(ĐSPL) - Hình như hai từ “hạnh phúc” không còn tồn tại trong gia đình nhỏ bé của em nữa, em phải làm gì, chịu đựng hay chia tay.
Tụi em đã cưới được 10 tháng sau 5 năm tìm hiều, lúc mới cưới, tụi em đều có việc làm, cứ nghĩ cuộc sống 2 đưa vậy là ổn. Nhưng rồi anh không không chịu đi làm nữa mà quyết định đi học để phát triển nghề nghiệp (tụi em đều đã tốt nghiệp đại học, anh là kỹ sư tin học). Nghe anh trình bày kế hoạch cũng hợp lý nên em đồng ý, và mang hết số tiền dành dụm được cho anh đóng học phí. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất, một mình em phải đi làm lo chi phí sinh hoạt của gia đình (tụi em ở riêng), lo tiền chi tiêu cho anh, nên em đã phải nhận thêm việc, em không còn thời gian để chăm sóc bản thân mình nữa.
Khi học, lấy lý do phải học nhiều nên có khi 3-4 ngày anh mới về nhà một lần, trong khi đường đi từ nơi anh học về nhà chỉ khoản 20 phút đi xe, và ở đó chỉ dạy từ 8 giờ đến 18 giờ. Lúc đầu em vẫn tin anh, nhưng thời gian sau em mới biết, anh ở quán bar, café, quán nhậu nhiều hơn là thời gian học.
Những khi được nghỉ lễ, em rất muốn cùng anh đi chơi một nơi này đó hoặc là về quê cho khây khỏa, nhưng anh cũng có rất nhiều lý do để từ chối, hoặc có đi thì chỉ một hoặc hai tiếng rồi về. Âm thầm tìm hiểu em mời biết được, khi đi với t em anh sợ gặp bạn bè, vì anh cho rằng em xấu và già hơn anh ấy\_anh đã thừa nhận điều này (em lớn hơn anh ấy 2 tuổi). Hoặc những lúc bạn bè mời đi dự tiệc, đi chơi cùng nhóm bạn, anh không cho em hay, mà một mình anh tham gia với họ.
Em cảm thấy, anh không còn yêu em nữa. Cứ thế, mỗi lần gặp tụi em lại cãi nhau, em chỉ muốn nói cho anh hiểu là em cũng cần sự yêu thương, quan tâm của chồng, nhưng anh không hiểu em, anh chỉ cho rằng, em coi thường anh vì anh không làm ra tiền (?!), xen quá nhiều vào chuyện đời tư của anh, và nói rằng anh không thích về nhà là không muốn cãi nhau, chứ không như em đã tìm hiểu.
Hình như hai từ “hạnh phúc” không còn tồn tại trong gia đình nhỏ bé của em nữa, em phải làm gì, chịu đựng hay chia tay.
Chuyên gia tư vấn trả lời:
Chào bạn!
Để làm phong phú thêm cho tình cảm vợ chồng, bạn hãy dành ra một ít thời gian để thiết lập những nguyên tắc sống cần thiết, giúp hai người có thêm cơ hội hiểu và thông cảm nhau.
Nhà tâm lý học Leo Buscaglia từng nói: “Tình yêu hoàn hảo thật sự hiếm hoi, bởi nó đòi hỏi bạn phải có sự khôn ngoan của nhà thông thái, tính dễ uốn nắn của đứa trẻ con, thái độ nhạy cảm của người nghệ sĩ, đầu óc uyên bác của nhà hiền triết, lòng khoan dung của một vị thánh, chí kiên nhẫn của nhà học giả và cả sự dũng cảm chịu đựng”.
Vạch kế hoạch cho một cuộc sống lâu dài: Khi thật sự muốn chia sẻ cuộc sống với một người, bạn cần cùng người đó vượt qua mọi thử thách và chông gai trong cuộc đời. Hãy cùng nhau duy trì những mục tiêu và hoài bão trong tương lai, vì đây sẽ là động lực cần thiết ngay trong cuộc sống hiện tại của cả hai.
Tạo sự tương thân tương ái và tôn trọng lẫn nhau: Luôn quý mến nhau như những người bạn thân thiết bằng cử chỉ dịu dàng, sự quan tâm và tôn trọng lẫn nhau. Phải luôn sẵn sàng nhận lỗi, một khi người này đã làm tổn thương tình cảm của người kia ở bất kỳ mức độ nào. Cần biết chứng tỏ cho người bạn đời biết tầm quan trọng của mối quan hệ vợ chồng.
Duy trì sự lãng mạn: Cho dù cưới nhau đã lâu, cần luôn thể hiện tình yêu và sự đam mê. Đừng tỏ vẻ ngại ngùng khi cho vợ hoặc chồng biết rằng tình yêu của bạn vẫn mãi nồng nàn. Một cuộc điện thoại bất ngờ, một nụ hôn nhẹ nhàng, một tin nhắn bày tỏ sự yêu thương… đều làm tăng hương vị tình yêu, bởi vì việc bày tỏ tình yêu khi không giáp mặt thường cởi mở và thú vị hơn.
Biết rõ những điểm chung của cả hai: Cần nhận thức những ưu khuyết điểm của vợ hoặc chồng, nên chấp nhận những điểm yếu của nhau để cùng nhau từng bước thay đổi theo hướng tốt hơn. Hãy cùng nhau thổ lộ những mơ ước và hy vọng của bản thân, cũng như biết cùng nhau chia sẻ sự sợ hãi và gian nan trong cuộc sống, cùng nhau hợp sức để vượt qua mọi thử thách cam go nhất.
Cùng nhau làm việc và vui đùa: Chia sẻ niềm đam mê và sở thích cùng nhau, như cùng đi du lịch, cùng thăm viếng bạn bè, chăm sóc con cái, nấu nướng, làm vườn tược… sẽ là chất keo kỳ diệu càng làm nồng nàn thêm mối quan hệ vợ chồng. Nếu mỗi ngày dành được khoảng 20 phút để vợ chồng cùng nhau trao đổi và trò chuyện thì đó là sự tuyệt vời nhất. Sau một tuần quá mệt mỏi vì công việc, dễ hâm nóng tình yêu vợ chồng, nên cùng nhau nghỉ ngơi cuối tuần.
Có ý tưởng phóng khoáng và cởi mở hơn: Hãy cùng nhau xem xét lại những vấn đề dẫn đến sự cãi vã không vui trong gia đình. Cần tôn trọng tinh thần “nam nữ bình đẳng” trong công việc. Nếu quá khó khăn, hãy tìm người giúp việc. Trong những cuộc xung đột, tránh làm mất mặt và gây tổn thương cho vợ hoặc chồng. Nên chọn thời điểm thích hợp để giãi bày những vấn đề gây khúc mắc cho nhau.
Chúc gia đình bạn hạnh phúc!
Tư vấn Thanh Tâm
Chuyên mục hợp tác giữa báo Đời sống & Pháp luật và Tư vấn Thanh Tâm thuộc Hội khoa học tâm lý tư vấn giáo dục Việt Nam. Độc giả có thể gửi tình huống tư vấn tại đây hoặc gọi trực tiếp đến tổng đài 19006674. |