(ĐSPL) - Nhận 250 triệu đồng tiền đền bù đất, người đàn bà vốn nổi tiếng hay ki cóp bỗng thay đổi hẳn. Khi tiêu hết đồng xu cuối cùng, sợ con trai hay chuyện, bà này dày công vẽ ra câu chuyện vừa gặp phải cướp đường. Hiện trường do bà dựng lên có chiếc xe máy nằm chỏng chơ bên đường (?!). Sau khi sự việc bị cơ quan chức năng lật tẩy, người đàn bà này bị một phen xấu hổ với hàng xóm, láng giềng.
“Của thiên, trả địa”?
Ngày 9/7, Đại tá Võ Thành Kỳ, Trưởng Công an thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho biết, Cơ quan điều tra Công an huyện vừa kết thúc điều tra vụ kỳ án trên địa bàn. Cụ thể, theo Đại tá Kỳ, ngày 15/6 vừa qua, Công an thị xã Hương Thủy nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về một vụ cướp táo tợn. Nhân chứng duy nhất và cũng là bị hại, bà Hồ Thị Ý (SN 1959, trú thôn Tân Lập, Thủy Phù, Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế) cho biết, bà vừa rút 250 triệu đồng từ ngân hàng về nhà thì bị một thanh niên lạ mặt áp sát, đạp đổ xe máy và cướp đi 250 triệu đồng. Nơi xảy ra vụ việc là con đường liên xã giữa phường Phú Bài và thôn 1 xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy).
Đoạn đường nơi bà Ý dựng hiện trường giả là bị cướp. |
Xét thấy vụ việc gây ảnh hưởng xấu ở địa phương, lực lượng chức năng thị xã Hương Thủy tức tốc vào cuộc điều tra. Thế nhưng, trái với lời khai của bị hại, kết quả điều tra cho thấy vụ cướp có nhiều dấu hiệu của một vụ... hoang báo. Tại hiện trường, chiếc xe máy ngã sõng soài trên mặt đường được cho là bị cướp đạp đổ lại không hề có một vết xước. Trong khi đó, xác minh tại chi nhánh Agribank Hương Thủy cho thấy, không có người phụ nữ nào tên là Ý đến rút 250 triệu đồng vào chiều 15/6.
Biết không thể qua mắt được những trinh sát dày dạn kinh nghiệm, bà Ý đành cúi đầu thừa nhận màn kịch vụng về của mình.
Để hiểu rõ hơn động cơ, tình tiết vụ việc, PV đã tìm về xã Thủy Phù, nơi bà Ý cư trú. Biết mục đích của PV, trong lúc trò chuyện, bà Ý tỏ ra khá dè dặt. Theo lời kể của bà, chồng mất sớm nên một mình bà phải tần tảo nuôi ba người con khôn lớn. Tuy khó khăn nhưng nhờ khoản thu nhập từ việc trồng rừng nên cuộc sống của gia đình cũng khá ổn. Đến năm 2013, xã Thủy Phù quy hoạch mảnh đất ở địa bàn thôn Tân Lập thành khu nghĩa trang, trong đó miếng đất rừng và nhà ở của bà cũng nằm trong diện đền bù giải tỏa.
“Thời điểm đó, toàn bộ đất rừng và đất nhà ở của tôi được đền bù 350 triệu đồng. Số tiền này, chúng tôi được nhận làm hai đợt. Đợt thứ nhất là 220 triệu đồng, tôi dùng 100 triệu đồng để trả nợ và mua một mảnh đất để sau này làm nhà (vì nhà cũ thuộc diện phải di dời trong vài năm tới) đồng thời mua thêm một số đồ dùng sử dụng trong gia đình. Còn lại 120 triệu đồng tôi mang gửi ngân hàng. Đợt thứ hai tôi nhận thêm được 130 triệu đồng nữa. Số tiền này tôi không dùng vào việc gì mà gửi tiếp vào ngân hàng. Tổng cộng số tiền tôi gửi vào ngân hàng cả hai đợt là 250 triệu đồng”, bà Ý cho biết.
Anh Nguyễn Văn Sơn (trú xã Thủy Phù, con trai bà Ý) cho hay, để tái định cư, gia đình cần tiền trang trải thêm cho việc mua đất, xây nhà, nên anh quyết định sang Lào làm ăn kiếm thêm vốn. “Được vài năm tôi trở về với một ít vốn lận lưng. Nghĩ mẹ đã già yếu cần một căn nhà vững chãi để sinh sống, tôi mới quyết định làm nhà nên bảo mẹ rút 250 triệu đồng ra cùng số tiền tôi có để dựng nhà”, anh Sơn kể.
