Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bi kịch của bé gái 13 tuổi phải tự mình tố cáo bà ngoại và mẹ đẻ ép bán lấy chồng Trung Quốc

  • Bảo An
(DS&PL) -

Dù không muốn bị bán sang Trung Quốc lấy chồng và yêu cầu mẹ và bà ngoại trả tiền lại, nhưng T.K.A (13 tuổi, quê Kiên Giang) vẫn bị những người thân thiết nhất dùng mọi thủ đoạn để ép buộc cháu. Hành vi tội ác của những người máu mủ với cháu bé khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Bi kịch bị chính người mẹ ruột lừa bán

Còn gì xót xa hơn khi một bé gái còn rất nhỏ tuổi lại bị chính mẹ ruột và bà ngoại của mình là những người thân thiết nhất đành lòng lừa bán. Một câu chuyện khi bất cứ người ngoài nào chứng kiến cũng cảm thấy không khỏi xót xa.

Đó là câu chuyện của cháu T.K.A (13 tuổi, quê Kiên Giang). Cháu cũng chính là người trình báo cơ quan chức năng về việc bị mẹ và bà ngoại ép bán sang lấy chồng Trung Quốc.

Như đã đưa tin, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng vừa kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố vụ án Mua bán người dưới 16 tuổi đối với 4 bị can, gồm Nguyễn Thị Lài (SN 1997; trú tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang); Trần Thị Lợi (SN 1957), Lê Thị Mỹ Hạnh (SN 1985; cùng trú tại huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ); Triệu Thành Long (quốc tịch Trung Quốc; SN 1994; trú tại Thanh Điền, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc)

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, vào tháng 10/2023, khi được các lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả về Việt Nam tại khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng, cháu A đã trình báo việc bản thân bị chính bà ngoại và mẹ đẻ bán để làm vợ một người ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Ba đối tượng lừa bán cháu A bị bắt tại cơ quan công an. Ảnh: VietNamnet.

Ít ai biết được bi kịch của cháu bé lại xuất phát từ người thân thuộc, nó bắt nguồn từ tháng 5/2023, khi Nguyễn Thị Lài từ Trung Quốc về Việt Nam (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang). Trong thời gian này, Lài mời Triệu Thành Long sang Việt Nam chơi, đồng thời đề cập việc tìm vợ Việt Nam cho Long và được người đàn ông này đồng ý.

Ba tháng sau, Long nhập cảnh vào Việt Nam và đến ở nhà Lài. Sau đó, Lài đưa Long đến nhà bà Trần Thị Lợi và Lê Thị Mỹ Hạnh (mẹ đẻ của cháu A) ở TP Cần Thơ chơi. Tại đây, Lài giới thiệu Long rất giàu có và đang có ý định tìm vợ người Việt Nam.

Thông qua Lài, bà Lợi và Hạnh đồng ý gả cháu A. cho Long với sính lễ là 150 triệu đồng và 1 cây vàng. Lài nói với Long là cần phải chi số tiền 13,9 vạn Nhân dân tệ mới lấy được cháu A.

Chấp nhận lời yêu cầu của Lài để lấy được cháu A, Long đã chuyển toàn bộ số tiền này cho Lài. Sau đó, Lài đã đưa 1 cây vàng và 100 triệu đồng cho gia đình bà Lợi, rồi hứa sẽ trả nốt 50 triệu còn lại khi cháu A sang Trung Quốc.

Ngay khi biết ý đồ của mẹ và bà ngoại, cháu A không đồng ý, yêu cầu bà ngoại và mẹ trả lại tiền. Trước sự phản ứng quyết liệt của con gái, cháu gái, bà Lợi và Hạnh không những không động lòng, hối hận mà còn đe dọa sẽ uống thuốc sâu tự tử để ép buộc cháu.

Sau đó, Long trở về Trung Quốc bằng đường hàng không, còn Lài thuê người đưa cháu A xuất cảnh trái phép bằng đường tiểu ngạch, khi đang di chuyển sâu vào nội địa Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng bắt giữ. Nghe tin, Long yêu cầu lấy lại tiền nhưng bà Lợi, Hạnh và Lài đã sử dụng hết số tiền này nên Lài hứa sẽ tìm một người phụ nữ khác cho Long, theo VietNamnet.

Cuối tháng 2/2024, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng đã kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 4 đối tượng nêu trên.

Cơ quan công an cảnh báo về hành vi mua bán người

Cao Bằng là một tỉnh miền núi có địa phần giáp biên giới, đây cũng là địa bàn hoạt động của các nhóm tội phạm phức tạp. Trước đó đã nhiều lần cơ quan Công an tỉnh Cao Bằng đưa ra cảnh báo về tội phạm mua bán người trên địa bàn, đồng thời chỉ ra nhiều thủ đoạn của nhóm tội phạm này.

Theo Công an tỉnh Cao Bằng từng nhận định, Cao Bằng là tỉnh miền núi có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở với tình hình xuất nhập cảnh trái phép diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, tại một số khu vực, đời sống của người dân còn khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế... Đây là những điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm mua bán người hoạt động.

Đánh vào tâm lý cả tin với những lời dụ dỗ về việc nhẹ, lương cao hay đơn giản là một công việc ổn định, nhất là với thiếu nữ vùng cao, sau đó tìm cách lừa bán vào các "động" mại dâm, thậm chí bán qua biên giới đã không còn là câu chuyện mới nhưng lại ngày càng tinh vi hơn. Phạm vi cũng mở rộng hơn không còn chỉ ở các tỉnh trong nước hay qua biên giới Trung Quốc mà nhiều nạn nhân đã bị lừa bán sang các nước xa hơn như Campuchia, Myanmar và các nước Đông Nam Á khác.

Về thủ đoạn của bọn tội phạm, Thiếu tá Phùng Xuân Trường, Phó đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng cảnh báo: Nhiều trường hợp phạm tội có tổ chức, có câu kết chặt chẽ giữa người mua, người bán, người môi giới, dẫn dắt tạo đường dây liên tỉnh. Bên cạnh việc gặp gỡ, làm quen trực tiếp, xu hướng ngày càng phổ biến là dùng mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân, thủ đoạn là kết bạn, làm quen với nạn nhân qua mạng xã hội như zalo, facebook do tính bảo mật cao, khó bị phát hiện. Sau đó chúng sẽ nhờ người quen tại địa bàn hoặc trực tiếp qua điện thoại điều nạn nhân ra khu vực biên giới, sau đó bán ra nước ngoài.

Nhằm ngăn chặn tội phạm buôn bán người, Ban Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ lên kế hoạch cụ thể trong công tác đấu tranh; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu và các đối tượng thanh, thiếu niên.

Đồng thời đề nghị người dân nêu cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng, góp phần cùng lực lượng chức năng từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người, bảo đảm bình yên cho xã hội.

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật