(ĐSPL) Cứ vài năm, nước lại đổi dòng, chỗ bãi tha ma lại được dòng nước vật cát, đất, cỏ rác lên, đắp thành bãi bồi. Bãi tha ma của những người xấu hổ biến mất một cách thật nhói lòng. Vì thế, ông Được rất chăm chút những nấm mộ còn lại.
Hai cô gái mang số phận bi thảm
Long Biên là cây cầu mang nhiều chứng tích lịch sử, nhưng với các đôi bạn trẻ, nó là biểu tượng cho tình yêu. Hằng ngày, các đôi uyên ương dắt nhau lên cầu Long Biên tâm sự, thề thốt yêu đương. Các cặp vợ chồng sắp cưới đều muốn có được hình ảnh đẹp ở cây cầu này cho một bộ ảnh cưới. Và, cây cầu này cũng là nơi những người muốn tìm đến cái chết.
Chẳng ai thống kê mỗi năm có bao nhiêu người buông thân mình từ cây cầu này xuống dòng sông cuộn đỏ, nhưng nếu con số có được thống kê chi tiết, thì chắc khiến nhiều người giật mình. Người nắm rõ nhất về cây cầu này, về những vụ tự tử là ông Nguyễn Đăng Được, 70 tuổi, người sống ngay dưới chân cầu và cứu sống vô số mạng người, cũng như vớt lên từ đáy sông vô số xác chết.
Ông Nguyễn Đăng Được và "ngôi nhà" nổi của mình. (Ảnh: Hoàng Việt/báo VTC News). |
|
Điều đặc biệt, là ông vớt được rất nhiều xác chết, mà nạn nhân thường bị sát hại, bị ném trôi sông. Anh Nguyễn Văn Dũng, vớt mấy trăm xác ở bãi xoáy chỗ Nhật Tân, nhưng hiếm khi vớt được xác nạn nhân của các vụ giết người, còn ông Được, kỳ nhân vớt xác ở cầu Long Biên, thì toàn vớt được người tự tử và nạn nhân của các vụ án giết người bí ẩn, chưa được sáng tỏ.
Trong số những cái xác vĩnh viễn mang theo bí ẩn của những vụ án xuống đáy sông, thì có 2 xác thếu nữ khiến ông Nguyễn Đăng Được ám ảnh nhất, bởi có những chi tiết giống nhau đến lạ lùng. Họ sang thế giới bên kia với hình ảnh cuối cùng đầy đau thương, mang theo những oan khuất không bao giờ được sáng tỏ. Ông Nguyễn Đăng Được phăng phăng vạch đám cỏ lau lác, dẫn tôi đi tắt về phía bãi tắm tiên, rồi ngược lên mỏm đất cao nhất của bãi giữa, nơi có những cây trứng cá tỏa bóng. Ngôi miếu nhỏ được dựng trên một cái cột, kiểu cách như thể để tránh ngập nước. Cạnh miếu nhỏ là khuôn viên có 2 ngôi mộ cạnh nhau, với cả am thờ.
Đó là ngôi miếu và mộ của hai thiếu nữ vô danh, mà ông Được và người dân bãi giữa gọi là miếu Cô Đôi, hoặc mộ Cô Đôi, tức miếu và mộ hai cô gái. Hai ngôi mộ đơn sơ, nhưng được xây quây lại. Có hai tấm bia hẳn hoi ở mộ, nhưng không có dòng chữ nào. Quanh mộ được lát gạch, có cả ghế đã cho người viếng mộ nghỉ chân.
Ông Được chỉ tay vào những khóm hoa bảo: “Lúc nào mộ và miếu Cô Đôi cũng có hoa tươi. Nhiều người tin hai cô linh thiêng nên hay đến xin xỏ lắm”. Bàn thời nơi hai ngôi mộ có tấm bia ghi: “Câu lạc bộ những người yêu sông Hồng công đức – 2009”.
Theo lời ông Được, năm 2004, vào ngày hè nóng như đổ lửa, ông xuống thuyền thả lưới bắt cá. Vừa chèo thuyền ra phía chân cầu Long Biên, thì gặp ngay xác chết, là nữ giới, nổi ngửa bụng. Kéo xác thiếu nữ vào bờ, ông nhận thấy thiếu nữ ấy chết trong tư thế thương tâm, với hai ngón tay cái bị trói chặt vào nhau. Khuôn mặt, quần áo thiếu nữ xấu số ấy bê bết bùn đất. Ông Được dùng khăn lau rửa sạch sẽ thì xác chết hiện ra cô gái tầm 17-18 tuổi, rất xinh đẹp.
