Nấm truffle, hay còn gọi là nấm cục, từ lâu đã được mệnh danh là "kim cương" của thế giới ẩm thực, một trong những nguyên liệu nấu ăn xa xỉ và đắt đỏ nhất hành tinh. Sự quý hiếm cùng hương thơm đặc biệt đã biến loại nấm dại này trở thành niềm ao ước của giới sành ăn, thường chỉ xuất hiện trên bàn tiệc của giới thượng lưu và những người giàu có.
Nấm truffle, hay còn gọi là nấm cục, từ lâu đã được mệnh danh là "kim cương" của thế giới ẩm thực.
Từ xa xưa, nấm truffle đã được giới quý tộc đặc biệt ưa chuộng và săn lùng. Không chỉ bởi chất lượng dinh dưỡng cao mà còn do hương vị độc đáo, đầy mê hoặc. Trong số vô vàn các loại nấm được sử dụng trong ẩm thực, truffle nổi bật lên như một "báu vật" hiếm có, khó tìm.
Truffle được ví như viên kim cương lấp lánh trong thế giới ẩm thực, bởi chỉ một vài lát mỏng hay vụn nhỏ cũng đủ sức "kích thích" mọi giác quan, đánh thức vị giác. Đây cũng là loại nấm có giá trị cao nhất thế giới, chỉ những người thuộc giới siêu giàu mới dám chi một số tiền lớn để được thưởng thức món ăn thượng hạng này.
Về hình dáng, nấm truffle có hình tròn, bề ngoài xù xì, thô ráp. Sự quý hiếm của nấm truffle bắt nguồn từ việc chúng cực kỳ khó nhân giống và lai tạo trên quy mô lớn như các loại nấm thông thường. Không chỉ vậy, các khu vực có nấm truffle cũng vô cùng hạn chế. Chúng chủ yếu mọc dại ở một số vùng đất đặc biệt tại châu Âu, nơi có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp.
Nấm truffle có hình tròn, bề ngoài xù xì, thô ráp.
Điều đặc biệt là nấm truffle không mọc trên mặt đất như các loài nấm khác, mà sinh sôi và phát triển dưới lòng đất. Chúng thường ký sinh trong rễ của các loại cây như sồi, hạt dẻ, thông, hồ đào... Bên cạnh đó, những biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cũng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của nấm truffle, khiến số lượng của chúng ngày càng suy giảm.
Chính những yếu tố trên đã đẩy giá thành của nấm truffle lên cao ngất ngưởng. Để tìm được nấm truffle, người thợ săn phải trải qua một hành trình vô cùng gian nan, len lỏi trong rừng sâu cùng sự trợ giúp đắc lực của những chú chó nghiệp vụ được huấn luyện đặc biệt.
Khứu giác nhạy bén của chó nghiệp vụ có thể đánh hơi được mùi hương đặc trưng của nấm truffle nằm sâu dưới lòng đất. Những chú chó được huấn luyện một cách nghiêm ngặt để xác định vị trí của nấm, sau đó sẽ đào đất để tìm kiếm. Nấm truffle có thể nằm ngay dưới lớp đất mỏng hoặc có khi phải đào sâu vài mét mới có thể tiếp cận được.
Do nằm dưới đất nên người ta phải nhờ sự hỗ trợ của chó chuyên nghiệp hay lợn đánh hơi
Chính vì vậy, nhiều người ví công cuộc tìm kiếm nấm truffle không khác gì việc đào tìm kho báu. Sự khó khăn, gian khổ và yếu tố may mắn trong quá trình tìm kiếm cũng góp phần làm tăng thêm giá trị của nấm truffle.
Không chỉ có vẻ ngoài độc đáo, nấm truffle còn sở hữu một hương thơm đặc biệt, có khả năng "gây nghiện". Hương vị của truffle được ví như sự kết hợp hoàn hảo giữa vị ngọt ngào, nồng đậm và đặc trưng, không thể lẫn với bất kỳ loại nấm nào khác. Khi kết hợp với hương thơm, truffle trở thành một món ăn xa xỉ mà bất cứ ai cũng mong muốn được thưởng thức một lần trong đời.
Tại các nhà hàng cao cấp, nấm truffle thường được sử dụng một cách tinh tế, thái mỏng hoặc bào thành sợi với một lượng rất nhỏ, chỉ khoảng 10 gram, rồi rắc lên các món ăn như spaghetti, pasta, pizza... Mục đích là để tăng thêm hương vị và độ sang trọng cho món ăn. Các đầu bếp hiếm khi nấu chín nấm truffle, vì điều đó sẽ làm mất đi mùi hương hấp dẫn đặc trưng. Chính vì vậy, những món ăn có thêm thành phần nấm truffle luôn có giá thành đắt đỏ.
Nấm truffle thường được sử dụng một cách tinh tế, thái mỏng hoặc bào thành sợi với một lượng rất nhỏ.
Về kích thước, nấm truffle càng lớn thì giá càng cao, vì nấm lớn giữ được nhiều độ ẩm hơn, đồng nghĩa với hương vị đậm đà hơn. Nấm truffle được chia thành hai loại phổ biến là nấm cục đen và nấm cục trắng. Nấm cục đen có nhiều ở vùng Perigord, tây nam nước Pháp, trong khi nấm cục trắng sinh trưởng chủ yếu ở vùng Alba, Italia. Nấm cục trắng được đánh giá là có hương thơm tinh tế hơn và giá cũng đắt hơn gấp hai, ba lần so với nấm cục đen.
Nấm cục trắng thường nằm sâu dưới lòng đất khoảng 20cm, gần rễ của những cây sống cộng sinh. Mùi hương của chúng có thể lan tỏa tới hệ thống rễ cây xung quanh. Nấm cục trắng cần ít nhất 5 năm để phát triển, thậm chí có những cây mất đến 11 năm. Môi trường lý tưởng cho nấm cục là nơi có khí hậu mát mẻ, ẩm ướt và có những khu rừng sồi lớn.
Nấm truffle đen tuy không nồng như nấm trắng nhưng lại có mùi hương giữ được lâu hơn, thường được dùng trong chế biến xốt, băm nhỏ trộn chung với spaghetti hay thái lát trên món chính. Sò điệp và nấm truffle đen là sự kết hợp được rất nhiều thực khách ưa chuộng. Điều thú vị là mỗi người có thể cảm nhận truffle đen theo một cách khác nhau, có người thấy vị bột ngọt, người lại thấy mùi đất, xạ hương, cây sồi, tỏi và các loại hạt.
Loại thực phẩm hiếm có này luôn được giới nhà giàu sành ăn săn tìm.
Với hương vị thơm ngon hảo hạng và độ quý hiếm, nấm truffle có giá vô cùng đắt đỏ. Nấm truffle đen có giá từ 3.000-4.000 USD/kg (tương đương 74-98 triệu đồng). Nấm truffle trắng có giá cao hơn, thường khoảng 7.000 USD/kg (tương đương 172 triệu đồng). Thậm chí, những loại nấm truffle thượng hạng trên thị trường có giá từ 12.000-20.000 USD/kg (khoảng 295-492 triệu đồng/kg).
Theo Reuters, trong một cuộc đấu giá hồi năm 2021 tại Italia, một cây nấm cục trắng nặng 830g đã được bán với mức giá kỷ lục 103.000 Euro (khoảng hơn 2,6 tỷ đồng), một minh chứng rõ ràng cho giá trị và sự khao khát của giới thượng lưu đối với loại "kim cương" ẩm thực này.