. Nhưng giờ cũng đỡ nhiều rồi, mọi chuyện chỉ là hiểu nhầm".
Ông Nguyễn Văn Thành, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước cho biết: "Sáng ngày 21/8, ông Khánh có viết bản tường trình sự việc hôm 12/8 vừa qua gửi lên lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước. Nội dung bản tường trình, ghi sơ qua một vài ý, nhắc tới vụ việc giữa ông Chung và ông Khánh là ngoài ý muốn. Nhưng trước mắt, chúng tôi chưa thể trả lời chính xác hơn về bản tường trình trên. Cụ thể ra sao, thì sáng ngày 25/8, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tổ chức một buổi họp để làm sáng tỏ hơn vụ việc".
Ông Phạm Thành Chung.
Ông Bùi Quốc Khánh.
Suy ngẫm về lối hành xử chợ búa của một bộ phận công chức
Ở Việt Nam, văn hóa ứng xử và đạo đức công vụ không bao giờ cho phép việc hành xử vô văn hoá. Thế nhưng, có một thực tế, thời gian gần đây, việc các cán bộ có chức sắc hành xử như côn đồ không phải là chuyện hiếm.
PV báo Đời sống và Pháp luật xin điểm lại một câu chuyện bi hài không kém cũng xảy ra trong giới cán bộ cách đây ít lâu. Chiều ngày 29/4/2014 ông Vũ Văn Thẩm (Tỉnh ủy viên, Chủ tịch hội Nông dân tỉnh Quảng Nam) đã tát ông Đặng Tất Giản (Phó Chủ tịch hội) ngay giữa nhiệm sở. Theo lời ông Đoàn Văn Viên, ủy viên ban Thường vụ, ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam khi đánh cấp dưới, ông Thẩm có hơi men trong người. Thực tế rằng kiểu hành xử "chợ búa" không chỉ là câu chuyện riêng của những cán bộ trong bộ máy công quyền mà còn hiện diện ở ngay trong môi trường giáo dục. Sự việc xảy ra vào ngày 1/4/2014 tại trường Xiếc Việt Nam là một ví dụ "kinh điển". Trong khi Hiệu trưởng trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Việt Nam đang chủ trì cuộc họp để trả lời thắc mắc của giáo viên khoa Xiếc về chế độ, quyền lợi, chính sách dành cho giáo viên trước khi trường tiến hành Đại hội công nhân viên chức toàn trường năm 2014. Không đồng tình với những giải thích của hiệu trưởng, một giáo viên tên Đỗ Thành Trung đã có câu từ lăng mạ, đồng thời cầm chiếc cốc thủy tinh ném vào vai hiệu trưởng ngay trên bàn họp. Trong khi một số giáo viên khác vào can ngăn, một nam giáo viên khác công khai đe dọa, chửi bới và dọa "xử" ông hiệu trưởng này. Thỉnh thoảng báo chí cũng nhắc đến chuyện những cán bộ cấp phường, cấp Quận, cấp thành phố cũng lao vào "xử nhau" như giữa chốn "đầu đường xó chợ". Mới đây nhất, dư luận chấn động khi một vị là Phó trưởng ban Tổ chức quận ủy Cầu Giấy (Hà Nội) bị bắt giữ do có liên quan đến việc thuê "xã hội đen" giết người trên đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy).
Biểu hiện của cửa quyền, coi thường pháp luật
Dư luận đặt câu hỏi, ngoài những vụ việc bị báo chí "phanh phui", còn biết bao scandal liên quan đến văn hóa và cách hành xử của cán bộ mà chúng ta không thể biết? Rõ ràng, đang có một bộ phận nhỏ lãnh đạo, cán bộ có tiền, có quyền nhưng hành xử lại rất thiếu văn hoá. Họ tự cho mình cái quyền được hành xử lỗ mãng, côn đồ với đồng nghiệp, cấp dưới và cả người dân.
Nhìn nhận về hiện tượng này, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định: "Đây không còn là chuyện hành xử văn hóa giữa cán bộ với nhau nữa mà đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Nếu anh đánh người khác là xâm phạm đến thân thể, danh dự người ta". Theo lời ông Hương, dù là bất kỳ lãnh đạo nào đi nữa khi vi phạm cũng phải xử lý theo pháp luật. "Quan chức càng to càng phải xử nặng để làm gương", vị cán bộ lão thành nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng, có không ít cán bộ đang có biểu hiện cậy quyền cậy thế, đối xử vô văn hóa với đồng nghiệp, cấp dưới và cả người dân, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định: "Đó là biểu hiện của thói cửa quyền, trịch thượng, coi thường pháp luật. Dù là bất kỳ ai đi nữa cũng đều bình đẳng trước pháp luật. Đừng nghĩ, anh có tiền mà có thể làm những gì mình thích, bất chấp luật pháp và đạo lý. Đó là chưa kể, cán bộ công chức không được uống rượu bia trong giờ hành chính... thế nhưng chính anh đã vi phạm".
Theo lẽ thường, cán bộ ở vị trí cao, sẽ nắm nhiều trọng trách và quyền. Điều này tồn tại trong cơ chế xin - cho, vậy nên hách dịch, cửa quyền là chuyện không tránh khỏi. Trong một cơ quan, những người giúp việc (cấp phó) cho lãnh đạo thường bàng quan vì ngại làm mất lòng cấp trên nên chính họ đã tự tạo ra một khoảng cách quyền lực ngày càng xa với người đứng đầu. Hệ lụy là họ tự đánh mất quyền của mình và sếp đương nhiên có cái quyền đó, một quyền lực tối cao.
Theo GS. Hà Minh Đức, nguyên Chủ nhiệm khoa Báo chí (đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), trong khi chúng ta đang nói nhiều về văn hóa ứng xử, đạo đức tư cách của người cán bộ, công chức thì việc hành xử theo kiểu "lưu manh giả danh trí thức" của một bộ phận cán bộ như vậy là điều không thể chấp nhận được. Không chỉ vi phạm đạo đức, những hành vi nêu trên còn vi phạm cả pháp luật và nếu cần nên để pháp luật xử lý nhằm làm gương cho những lãnh đạo, cán bộ khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu sở Nội vụ làm rõ tham mưu hình thức xử lý
Tiếp tục những diễn biến xung quanh sự việc hai Phó giám đốc sở “choảng nhau”, trong một động thái mới nhất, lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh Bình Phước cho biết: "Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu sở Nội vụ làm rõ và tham mưu hình thức xử lý nghiêm nhất với hai người này để lập lại trật tự kỷ cương hành chính mà tỉnh đã ban hành hơn một năm trước. Trong đó có nhấn mạnh việc cán bộ, công chức không được uống rượu bia trong giờ làm việc và tác phong, ứng xử chuẩn mực".

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước nói gì về việc này?

Trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước cho biết: "Vụ việc này có tính chất rất nhạy cảm và nghiêm trọng vì liên quan đến cán bộ đảng viên. Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu sở Nội vụ làm rõ, hình thức xử lý nghiêm với hai phó giám đốc này, về việc nhậu trong giờ làm việc để lập lại trật tự kỷ cương hành chính và làm gương cho những cán bộ khác”.

Tin nổi bật