Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bi hài hậu vận sau thẩm mỹ: Tiêm filler sai cách, cô gái mất thị lực mắt trái vĩnh viễn ở tuổi đôi mươi

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Một thiếu nữ 17 tuổi ở Đồng Nai đã nhập viện cấp cứu và được chẩn đoán mất thị lực vĩnh viễn mắt trái sau khi tiêm filler tại một spa làm đẹp.

Mất thị lực mắt trái sau khi tiêm filler vào môi, cằm, mũi

Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, ngày 17/1/2024, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ tại Đồng Nai gặp biến chứng mất thị lực mắt trái sau khi tiêm filler vào môi, cằm, mũi.

Bệnh nhân là chị N.H.T. (17 tuổi, Đồng Nai). T. bất ngờ bị đau đầu, chóng mặt và nôn ói khi đang tiêm filler vào vùng mũi tại một tiệm spa ở Đồng Nai.

Chị T. được người nhà đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng mắt trái có dấu hiệu sụp mi, góc trong mũi có dấu hiệu sưng bầm, thị lực mắt bên trái âm tính...

Bệnh nhân được chẩn đoán bị mất thị lực mắt trái sau tiêm filler. Các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên khoa mắt tiếp tục theo dõi và điều trị.

Mất thị lực mắt trái sau khi tiêm filler vào môi, cằm, mũi. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Thảo - khoa mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sau 8 ngày điều trị, bệnh nhân đã giảm triệu chứng đau đầu, giảm sụp mi, mắt bớt phù hơn, thị lực mắt trái vẫn âm tính. Các bác sĩ sẽ tiếp tục hội chẩn chuyên khoa nội thần kinh, thẩm mỹ và khoa mạch máu để tìm hướng điều trị.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu vừa điều trị cho một trường hợp biến chứng nghiêm trọng sau khi tiêm filler không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân N.T.N (30 tuổi, Long Điền Tây, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) nhập viện với các triệu chứng như sưng, đau, nổi nhọt, rỉ dịch vùng cằm kèm sốt.

Chị N. cho biết đã tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc trước khi nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm mô tế bào vùng cằm do nhiễm trùng sau tiêm filler, nguyên nhân là do quy trình không đảm bảo vô trùng và sử dụng sản phẩm không an toàn.

Hiện tại, bệnh nhân đang được truyền kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc y tế tích cực. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe của chị N. đã dần hồi phục và dự kiến sẽ xuất viện sớm.

Cảnh báo biến chứng nguy hiểm từ tiêm filler không rõ nguồn gốc

Chia sẻ trên báo Thanh niên, BS Nguyễn Hồng Trứ, Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, cho rằng khi tiêm các chất làm đẹp không rõ nguồn gốc xuất xứ rất dễ gặp các biến chứng từ nhẹ đến nặng. Trường hợp chị N. nhờ được phát hiện, điều trị kịp thời nên nhanh chóng phục hồi, không để lại sẹo. Tuy nhiên, những trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tắc mạch, hoại tử.

Bác sĩ Trứ khuyến cáo, khi có nhu cầu làm đẹp, khách hàng cần tìm hiểu kỹ về nơi thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, lựa chọn cơ sở uy tín, chuyên môn cao, đã được cấp phép hoạt động bởi cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, sử dụng những loại thuốc tiêm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng được chứng nhận bởi cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, khi thấy những biểu hiện bất thường sau khi tiêm filler, botox, meso... mà bị sưng tấy, đau nhức, áp xe, nhiễm trùng, sốt... cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng nghiêm trọng sau khi tiêm filler. Ảnh: Báo Thanh niên.

Trong khi đó, TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, lưu ý bệnh nhân sau tiêm filler có biểu hiện sớm của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý cấp cứu kịp thời.

Nhiều trường hợp các biến chứng có biểu hiện muộn như nhiễm trùng, viêm loét, vón cục… (liên quan đến kỹ thuật tiêm hoặc chất liệu làm đầy không đảm bảo, không được cấp phép) lan tỏa trong mô mềm tại vùng tiêm. Việc điều trị các biến chứng muộn này thường mất nhiều thời gian và để lại nhiều di chứng cả về mặt chức năng và thẩm mỹ.

Với những bệnh nhân đã tiêm các loại chất làm đầy không rõ nguồn gốc nhưng may mắn chưa xuất hiện các biến chứng, cũng nên thăm khám định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa tạo hình, thẩm mỹ hoặc bác sĩ da liễu. Bệnh nhân cần khám, siêu âm, đôi khi cần chụp cộng hưởng từ… để đánh giá tính chất của tổ chức tiêm vào mô, mức độ thâm nhiễm của các chất này đối với các tổ chức xung quanh. Từ đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc có nên lấy bỏ chất làm đầy này hay không, tiên lượng có lấy bỏ được hết hay không và đánh giá xem cần làm gì để tái tạo các mô tổ chức bị viêm, thâm nhiễm.

LTS: Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, khát khao sở hữu vẻ đẹp hoàn hảo ngày càng trở nên mạnh mẽ. Phẫu thuật thẩm mỹ, với lời hứa về sự thay đổi diệu kỳ, đã trở thành một lựa chọn không còn xa lạ. Tuy nhiên, đằng sau những ánh hào quang và niềm hy vọng về một "phiên bản" đẹp hơn của bản thân, lại ẩn chứa không ít câu chuyện bi hài, thậm chí là những hậu vận đầy cay đắng.

Trang Đời sống & Pháp luật giới thiệu độc giả tuyến bài "Bi hài hậu vận sau thẩm mỹ" nhằm vén màn những góc khuất ít ai ngờ tới của thế giới "dao kéo". Lắng nghe những lời kể xót xa của những người đã từng đặt trọn niềm tin vào "bàn tay vàng" của các bác sĩ thẩm mỹ, nhưng cuối cùng lại phải đối diện với hiện thực phũ phàng: tiền mất, tật mang, nhan sắc chẳng những không cải thiện mà còn trở nên tồi tệ hơn. Những biến chứng khôn lường, những đau đớn thể xác và cả sự dằn vặt tinh thần đã trở thành gánh nặng đeo bám họ suốt quãng đời còn lại.

Những câu chuyện này không chỉ là lời cảnh tỉnh đanh thép cho những ai đang ấp ủ ý định "trùng tu" nhan sắc, mà còn là hồi chuông gióng lên về trách nhiệm của các cơ sở thẩm mỹ và sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ khách hàng. Qua những mảnh đời đầy nước mắt và sự hối hận muộn màng, chúng tôi hy vọng quý độc giả sẽ có cái nhìn đa chiều và thận trọng hơn về phẫu thuật thẩm mỹ. Vẻ đẹp thực sự không chỉ nằm ở những đường nét bên ngoài mà còn tỏa ra từ sự khỏe mạnh, tự tin và yêu thương bản thân.

Tin nổi bật