Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bi kịch và nỗi đau đằng sau mỗi bản án oan

(DS&PL) -

Án oan không chỉ đưa người vô tội vào tù mà còn đẩy gia đình họ vào cảnh khó khăn chật vật, luôn chịu sự ghẻ lạnh, miệt thị của người dân.

Án oan không chỉ đưa người vô tội vào tù mà còn đẩy gia đình họ vào cảnh khó khăn chật vật, luôn chịu sự ghẻ lạnh, miệt thị của người dân.

Một người oan sai, cả nhà điêu đứng, tan nát

Mang án oan che giấu tội phạm, giết cha gần 30 năm, hôm 24/10, 3 mẹ con bà Đặng Thị Nga (SN 1938, ở Tuần Giáo, Điện Biên) đã được TAND tỉnh Điện Biên minh oan, xin lỗi công khai. Để có được ngày hôm nay, mẹ con họ đã phải trải qua bao cay đắng gõ cửa từng cơ quan chức năng…

Ngay từ sớm, bà Nga đã mặc chiếc áo mới rồi lên trụ sở UBND. Gần 30 năm sống trong tủi nhục, mỏi mòn, chờ đợi thì cũng đến cái ngày mẹ con bà Nga được minh oan. 

Nỗi đau của 3 mẹ con mang tội giết chồng, giết cha suốt 28 năm. Ảnh: báo Gia đình Việt nam

Mặc dù 3 mẹ con đã được minh oan, song 28 năm qua gia đình bà đã phải chịu rất nhiều những tổn thương cả về vật chất lẫn tinh thần không thể bù đắp. Câu chuyện oan thấu trời của gia đình bà Nga được báo chí dày công tìm hiểu với tên gọi: “Kỳ án dưới chân đèo Pha Đin”.

28 năm trước, chồng bà Nga là ông Trịnh Huy Tùng bị phát hiện chết dưới giếng và có dấu hiệu bị giết trước đó. Công an tỉnh Lai Châu cũ đã bắt 3 mẹ con bà Nga và TAND tỉnh Lai Châu (cũ) đã kết án bà Nga 36 tháng tù treo còn 2 người con của bà bị kết án tổng cộng 30 năm về tội giết người. 

Từ ngày 3 mẹ con bà Nga bị bắt đi với tội "vợ giết chồng, con giết bố", ba đứa con nhỏ còn lại sống bơ vơ, đói khổ rồi bỏ học trong sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của người đời.

Sau khi được trả tự do, bà Nga mò mẫm, gõ cửa hết các cơ quan tố tụng trung ương để kêu oan. Vụ án bị “treo” lơ lửng, không một phiên tòa nào được mở lại, nên mẹ con bà Nga dù được ra khỏi tù, nhưng cũng bị người đời gièm pha là “kẻ giết người”.

Ròng rã hàng chục năm trời với hàng trăm lá đơn được gửi đi khắp nơi mà vụ án vẫn rơi vào im lặng. Gia đình bà Nga gần như buông xuôi, chấp nhận sống với thân phận bị can cho đến cuối đời. Thế rồi nhìn người mẹ đang ngày một già yếu, rồi chứng kiến những đứa con của mình phải chịu tiếng xấu nên con trai nhỏ của bà Nga quyết định thay mẹ tiếp tục gửi đơn kêu oan. Và lời kêu oan ấy cuối cùng cũng được hồi đáp.

Mẹ con bà Nga sống trong uất ức và tủi nhục. Các con đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối, trai đến tuổi lập gia đình cũng chẳng ai đoái hoài. Trước lúc bị bắt, anh Hiến có một mối tình đẹp với một cô gái gần nhà, nhưng từ khi người yêu vào tù, vì không vượt qua nổi “bia miệng, tiếng đời” nên cô đã dứt áo đi lấy chồng. Buồn chán rồi sinh bệnh tật, năm 2004 anh Trịnh Công Hiến mất khi trên ngực vẫn còn lưu dòng chữ “hận đời oan trái”. Anh Hiến xăm những chữ ấy khi ở trong tù và bảo với các em “khi nào được minh oan thì sẽ xóa”. Thế nhưng đến tận lúc nhắm mắt mà cái tội danh giết cha vẫn lơ lửng trên đầu.

Chỉ đến năm 2016, cơ quan tố tụng liên ngành tỉnh Điện Biên vào cuộc giải quyết đơn kêu oan của bà Nga và con trai thì hơn 1 năm sau, tháng 10/2017 họ mới được tuyên bố vô tội. Lời tuyên bố ấy đã đến muộn đối với anh Hiến.

Riêng người con trai thứ hai là anh Dương, vì không chịu nổi sự kỳ thị của người đời nên đành bỏ quê đi nơi khác làm ăn. Hành trang anh rời bỏ quê hương là chiếc va li hoen gỉ bên trong có giấy tờ về vụ án cùng tờ giấy thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Chìm nổi kiếp người vụ án oan Hàn Đức Long

Ông Hàn Đức Long hơn 11 năm mang tiếng oan ức hiếp dâm trẻ em, giết người ấy đã cố sống trong buồng biệt giam để chờ đợi cái giây phút danh dự ông được trả lại. Nhưng có lẽ, gia đình vẫn phải chịu nỗi đau đớn tột cùng, sự dè bỉu, nghi ngờ của gia đình nạn nhân, hàng xóm khi cơ quan chức năng vẫn chưa giải đáp được hung thủ thực sự.

Sau 4 lần bị tuyên án tử hình, ông Hàn Đức Long được ra khỏi trại giam về nhà với vợ con và người thân. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã “quyết định đình chỉ vụ án hình sự về tội hiếp dâm, trả tự do cho bị can Hàn Đức Long; quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và quyết định đình chỉ vụ án với bị can về tội giết người, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em”.

Song để được ra khỏi nhà tù nhìn thấy mặt trời công lý thì gia đình ông Long cũng đủ điêu đứng tan nát. Tổn thất cả vật chất và tinh thần không kể xiết, không gì đong đếm được.

Vụ án mà ông Hàn Đức Long, ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang, bị cáo buộc là thủ phạm, là một vụ hiếp dâm trẻ em, giết người gây phẫn uất dư luận. Nạn nhân là một cháu bé 5 tuổi, ở cách nhà ông Long chỉ một đoạn ngắn.

Niềm vui sau hơn 10 năm của vợ chồng ông Long. Ảnh: báo Dân trí

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 16/5/2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đi làm về thì phát hiện con gái là cháu Nguyễn Thị Yến (17 tuổi) mất tích. Sáng hôm sau, xác cháu Yến được nhân dân phát hiện ở ngoài đồng với nhiều dấu hiệu nghi bị hiếp dâm.

Vụ án bế tắc khi ròng rã 4 tháng, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang không tìm ra thủ phạm nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời phát động quần chúng tố giác tội phạm.

Đúng lúc đó, một lá đơn tố cáo ông Long chính là hung thủ gây tội ác với cháu bé, đồng thời tố cáo ông Long đã từng hiếp dâm hai mẹ con bà. Đáng chú ý, thời điểm đó, giữa gia đình ông Long và gia đình bà Khuyến đang xảy ra tranh chấp đất đai, bản thân bà Khuyến 74 tuổi.

Từ lá đơn này, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang bắt giam Hàn Đức Long để điều tra. Trong quá trình hỏi cung, ông Long khai nhận hiếp dâm rồi giết cháu Yến.

Tuy nhiên, quá trình điều tra về nội dung bà Khuyến tố cáo ông Long hiếp dâm mẹ con bà, cơ quan chức năng đã kết luận, ông Long không có hành vi hiếp dâm mẹ con bà Khuyến.

Số phận của ông Hàn Đức Long từ đó chìm nổi theo 4 lần toà xét xử. Lần nào ông cũng lĩnh án tử hình. Và cuối cùng, sau rất nhiều lần huỷ án sơ thẩm rồi phúc thẩm để điều tra lại từ đầu, người ta vẫn buộc tội ông Long là thủ phạm.

Gần chục năm đằng đẵng đeo đuổi minh oan cho chồng cho cha, không lúc nào yên thân để sản xuất, chăn nuôi thì trong nhà cũng hết nhẵn tiền bạc.

Vốn đi bộ đội, lại là Đảng viên rồi sau này tham gia lực lượng công an viên của xã, gia đình ông Long cũng được nhiều người trong vùng quý mến, kính trọng. Ngày tai họa chưa ập đến, ngôi nhà nhỏ với 4 thành viên ấy lúc nào cũng nhộn nhịp người ra vào, rộn ràng tiếng nói cười. Nhưng chẳng bao lâu sau khi ông Long bị bắt giữ với 2 tội danh Giết người và Hiếp dâm trẻ em, khung cảnh vui tươi thuở nào đã nhanh chóng nhường chỗ cho cái không gian ẩm mốc, dột nát đầy u ám và thấm đượm nỗi buồn hiu hắt.

Những ngày tội danh giết người, hiếp dâm của ông Long chưa được làm sáng tỏ, vợ con ông đã bao phen tủi hổ, uất trào nước mắt vì những lời khinh bỉ, dè bỉu và đàm tiếu của người đời.

Hơn chục năm trời là thời gian quá ngắn so với một đất nước, một dân tộc nhưng nó quá dài đối với một đời người ngắn ngủi. Bằng ấy thời gian, các nhà trong làng xã đã kịp xây nhà mới hoặc lên tầng, đời sống vật chất cải thiện, kinh tế phát triển, nhưng gia đình ông Hàn Đức Long thì... lụn bại.

"Đời cha ăn mặn, đời con khát nước", cả hai con của ông Long đều phải lỡ dở việc học hành để kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống và kêu oan cho bố. Con trai bà phải nghỉ học giữa chừng để cùng mẹ lên Hà Nội làm thợ hồ. 11 năm, bà và các con ra đường không thể ngẩng mặt lên nhìn ai. Tất cả xa lánh, cô lập, vì không ai tha thứ được cho một kẻ hiếp dâm, giết người.

