Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí mật về những “cái chết cô đơn” ở Nhật Bản

(DS&PL) -

Trong một gara nằm tại con phố đông đúc thuộc Itabashi, miền Bắc Thủ đô Tokyo, Miyu Kojima đã hoàn thành công việc trong ngày của cô. Đó là một đêm lạnh vào tháng Hai.

Trong một gara nằm tại con phố đông đúc thuộc Itabashi, miền Bắc Thủ đô Tokyo, Miyu Kojima đã hoàn thành công việc trong ngày của cô. Đó là một đêm lạnh vào tháng Hai.

Những người qua đời không ai biết

Miyu năm nay 24 tuổi. Cô là nhân viên dọn dẹp nhà của những người đã chết của công ty ToDo. Hay nói chính xác hơn, công việc của Miyu là lo hậu sự cho “cái chết cô đơn”, hay còn gọi là “kodokushi” trong tiếng Nhật Bản– chỉ những người sống một mình và qua đời mà không ai hay biết.

Miyu Kojima có lẽ là người phụ nữ duy nhất làm công việc gắn liền với "cái chết cô đơn".

Đây là một hiện tượng ngày càng phổ biến ở một quốc gia có dân số già như Nhật Bản, nơi có nhiều người già sống cô độc, không có người thân, bạn bè. Những người này đôi khi chết trong phòng mà rất lâu sau đó mới có người tìm thấy.

Miyu là người phụ nữ duy nhất và là nhân viên trẻ tuổi nhất trong công ty gồm 10 người. Cô đã dấn thân vào công việc này được gần hai năm. "Tôi chủ yếu dọn dẹp những căn hộ, nhà ở nơi cái chết cô đơn xảy ra và sắp xếp lại những di vật của họ", Miyu nói với tờ Al Jazeera.

Trong số những ngôi nhà Miyu từng dọn dẹp, có những người đã ra đi 1 tháng, 2 tháng, thậm chí là 8 tháng. Đôi khi, họ cũng dọn dẹp nhà của những người đã chết trong bệnh viện, bị giết hoặc tự sát. Sau khi thi thể được mang đi, cô và các đồng nghiệp của mình dọn dẹp lại căn hộ, sắp xếp lại đồ dùng của người quá cố.

Miyu tạo ấn tượng cho người đối diện bằng nụ cười luôn thường trực trên môi. Cô lựa chọn công việc đặc biệt này sau khi cha cô qua đời đột ngột, dù hai người không phải có quan hệ quá thân thiết. "Tôi hiểu cảm giác mà các gia đình phải trải qua và tôi muốn giúp đỡ họ”.

Cô gái 24 tuổi bắt đầu tìm kiếm các mẩu tin tuyển dụng phù hợp với nguyện vọng. Sau đó cô nhìn thấy dòng quảng cáo tuyển dụng của ToDo và tìm thấy sự tương đồng với tinh thần của công ty.

Người sáng lập Hirotsugu Masuda đã đặt tên công ty của mình là ToDo, với hàm ý rằng đó là công việc mà một người nào đó “nên làm”.

Những chia sẻ dựng tóc gáy

Sau khi dọn dẹp, đồ đạc của người đã chết sẽ được trao trả lại cho người thân hoặc mang đi đốt.

Một ngày làm việc điển hình của Miyu bắt đầu bằng cuộc họp vào buổi sáng. Họ thảo luận về nhiệm vụ của từng người để có thể hoàn tất công việc nhanh chóng. Sau đó một nhóm 6 người sẽ có mặt tại một địa điểm nơi “cái chết cô đơn” vừa được phát hiện.

Họ thường kết thúc công việc vào khoảng 3h chiều. Mỗi người nhận về thù lao từ 3.000-5.000 USD/ca. "Tôi làm tất cả mọi thứ từ đầu đến cuối, từ lái xe tải, dọn dẹp cho đến chia buồn với người trong gia đình", Miyu nói.

Những ngày đầu, Miyu cảm thấy công việc khá khó khăn. Mọi thứ còn tồi tệ hơn khi họ phải dọn dẹp căn nhà của người nào đó bị sát hại. Tuy nhiên, cô cho biết, khó khăn nhất vẫn là nói chuyện với người nhà của người quá cố.

Khi dọn dẹp xong, nhóm của Miyu đặt hoa, thắp hương và cầu nguyện như một cách tôn trọng người đã khuất. Đồ dùng trong căn hộ sẽ được cô tẩy rửa sạch sẽ và giao lại cho gia đình hoặc làm lễ ở đền trước khi đốt tất cả. Mùa hè là giai đoạn bận rộn hơn của Miyu khi “cái chết cô đơn” được phát hiện nhiều hơn do mùi xác phân hủy phân tán mạnh. Trong năm qua, cô đã làm sạch cho khoảng 90 căn hộ.

Miyu nói rằng mọi người có xu hướng thu thập những thứ như tiền xu, tem, phiếu giảm giá, túi mua sắm. Còn bản thân Miyu lại tìm sự đồng cảm từ những kỷ vật quan trọng của người quá cố, đó là những bức ảnh hoặc thứ đồ kỷ niệm nào đó.

Cô gái trẻ chưa bao giờ gặp người phụ nữ nào làm công việc tương tự như mình. Trong khi đó mẹ của cô cũng như bạn trai không thích sự nghiệp mà cô chọn. Họ luôn lo sợ Miyu sẽ bị “ám” hoặc bị “nguyền rủa”. Nhưng cô gái trẻ tự hào khi được làm công việc có ý nghĩa.

Đối với Miyu, “cái chết cô đơn” là một hiện tượng không phải chỉ có ở người già. "Đây là điều có thể xảy ra với bạn, với tôi”, cô nói. Miyu từng gặp trường hợp cô gái trẻ 20 tuổi cùng con chó cưng chết bên trong căn hộ. Người chủ nhà cho biết, con chó đã sủa rất nhiều dường như để kêu cứu nhưng cuối cùng vẫn không ai hay biết.

Trong nhiều trường hợp, Miyu nói “cái chết cô đơn” thường xảy đến với những người có quan hệ nhạt nhòa với gia đình, không có ai để nhờ giúp đỡ. Xã hội cũng cần chú ý hơn đến vấn đề này hơn khi ngày có càng nhiều người sống cô quạnh mà không một ai biết về tình trạng của họ.

Chỉ khi làm nghề này, cô gái trẻ mới nhận ra sợi dây kết nối gia đình là điều quan trọng. "Khi họ ra đi, bạn nhận ra người này quan trọng với mình đến dường nào", cô nói. “Do đó, hiện tại là cơ hội để bạn có thể giao tiếp với gia đình và bạn bè nhiều hơn".

Quốc Vinh

Tin nổi bật