Thế nhưng, bà Ý viện đủ mọi lý do để từ chối việc rút tiền. Đến ngày 15/6, thấy anh Sơn hối thúc quá, bà Ý bảo với con trai rằng để bà lên ngân hàng rút tiền về. Trên thực tế, bà đã tiêu sạch số tiền này từ trước. Đang lo không biết làm sao thì bà không may bị ngã xe. “Ma xui quỷ khiến thế nào, tôi lại nghĩ đến chuyện giả cướp để lừa con trai. Thế là khi thấy người dân tới hỏi thăm, dựng xe giùm tôi hô hoán bị cướp mất 250 triệu đồng. Đây là số tiền đền bù mà tôi đã tiêu xài hết, nhưng vẫn nói dối con trai là đang gửi trong ngân hàng...”, bà Ý cho biết.
Bà Ý hối hận khi kể lại câu chuyện của mình với PV. |
Người mẹ “nướng” 250 triệu đồng vào đâu?
Sự việc vỡ lở khiến dư luận nơi xã nghèo Thủy Phù một phen dậy sóng. Không ai có thể tin được, một người phụ nữ xưa nay nổi tiếng hiền lành, đảm đang như bà Ý, có thể hoang phí một số tiền lớn như vậy. Chính từ nghi vấn này, nhiều người cho rằng việc tiêu tiền của bà này có liên quan đến đề đóm, bài bạc vì hầu như những sinh hoạt trong gia đình đều do vợ chồng anh Sơn (con trai bà Ý) đứng ra lo liệu chu toàn.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Ý ngậm ngùi: “Cách đây mấy năm, tôi cũng có đánh đề rồi sau đó chuyển sang ghi giùm cho người khác bằng cách nhắn tin qua điện thoại. Lúc đầu cũng chỉ đánh vài chục ngàn cho vui thôi, nhưng sau đó nhiều người bảo tôi ghi với một số tiền lớn hơn, từ vài trăm rồi tới vài triệu đồng. Vậy nhưng tới khi họ đánh thua tôi đòi tiền họ lại không trả, nên tôi phải dùng tiền của mình để trả cho nhà cái. Tôi không có tiền mặt nên phải lên ngân hàng rút tiền về trả cho người ta. Mỗi lần như thế tôi rút khoảng 20 đến 30 triệu đồng. Tôi cũng không nhớ rõ mình đã rút bao nhiêu lần nữa. Nhưng đến cuối năm 2013, thấy mất quá nhiều tiền mà không đòi lại được, nên tôi không còn ghi đề nữa. Số tiền mà tôi đã mất vào đề đóm khoảng hơn 100 triệu đồng...”.
Theo lời bà Ý, hơn 100 triệu đồng, bà đã nướng sạch vào bài bạc, đề đóm còn 50 triệu kia bà dành cho chi tiêu gia đình. Nhưng tại Cơ quan điều tra, bà Ý không chứng minh được bà đã bỏ tiền ra mua món đồ nào trong nhà. Điều này càng khiến mọi người thêm nghi ngờ. Nhiều người cho rằng bà Ý đưa ra những lời lẽ đó chỉ để biện minh cho “máu đỏ đen” trong người bà.
Tâm sự với chúng tôi, chị Trần Thị Phương Mai (con dâu bà Ý) cho biết: “Số tiền đó đối với chúng tôi thực sự là rất lớn. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã xảy ra rồi nên cũng không thể làm gì được nữa. Thêm vào đó, mẹ tôi đang bị bệnh tim, nếu mà cứ tra hỏi thì chắc bà sẽ bị áp lực rồi ảnh hưởng tới sức khỏe. Vợ chồng tôi cũng như các chị gái, ai cũng hiểu chuyện đó nên buộc phải coi như không có chuyện gì xảy ra. Sắp tới chắc gia đình phải mượn tiền để xây nhà vì chúng tôi đã đổ móng rồi. Sau này, vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm lụng để trả nợ. Mấy ngày qua, tôi thấy mẹ cũng buồn lắm. Thấy bà như thế vợ chồng tôi cũng không yên tâm nên cố gắng động viên bà. Tôi chắc rằng, sau sự việc này, bà sẽ nhận ra được sai lầm của mình”.
Về phần mình, bà Ý cũng tỏ ra hối hận về việc dối gạt con trai mình và mong muốn các con tha thứ cho lỗi lầm của mình.
Phạt để làm gương Đại tá Võ Thành Kỳ, Trưởng Công an thị xã Hương Thủy cho biết: “Đây là trường hợp giả bị cướp giật đầu tiên ở thị xã Hương Thủy, cũng như ở tỉnh Thừa Thiên- Huế. Việc bà Ý gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, động cơ của bà Ý chỉ là để che giấu việc trong gia đình nên chúng tôi chỉ xử phạt hành chính để cảnh cáo, răn đe những người khác”. |
NHÂM THÂN