Đau xót hơn, vì án của ông Long mà không chỉ vợ con, họ hàng phải chịu đủ nghi kị, điều tiếng mà đến cả người chết rồi của dòng họ Hàn cũng không được tha. Khi bốc mộ, di chuyển tiểu của ông cụ, cả gia đình chết điếng khi không biết từ bao giờ, ai đã đóng thẳng vào đầu một một thanh sắt to, dài hơn 1 mét. 

Mặc dù đã được minh oan, nhưng có lẽ, một lần nữa, ông trời vẫn chưa chịu dứt cơn thịnh nộ. Ngày ông được đọc quyết định xin lỗi, nhiều người trong gia đình nạn nhân đã đến chửi bới, hò hét, xông vào giật đổ tấm biển căng dòng chữ xin lỗi. Họ cho rằng, chừng nào thủ phạm thực sự của vụ án chưa được tìm thấy thì ông Long vẫn phải ở trong tù, chứ không thể qua 4 phiên xét xử, 4 lần bị tuyên án tử hình, giờ đây lại được tổ chức xin lỗi một cách trang trọng như thế.

Ông Long được người ta dẫn vào góc hội trường, lặng lẽ đứng ở một vị trí khuất nẻo, và cho dù bên dưới nháo nhào như một cái chợ vỡ, gia đình nạn nhân ẩu đả với lực lượng bảo vệ, chai lọ, dép guốc bị ném về phía những người thực thi nhiệm vụ. 

Trong khống khí hỗn loạn ấy, vợ chồng ông Long không nghe thấy lời quyết định xin lỗi. Sau đó, lại lặng lẽ như lúc đến, ông Long được người ta đưa ra xe đi về nhà. Giây phút ấy, vợ chồng, con cái ông có lẽ phải nuốt ngược nước mắt vào trong, một lần nữa chấp nhận trò đùa của số phận, nhưng là một cách bình thản trước cơn cuồng nộ của tạo hoá. Về đến nhà, ông mệt xỉu, ngã vật ra giường. Cơn huyết áp tăng đột ngột.

Vụ án “vườn điều” khiến "người tù xuyên thế kỷ" Huỳnh Văn Nén và cả gia đình vướng vòng lao lý

Với hai lần bị kết án tử, ông Huỳnh Văn Nén được xem là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan, được gọi là "Người tù xuyên thế kỷ".

Tháng 4/1998, ông Nén bị cho là dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp chiếc nhẫn. Hơn 2 năm sau, TAND tỉnh Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản, tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước. Sau 12 năm cơ quan điều tra không buộc tội được các bị can, không tìm ra hung thủ, gia đình ông Nén được minh oan, bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén không được giải quyết vì đang thi hành bản án chung thân vì bị cho là giết bà Bông, cướp nhẫn vàng.

Gần 17 năm ngồi tù, cuối năm 2015, Công an tỉnh Bình Thuận đình chỉ điều tra đối với ông Nén sau khi tìm ra hung thủ giết bà Bông. Không lâu sau ông được TAND tỉnh công khai xin lỗi tại địa phương.

Tổn thất về vật chất, đau đớn về tinh thần là hai lần khốn khổ khốn nạn. Tuy nhiên, hậu quả không chỉ ông Nén gánh chịu mà án này còn xới tung, đảo lộn cuộc sống của cả gia đình ông.

Tán gia bại sản vì chi phí cho việc kêu oan, nuôi tù. Vợ “người tù xuyên thế kỷ” Huỳnh Văn Nén cùng 3 đứa con sống tạm bợ qua ngày bằng việc bán bánh canh. Con cái đau ốm triền miên, học hành dở dang, lớp 1 – lớp 2 đã phải nghỉ, lêu lổng, đến mức chính quyền xã phải lần lượt đi vận động Làng SOS (quận Gò Vấp, TP HCM) nhận nuôi dưỡng đến 8 đứa trẻ (trong đó có 3 đứa là con ruột của Huỳnh Văn Nén). Lớn lên cũng không khá hơn, đứa làm thuê, làm mướn, đứa khá nhất giờ làm...lơ xe rồi thành tài xế.

Có lẽ không ai biết sẽ cần bao nhiêu lâu để bù đắp hết những nỗi đau mà những người phải trải qua bao tháng ngày chịu án oan. Số tiền bồi thường liệu có bồi lại được vết thương, sự rạn vỡ trong bao nhiêu gia đình trong suốt một đời?

Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, 3 mẹ con bà Đặng Thị Nga,.. những nỗi đau nhức nhối hàng chục năm. Người ta đang hỏi nhau, liệu trong tương lai, có còn những vụ oan sai tàn nhẫn như thế nữa? Ai sẽ trả lời được câu hỏi ấy?

Nguyễn Hà (T/h)

Tin nổi bật