Nhận thấy xác chết có nhiều bí ẩn, ông Được liên hệ ngay với chính quyền. Công an vào cuộc khám nghiệm tử thi và khẳng định cô gái bị cưỡng hiếp trước khi dìm chết dưới sông. Công an khám nghiệm xong, ông Được mang xác hai cô gái đi chôn. Những trường hợp khác, ông chôn bó chiếu, ni lông, nhưng quá cảm thương thiếu nữ chết oan khuất, ông đã dỡ mấy tấm gỗ ván làm tường ngôi nhà tạm bợ của mình ở bãi giữa, đóng quan tài, chôn cất cô tử tế.
Ông Được ghi nhớ hình dáng, màu sắc quần áo, vết sẹo, mụn ruồi và nhiều chi tiết về cô gái ấy, những mong có người nhà tìm đến, ông tả lại. Thế nhưng, bao năm qua, không một ai tìm đến hỏi han. Bí mật về chết kỳ lạ và thảm khốc của thiếu nữ xinh đẹp mãi mãi vùi trong nấm mồ hoang nơi vườn chuối bãi giữa sông Hồng.
Khi cái chết của thiếu nữ kia chưa thôi ám ảnh, thì hai năm sau, cũng vào một ngày hè oi ả, khi ông Nguyễn Đăng Được ra bờ sông hóng gió, thì lại phát hiện một xác người dập dềnh ngay bờ sông lau lác.
Vớt xác lên, ông Được kinh ngạc khi phát hiện xác chết này có nhiều nét tương đồng với xác chết trôi của thiếu nữ mà ông vớt được hai năm trước. Đó là xác một cô gái cũng tầm 17-18 tuổi, cũng mặc bộ quần áo ngủ họa tiết hoa, nhưng lại bị buộc hai ngón chân cái vào nhau.
Dù xác chết đã trương, bắt đầu phân hủy điều kỳ lạ là khuôn mặt thiếu nữ vẫn rất “tươi”, toát lên vẻ thanh tú. Tiếp xúc với nhiều thân xác trôi nổi, ông Được có nhiều kinh nghiệm để khẳng định rằng, đây là một cô gái rất đẹp. Mang xác lên bờ, ông Được báo công an. Thêm một điều khiến ông đau lòng khi các cán bộ khám nghiệm tử thi kết luận thiếu nữ bị hiếp, sau đó bị đẩy xuống sông.
Quá ám ảnh với hai xác chết trôi của hai thiếu nữ xinh đẹp, ông Được quyết tâm phải làm một cái gì đó cho họ, để họ đỡ tủi. Ba năm sau lần vớt xác thiếu nữ thứ hai, ông Được bỗng dưng nảy ra ý tưởng đưa hai cô gái về “ở chung” với nhau. Mặc dù rất nghèo, chạy ăn từng bữa, nhưng ông Được đã lên bờ tìm mua gạch, vữa, xi măng để xây mộ cho hai cô gái. Ông Được từng vớt lên từ sông Hồng cả trăm xác chết, rồi ông đào mồ chôn xác chết trôi thành một nghĩa địa, nhưng rồi, dòng sông Hồng lại cuốn hết xương cốt xuống đáy sông. Ông muốn xây mộ cho hai thiếu nữ chết oan uổng, để dòng nước không cuốn đi, không san phẳng được mộ.
Ông Được nhớ lại: “Hôm tôi vào bờ, móc nắm tiền lẻ ra đếm, bà bán vật liệu ở trong phường hỏi ‘ông ở dưới thuyền, tự dưng mua gạch cát để làm gì?’. Tôi kể chuyện về hai cô gái chết thảm, và trình bày nguyện vọng muốn xây mộ cho họ, thì bà chủ bán vật liệu xúc động, tặng không cho tôi cát, gạch, xi măng để xây mộ cho hai cô”.
