Bộ Công an cho biết thời gian gần đây, nhiều kẻ xấu lợi dụng tình trạng mua bán trang phục công an trên mạng xã hội để giả danh lực lượng chức năng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Để phát hiện kẻ giả mạo, bộ Công an khuyến cáo người dân cần nhận biết các thủ đoạn chúng gây án và quan sát những dấu hiệu trực quan.
Bùi Đình An giả danh công an chiếm đoạt tài sản gây chấn động dư luận năm 2013 và tang vật vụ án công an thu giữ. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa |
Bắt hàng loạt công an rởm
Công an TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối tượng Nguyễn Văn Hòa (SN 1960, quê tại TP.Hải Phòng) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân là ông Nguyễn Viết L. (ngụ tại TP.Bảo Lộc).
Trước đó, Công an TP.Bảo Lộc nhận được tin, 1 nhóm đối tượng có thẻ ngành công an đang thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.
Do biết được thông tin ông L. đang có nhu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối tượng Hòa đã gọi điện thoại cho ông L., sau đó nói dối là anh em họ hàng bị thất lạc.
Hòa nói sẽ đến Lâm Đồng công tác và hẹn gặp ông L. để giúp làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giá đối tượng này đưa ra là 1 tỷ đồng. Sự việc sau đó đã được ông L. trình báo tới cơ quan công an.
Ngay sau khi nhận tin báo, Công an TP.Bảo Lộc đã tiến hành kiểm tra hành chính khách sạn nhóm người này thuê ở gồm các đối tượng: Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Xuân Dũng (SN 1976, quê huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tạm trú tại TP.Hải Phòng) và Nguyễn Cao Khái (SN 1958, quê Thái Bình, tạm trú tại TP.Hải Phòng).
Ngoài ra, công an còn phát hiện trong người Nguyễn Văn Hòa có 1 thẻ ngành công an mang tên Nguyễn Văn Gấm, hàm Thiếu tướng. Trong hành lý của nhóm người này có một giấy ra vào cổng bộ Công an. Trên xe ô tô biển số 15A – 508.05 mà Hòa và đồng bọn sử dụng có một túi vải đựng nhiều biển số xe ô tô khác nhau, trong đó có cả biển số xanh 80B.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu, Nguyễn Văn Hòa khai nhận đã làm giả thẻ ngành công an, giấy tờ ra vào cổng bộ Công an và nhiều biển số xe ô tô xanh 80B. Thời gian qua, Hòa cùng Dũng và Khái vào các tỉnh phía Nam giả danh người của bộ Công an để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, công an đã xác định được 3 nạn nhân của Nguyễn Văn Hòa. Số tiền các đối tượng chiếm đoạt được là 365 triệu đồng.
Ngày 19/10, Công an quận 10, TP.HCM đang tạm giữ hình sự Huỳnh Văn Dũng (54 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Trước đó, rạng sáng 17/10, ông T. (52 tuổi, ngụ tỉnh Phú Yên, nhân viên bảo vệ) đang ở một trung tâm Anh ngữ trên đường 3 tháng 2, quận 10 thì bị 1 đối tượng bịt mặt khống chế.
Đối tượng xưng là cảnh sát, bắt ông T. theo lệnh truy nã. Nạn nhân tri hô thì bị Dũng dán băng keo vào miệng, còng tay, bịt mắt.
Không dừng lại ở đó, Dũng lấy dây cột 2 chân, còng số 8 khóa ngược tay ông T., đe dọa hỏi ông T. nơi đặt két sắt của trung tâm. Sau đó, đối tượng lên tầng 7 lấy gần 20 laptop, máy chiếu... rồi tẩu thoát về phòng trọ ở quận Thủ Đức.
Sáng cùng ngày, nhân viên đến Trung tâm làm việc, phát hiện vụ việc và trình báo cho quản lý, đồng thời trình báo cơ quan công an.
Nhận tin báo, Công an quận 10 đã có mặt khám nghiệm hiện trường, ghi nhận lời khai, truy bắt hung thủ. Quá trình điều tra, công an đã bắt giữ đối tượng Huỳnh Văn Dũng.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu, Dũng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Bộ Công an hướng dẫn cách nhận diện “công an rởm”
Để phát hiện kẻ giả mạo, bộ Công an khuyến cáo người dân cần nhận biết các thủ đoạn chúng gây án và quan sát những dấu hiệu trực quan.
Cụ thể, các đối tượng giả danh công an thường sử dụng trang phục không đồng bộ, công cụ hỗ trợ, bảng hiệu, giấy tờ của ngành công an không đúng quy định khi tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát, liên hệ thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự. Trong trường hợp này, chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế tác phong có thể phân biệt được họ là công an thật hay giả.
Đối tượng giả danh công an luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ, cố tình để người khác thấy giấy tờ, thẻ ngành công an. Nếu chưa có cơ sở xác định họ giả danh công an, còn nghi ngờ, cần kết hợp với các cách thức khác để kiểm tra. Tuy nhiên, cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.
Bộ Công an nhấn mạnh và khuyến cáo, nếu nghi ngờ một người giả danh công an cần phải khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình càng nhiều càng tốt vì càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở.
"Có thể hỏi đối tượng những thông tin cơ bản như: Trước đây học trường nào, ở đâu? Điều kiện tuyển dụng vào ngành Công an thế nào? Đơn vị hiện tại ở đâu, lãnh đạo là ai? Chức vụ, nhiệm vụ cụ thể là gì?...", bộ Công an hướng dẫn.
Cũng theo bộ Công an, nếu nghi ngờ, có thể tạo lý do hợp lý để chụp ảnh đối tượng, ghi âm lời nói của đối tượng để làm bằng chứng đối chiếu hoặc tố giác với cơ quan công an. Sau khi tiếp nhận thông tin từ đối tượng, tốt nhất không nên làm theo yêu cầu của đối tượng, khéo léo từ chối, đồng thời phân tích, đánh giá thông tin để xác định đối tượng có phải là người giả danh công an hay không.
Cần phân tích các thông tin cơ bản mà đối tượng đã nói, đã kể, rút ra những thông tin đúng, thông tin sai sẽ đánh giá được đối tượng nói thật hay nói dối, có phải giả danh công an hay không. Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin nhờ người thân am hiểu về lĩnh vực công an, những người đang công tác trong ngành công an phân tích, đánh giá, không nên vội tin đối tượng, làm theo lời của đối tượng.
Trong trường hợp đã đánh giá nhưng chưa đủ cơ sở xác định đối tượng là người giả danh công an hay không, cần thực hiện bước đối chiếu, kiểm tra. Từ việc phân tích, tổng hợp thông tin do đối tượng cung cấp, kết quả quan sát, đánh giá, tư vấn của người trong ngành công an... có thể dùng để đối chiếu, kiểm tra xác định đối tượng có hành vi giả danh công an.
Như vậy, để nhận biết đối tượng giả danh công an, tránh bị lừa đảo, người dân cần phải tìm hiểu những thủ đoạn phổ biến của chúng, nâng cao cảnh giác, không vội tin đối tượng, vận dụng đồng bộ một số cách nhận biết, kiểm tra, đánh giá để xác định và có cách xử lý hiệu quả nhất.
BTV
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (169)