Có vật liệu rồi, ông Được chọn mảnh đất cao ráo ở bãi giữa và tiến hành xây mộ. Mộ xây xong, ông bốc cốt hai cô gái chôn vào đó. Thấy việc làm thiện nguyện của ông, biết về hoàn cảnh của hai thiếu nữ, những người ở Câu lạc bộ Người yêu sông Hồng đã góp thêm tiền bạc, công sức xây thêm bàn thờ, xây ngôi miếu nhỏ, lát gạch quanh mộ thành sân, rồi đặt những chiếc ghế đá ở đó. Thế là, ngôi miếu có cái tên kỳ lạ, miếu Cô Đôi, đã ra đời. Cái tên miếu ấy cũng là do ông Được đặt.
Mặc dù ngôi miếu mới được xây dựng, lại thờ hai thiếu nữ chết trôi, chứ không phải thánh thần gì, nhưng người dân trong vùng tin rằng ngôi miếu rất linh thiêng. Vào ngày lễ lạt, người dân quanh vùng đến miếu hương khói rất đông. Ông Được bảo rằng, ông không tin những chuyện mê tín, nhưng người ta bảo rằng, hai cô gái chết trẻ, nên thiêng lắm, thành ra cúng bái, xin xỏ xì xụp suốt.
Có lẽ câu chuyện thương tâm và kỳ bí về cái chết của hai thiếu nữ đã khiến người đời xúc động và thổi vào đó những câu chuyện đầy mộng mị. Trời đông giá buốt, mặt trời xuống nhanh, ngôi mộ và miếu Cô Đôi nhanh chóng chìm vào bóng đêm. Gió từ sông Hồng thổi vào khiến những bụi chuối xào xạc, khiến lòng người dễ hoang mang. Chúng tôi viếng mộ hai cô lần cuối, rồi rời đi với bao câu hỏi nặng trĩu trong lòng.
Người quản trang đặc biệt
Theo ông Được, trong mấy chục năm vớt xác của mình, ông đã chôn vài trăm xác người chết trôi vô thừa nhận, tạo ra nhiều bãi tha ma, nhưng bãi tha ma lớn nhất, tập trung nhất, chính là bãi tha ma dưới gầm cầu Long Biên. Đã có tổng cộng khoảng 100 ngôi mộ vô thừa nhận do ông Được đắp nên ở nghĩa địa hoang này.
Xem thêm video: Video: Giải cứu thành công 1 phụ nữ nhảy cầu tự tử.
Hầu hết, các xác người trôi sông đều đã trương phềnh, phân hủy, bốc mùi rất ghê, nên kéo xác lên bờ, là ông chôn luôn để người sống đỡ hãi hùng, mà người chết đỡ tủi phận. Chân cầu Long Biên là nơi xác chết quẩn về nhiều, nên nghĩa địa ở đó mỗi ngày một mở rộng là vì thế.
Ông Được kể rằng, không chỉ vớt xác các nạn nhân, chôn cất họ, ông còn biến thành người quản trang bất đắc dĩ. Ngày Rằm, mùng Một, lễ Tết, ông đều hương khói cho họ đỡ tủi.
Thế nhưng, một ngày cách đây hơn chục năm, dòng sông Hồng bỗng dung dữ dằn, nước chảy cuồn cuộn, rồi đổi dòng ở đoạn qua cầu Long Biên. Mấy chục túp lều gianh của dân bãi giữa còn bị nước cuốn trôi, nói chi những nấm mồ hoang ở nghĩa địa của những người chết trôi.
Ông Được kể rằng, đợt ấy, cứ mỗi ngày dòng nước lại cuốn mất vài ngôi mộ. Ông và những người dân bãi giữa nhìn cảnh ấy cũng xót xa, nên chở đất đắp lại, dùng cả cót ép be bờ và mua thêm cọc tre nhồi chặt.
Thế nhưng, sức người không địch được nước dữ, nên chẳng thấm vào đâu. Họ bất lực nhìn dòng nước cuốn cát sụt lún, trơ cả xương người. Ngôi mộ cuối cùng cũng bị dòng nước cuốn đi. Bãi tha ma ấy đã biến thành dòng sông đỏ ngầu cuồn cuộn.
Vài năm sau, nước lại đổi dòng, chỗ bãi tha ma lại được dòng nước vật cát, đất, cỏ rác lên, đắp thành bãi bồi. Bãi tha ma của những người xấu số biến mất một cách thật nhói lòng.
PHONG NGUYỆT